Virus herpes lây lan qua đường nào nhanh nhất?

Những hành động thân mật như hôn, chạm vào vùng bệnh, sex... đều có nguy cơ lây nhiễm herpes rất nhanh.

Herpes lây qua những đường nào?

GS.TS Nguyễn Hữu Sáu - Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh do virus herpes gây ra có đặc trưng là mụn nước, tập trung thành từng đám, gây đau rát, đỏ rộp, khó chịu. Bệnh dễ dàng lây sang người khác khi có những tiếp xúc trực tiếp hoặc vô tình.

Theo tiến sĩ Sáu, có 2 loại virus herpes, viết tắt là HSV1 và HSV2. HSV1 gây bệnh ở da, niêm mạc phần trên của cơ thể (từ rốn trở lên) như mắt, mũi, miệng, tay. Chúng lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp với virus qua trầy xước, hoặc qua nước bọt. Hôn là hành động khiến bạn dễ bị lây nhiễm loại virus này. HSV2 gây bệnh ở da niêm mạc bộ phận sinh dục. Bệnh lây truyền qua đường tình dục. Virus lây qua người có bệnh, khiến vùng sinh dục, tam giác có mụn nước mọc thành chùm.

Tuy nhiên, hiện nay sự phân loại này không hoàn toàn tuyệt đối vì người ta có thể phân lập thấy HSV1 ở những thương tổn tại bộ phận sinh dục và HSV2 lại có thương tổn ở môi, miệng. Quan hệ tình dục bằng miệng (oral sex) là một trong những lý do phổ biến dẫn đến tình trạng này.

Bệnh tự tiến triển và khỏi sau 7-10 ngày, không để lại sẹo. Đặc biệt, bệnh dễ tái phát. Trong trường hợp mới nhiễm lần đầu, tổn thương lan tỏa nhiều nhất, sau khi khỏi, khi cơ thể gặp stress, nhiễm khuẩn làm sức đề kháng giảm, chúng sẽ tái phát. Lần sau biểu hiện ít hơn lần đầu tiên.

Làm sao để tránh?

Về điều trị, GS Sáu cho biết, người bệnh phải dùng thuốc kháng virus. Khi khỏi bệnh, bạn cũng cần phải tránh stress, hạn chế đi lại, thức khuya và các nguy cơ nhiễm khuẩn khác để tránh bệnh tái phát. Trường hợp tái phát trên 6 lần/năm phải dùng thuốc dự phòng.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, số bệnh nhân nhiễm virus herpes khá phổ biến. GS Sáu khuyến cáo, bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, người bệnh đau rát, khó chịu, đặc biệt rất tự ti vì hay bị ở môi, mặt gây mất thẩm mỹ.

Hiện số người mang virus herpes trong cuộc sống rất cao, khi gặp điều kiện thích hợp chúng sẽ phát thành bệnh, đồng nghĩa tăng nguy cơ lây nhiễm. Điều kiện thuận lợi để virus xâm nhập gây bệnh thường là tổn thương ở môi (khô, nứt môi, chấn thương...), chấn thương răng - miệng (nhổ, trám răng...), sốt, cảm cúm, các bệnh nhiễm trùng (như viêm đường hô hấp trên...), kinh nguyệt, có thai, suy nhược cơ thể, căng thẳng tinh thần, chấn thương thể chất, giảm sức đề kháng, giảm miễn dịch (AIDS, ung thư...).

Vì vậy, bạn cần lưu ý không tiếp xúc trực tiếp vùng da đang tổn thương của mình vào người khác như hôn, sờ, chạm, quan hệ tình dục... Không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn lau mặt, ly uống nước, chén-đũa-muỗng, son môi, phấn trang điểm… Không trang điểm khi đang bị mụn rộp hay vết lở. Khi bị bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Theo Zing

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao