Vì sao Rằm tháng Giêng được gọi là tết Nguyên tiêu?

Rằm tháng Giêng hay tết Nguyên tiêu là một ngày lễ quan trọng của người dân Việt Nam. Tuy vậy, không phải ai cũng biết nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này.

Nguồn gốc tết Nguyên tiêu

Tại Việt Nam, Rằm tháng Giêng hay còn gọi là tết Nguyên tiêu được xem là một dịp lễ đặc biệt quan trọng trong năm. 

Về nguồn gốc của Rằm tháng Giêng - tết Nguyên tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Có truyền thuyết cho rằng, tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian.

Sau ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu. Bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Vì sao Rằm tháng Giêng được gọi là tết Nguyên tiêu?-1

Một số tài liệu khác lại cho rằng, Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Vào ngày này, chư tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp.

Những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đức Phật... Nhiều người tin rằng đây là đêm đức Phật giáng lâm nên rằm tháng Giêng thường là dịp người người đi chùa cầu an, cầu may, cúng sao giải hạn…

Trong khi đó, TS. Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM lại cho rằng, tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ những sự tích của Trung Quốc và có nhiều phiên bản khác nhau.

TS Trần Long, giảng viên khoa Văn hóa, ĐH KHXH&NV cũng cho biết, xã hội ngày nay lưu truyền nhiều ý nghĩa, nguồn gốc của ngày Rằm tháng Giêng. Tuy nhiên theo ông, câu chuyện liên quan đến vua Hán Văn của Trung Hoa là được truyền tai nhiều nhất.

Theo đó, nhà vua lên ngôi vào đúng ngày Rằm tháng Giêng nên hằng năm cứ đến ngày này, vua lại ra ngoài chung vui với dân. Chữ đêm (dạ) trong cổ ngữ Trung Hoa được đọc là “tiêu”, đây còn là đêm rằm đầu tiên của năm nên vua Hán Văn gọi ngày này là ngày tết Nguyên tiêu.

Ý nghĩa ngày tết Nguyên tiêu

Tết Nguyên tiêu nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới, “Nguyên” nghĩa là thứ nhất, “Tiêu” nghĩa là đêm. Ngoài ra tết Nguyên tiêu còn được gọi là tết Thượng nguyên để phân biệt với tết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy) và tết Hạ nguyên (Rằm tháng Mười).

Tết Nguyên tiêu là một ngày lễ quan trọng với người theo Phật giáo. Do đó, dân gian có câu nói: “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.

Vào ngày lễ này, mỗi gia đình thường sẽ bày một mâm cỗ cúng để thể hiện lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với Phật, ông bà tổ tiên, cầu mong năm mới an lành, nhiều tài lộc.

Tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán mà mỗi vùng miền sẽ có cách thể hiện mâm cỗ khác nhau. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều thì đều chung mục đích tỏ lòng thành kính với Phật và tổ tiên của mình.

Thượng tọa Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (TP.HCM) cho biết, ngày Rằm tháng Giêng còn gọi là lễ Thượng nguyên – thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm. Ngày này, mọi người thường đi chùa để cúng dường, làm nhiều việc thiện, cầu bình an đến với mình và gia đạo.

Cũng theo Thượng tọa, Rằm tháng Giêng nằm trong cùng hệ thống với các tết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy, địa quan xá tội) và tết Hạ nguyên (Rằm tháng Mười, thủy quan giải ách).

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/tet-nguyen-tieu-la-gi-vi-sao-ram-thang-gieng-duoc-goi-la-tet-nguyen-tieu-2105891.html?fbclid=IwAR0CHlIinxX9dcftWa-yOD4Ck7rQXu_DI5PQ1GPhc0VMPWeIchCVEOIKCp4

Tết nguyên tiêu

Tin tức mới nhất