Về dinh dưỡng, lẩu là món ăn được kết hợp từ nhiều loại nguyên liệu: thịt, cá, hải sản, rau củ quả, đậu phụ… nên lượng calo trong món ăn này bằng tổng calo trong tất cả các nguyên liệu cộng lại. Nếu chúng ta ăn ở lượng vừa phải và đồ ăn tươi mới thì tốt cho sức khỏe bởi đây là món ăn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nhất. Nhưng nếu ăn thường xuyên và với số lượng nhiều thì có nguy cơ thừa chất dinh dưỡng.
Môi trường ăn xung quanh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của bữa ăn lẩu.
Thứ hai là về an toàn thực phẩm. Thông thường khi ăn lẩu thì sẽ chờ nước sôi mới cho đồ nhúng vào nhưng thói quen của nhiều người là cho đồ nhúng lẩu vào rồi gắp ra ngay, ăn ở dạng tái như thế có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng ở rau, nhiễm vi khuẩn salmonella, botulinum ở thịt, cá…
“Hay gặp nhất là vi khuẩn salmonella. Salmonella từ đâu? Từ trứng, vi khuẩn này còn thấm qua màng trứng vào bên trong... Còn các loại thịt thì đều có trên bề mặt, vì vậy đó là một trong những loại gây ngộ độc nguy hiểm và hàng loạt. Thứ hai nữa là botulinum có thể gây tiêu chảy nặng. Thời gian bị nhiễm và xuất hiện các triệu chứng thường trong khoảng 6 giờ đồng” - TS.BS Phạm Thúy Hòa Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng, nguyên Giám đốc Trung tâm đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm, Viện Dinh dưỡng quốc gia phân tích.
Nguy hiểm hơn nếu ăn ở những quán vỉa hè, giá rẻ, thường khó có thể kiểm soát được nguồn nguyên liệu nhập vào, những thực phẩm có thể đã bị nhiễm vi khuẩn độc hại từ khi giết mổ, vận chuyển mà họ có bảo quản đông lạnh hay nấu chín cũng chưa chắc đã diệt được, nhất là những viên thả lẩu như tôm, cá hiện đang bán phổ biến trên thị trường.
“Những đồ nhúng lẩu, viên thả lẩu rất ngon, sảng khoái trong bữa ăn thích nhưng nguy hiểm ở chỗ là chúng ta không biết người sản xuất đã làm thế nào để ra được một viên như thế, bao lâu rồi mới đến tay mình. 2 loại vi khuẩn salmonella và botulinum đều có khả năng thích đông lạnh, ở nhiệt độ đó nó ngủ say, khi rã đông thì nó bừng tỉnh thì chúng ta ăn nó, thì đó là nguồn nhiễm thực phẩm ưa lạnh nằm trong viên đó. Thứ hai là quá trình đóng gói, họ bảo quản nhiệt độ bao lâu rồi mình không biết và liệu sản phẩm đó có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Vì vậy, khi mua cố gắng mua ở những địa chỉ uy tín, kiểm soát được”.
Thực phẩm cho nồi lẩu nên được đun chín kỹ trước khi dùng.
“Môi trường diệt vi khuẩn tốt là môi trường kiềm. Môi trường kiềm lấy từ đâu? Lấy từ các loại rau củ quả, vì vậy nồi lẩu các bạn kiểu gì cũng phải có môi trường kiềm, cho rau nấm vào, tốt nhất là để rau chín rồi hãy ăn nếu không thì vẫn có con sán, vắt bám trên rau. Ăn rau trước để tạo môi trường kiềm trong dạ dày của mình, môi trường này làm ức chế sự phát triển của con vi khuẩn virus kia” – TS.BS Phạm Thúy Hòa khuyến cáo.
Ngoài ra, khi ăn các bạn nên chú ý không để đồ chín và đồ sống gần nhau, sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn chéo và cũng không nên dùng tay bốc rau cho vào nồi lẩu rồi lại bóc tôm, cua chín cho vào bát dùng của người ăn.
Việc ngồi quây quần ăn uống bên nồi lẩu mang lại niềm vui cho cả nhà nhưng các bạn đừng quên phòng tránh một số yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe về môi trường, cách ăn và nguyên liệu để tạo nên món lẩu.
Theo Người Đưa Tin