Vì lười, chớ đổ tội cho Tết!

Là một cây bút với cái nhìn riêng, Ploy cho rằng không nên tranh cãi gay gắt việc gộp Tết mà điều quan trọng là dành thời gian để thay đổi triệt để nếp cũ "tháng Giêng là tháng ăn chơi" của người lao động.

Tại sao lại bỏ Tết để áp mình vào hệ quy chiếu phương Tây?

Ý kiến cho rằng việc ăn Tết Âm Lịch là hoang phí, tốn thời gian, giảm năng suất lao động là phiến diện, chưa cân nhắc tổng thể xã hội để đánh giá. Có người cho rằng dân Việt ăn Tết lớn mà nguy hiểm quá, nào rượu chè, cờ bạc, rồi tai nạn giao thông – vì vậy cần bỏ Tết! Vậy tại sao chúng ta lại không tuyên truyền cho người dân ăn Tết lành mạnh hơn, giảm rượu, bỏ cờ bạc, chạy xe có trách nhiệm? Chẳng lẽ, không quản được thì cấm hết cho nhanh?! Chỉ chăm chăm soi vào mặt tiêu cực thì nhìn đâu cũng thấy màu đen mà thôi.

Trước nhất, một xã hội muốn phát triển toàn diện thì đầu tiên con người phải được phát triển toàn diện. Cư dân những thành phố lớn hay đùa nhau rằng Tết chạy xe thích thật vì đường vắng xe ít, không bon chen, bớt khói bụi. Chi tiết này thôi cũng đủ thấy nền kinh tế của các thành phố lớn phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư. Họ đã phải ở đất khách quê người ba trăm mấy chục ngày mỗi năm vì miếng cơm manh áo, sao chúng ta có thể tàn nhẫn cắt xẻo mươi ngày Tết về đoàn viên của họ? 

Ngay thời điểm này mà bỏ Tết Ta thì người lao động xa nhà sẽ lấy dịp nào về thăm gia đình? Con người phải cảm thấy hạnh phúc, có đời sống tình cảm hài hòa thì mới có thể thật sự cống hiến. Cơm áo gạo tiền quan trọng đấy, nhưng trong những thời điểm khó khăn của đời người thì tình cảm gia đình, tình tương thân tương ái có sức mạnh có khi còn hơn vàng bạc.

Vì lười, chớ đổ tội cho Tết! - Ảnh 1.

 Bỏ Tết âm lịch giúp tiết kiệm hơn, còn tránh làm giảm năng suất lao động – Tôi không nghĩ thế!

Thứ nhì, có ý kiến cho rằng sau kỳ nghỉ Tết dài thì người dân lao động uể oải, năng suất kém, phải vài tuần sau mới hồi phục lại. Cái này có đúng có sai. Thái độ làm việc tùy thuộc vào từng người, từng công ty, từng môi trường. Nếu người làm việc có đam mê, muốn làm, thì sau kỳ nghỉ họ sẽ được nạp lại năng lượng để chinh chiến tiếp. Chưa kể, trong Tết vẫn có những người chăm chỉ làm như ngày thường, đó là các tiếp viên hàng không, các nhà báo biên tập đài truyền hình, nhân viên các quán xá, công nhân vệ sinh đường phố, vân vân.

Ở mức độ cao hơn, nếu công ty có chính sách thúc đẩy năng suất, "ép" người lao động phải xắn tay áo lên ngay sau Tết thì làm gì có chuyện chây ì. Có biếng nhác thì do cả lính cả sếp như nhau. Và trong tình hình kinh tế ngày càng cạnh tranh như hiện nay thì các tổ hợp kinh doanh này sẽ nhanh bị đào thải, không cần quá lo lắng và thương xót. Riêng với các công ty làm việc trực tiếp với đối tác nước ngoài, cần có chính sách riêng cho nhân viên để họ làm việc xuyên Tết. Người muốn tiến lên thì sẽ nhân lúc kẻ khác đang ngủ gục mà phấn đấu.

Cuối cùng, Tết là dịp tăng trưởng kinh tế trọng điểm của quốc gia, vậy tại sao bỏ? Tết là dịp khuyến mãi lớn nhất trong năm của các ngành hàng gia dụng, như theo dự báo của Sở Công thương TPHCM, trong tháng 2/2016, dịp Tết Nguyên Đán 2016, sức mua trên thị trường sẽ tăng cao từ 10-15% so với Tết Ất Mùi năm 2015. Kỳ nghỉ Tết là mùa hốt bạc của các công ty lữ hành, thúc đẩy du lịch nội địa phát triển. Khi du lịch nội địa phát triển, các địa phương sẽ giàu có hơn, dân sung túc hơn. Vì vậy, ý kiến cho rằng Tết ta làm đình trệ kinh tế là còn phiến diện, chưa nhìn tổng quan tất cả các ngành nghề của nền kinh tế.

Đến một thời điểm, nghỉ Tết sẽ ngắn lại

Trên bản đồ kinh tế thế giới và khu vực, hiện Việt Nam đang ở chiếu dưới nên chắc chắn phải hy sinh nhiều thứ để đẩy nhanh tiến trình phát triển mới hy vọng đuổi kịp các nước bạn. Đó là tăng giờ làm, giảm ngồi đồng cà phê rượu bia, thực thi các quy tắc xã hội nghiêm khắc hơn, và có khi là giảm thời gian nghỉ Tết Ta. Nhưng việc giảm thời gian nghỉ Tết không phải thực hiện cái đùng là sẽ được, điều này sẽ gây sốc và phản kháng. 

Một cá nhân muốn thay đổi chính mình cần thời gian, cần một quá trình, huống chi là một đất nước muốn thay đổi. Muốn cắt giảm thời gian nghỉ Tết thì cần sự hỗ trợ của việc phát triển giao thông nội địa để người lao động có thể thuận tiện về thăm nhà trong những ngày nghỉ ngắn ngày như Tết Tây, 30/4 và 2/9. Khi còn làm việc tại Thái Lan, hàng năm tôi chỉ được nghỉ ba đến năm ngày vào tháng 4 nhân dịp Tết Cổ truyền Songkran của họ, nhưng xuyên suốt năm tôi có gần hai mươi ngày được nghỉ theo những lễ lạt nhỏ của Thái Lan, khi kết hợp cùng dịp cuối tuần thì tạo thành những "long weekend" (kỳ nghỉ cuối tuần dài). Do giao thông giữa các vùng miền ở Thái Lan thuận tiện và rẻ hơn Việt Nam, nên lao động nhập cư tại Bangkok có nhiều dịp về nhà thăm thân, không như tình hình Việt Nam hiện nay đi lại khó khăn và đắt đỏ.

Vì lười, chớ đổ tội cho Tết! - Ảnh 2.

Theo quan điểm của người viết, muốn cắt giảm thời gian nghỉ Tết thì cần sự hỗ trợ của việc phát triển giao thông nội địa.

Vì vậy, tôi nghĩ không cần quá gay gắt tranh cãi việc giảm hay không thời gian của kỳ nghỉ Tết, mà chúng ta hãy dành đầu óc để phác thảo ra kế hoạch thay đổi thái độ làm việc sau Tết cho những người lao động còn quen nếp cũ "tháng Giêng là tháng ăn chơi", phát triển giao thông giữa các tỉnh lỵ và phát triển kinh tế (để người lao động được tăng lương) để làm nền tảng cho việc điều chỉnh lịch nghỉ Tết.

Tết của Ploy thì như thế nào?

Hàng năm Tết tôi đều tận dụng thời gian đi du lịch, nhưng năm nay vì nhà có việc nên ở lại ngắm Sài Gòn trong nắng xuân, phác thảo những kế hoạch mình muốn thực hiện trong 2016. Trong kỳ nghỉ, tôi bắt đầu làm việc trên bản thảo sách mới từ ngày mùng 2, tập võ Thái mỗi cách ngày để giữ dáng.

Tên: Trần Lê Ngọc Bích

Sinh ngày: 7/4/1988

Từng làm việc ở vị trí quản lý tại rất nhiều công ty lớn trong lĩnh vực truyền thông, marketing cả trong nước lẫn các nước trong khu vực.


Vì lười, chớ đổ tội cho Tết! - Ảnh 4.
 Trần Lê Ngọc Bích.

Từng là một cây viết nổi tiếng của Hoa học trò, và tính đến năm 2015, cô đã có 7 đầu sách được xuất bản.

Ở ngoài đời, Ploy rất yêu du lịch và từng đặt chân tới không dưới 15 đất nước.

Theo Kênh 14/ trí thức trẻ


Tin tức mới nhất