Vụ cha vợ giết chết con rể: "Không có ai chỉ cho ông Nam cách để giải tỏa bức xúc bị kìm nén"

"Thứ nhất, những người xung quanh, chính quyền địa phương có rất nhiều thời gian để can thiệp, giúp đỡ ông Nam và con rể giải quyết mâu thuẫn, nhưng chúng ta đã không làm được điều này.

Thứ hai là xã hội (nhà trường, gia đình, các mối quan hệ xã hội) đã không chỉ cho ông Nam thấy được cách để giải tỏa bức xúc. Chính vì thế,

Mới đây, dư luận đang xôn xao về vụ án cha vợ dùng dao phay chém nhiều nhát vào vai và đầu con rể khiến người này gục chết ngay tại chỗ. Sau khi gây án, thủ phạm - ông Nguyễn Văn Nam (SN 1958, phường 13, Q.Vò Gấp, TP HCM) còn bình tĩnh chở xác nạn nhân đến công an phường tự thú.

Khi mới nghe qua, hành vi gây án tàn nhẫn của ông Nam khiến không ít người ghê sợ. Thế nhưng, điều đáng nói là đằng sau vụ việc ấy lại có cả một câu chuyện dài, đầy nước mắt về tình phụ tử cùng những mâu thuẫn chồng chéo trong gia đình kéo dài mà không thể tìm ra cách giải quyết ổn thỏa.

Vụ cha vợ giết chết con rể: Không có ai chỉ cho ông Nam cách để giải tỏa bức xúc bị kìm nén - Ảnh 1.
Ông Nam chở xác con rể đến công an phường tự thú.


7 năm trước, nạn nhân là Tôn Thanh Việt (34 tuổi) kết hôn cùng con gái ông Nam và có với nhau một mặt con. Tuy nhiên, gần đây đời sống vợ chồng bất hòa, con gái ông Nam dọn về sống với bố mẹ ruột.

Việt thường say xỉn và mỗi lần như thế lại đến quấy phá gia đình ông Nam, thậm chí còn dọa giết cả nhà. Sau nhiều lần nín nhịn, trong một lần Việt tiếp tục tìm đến gây sự, đánh đập con gái, ông Nam đã quyết định chọn cho Việt và thậm chí là chính mình một bản án tử hình, kết thúc mối bất hòa bấy lâu.

Từ câu chuyện xảy đến với gia đình ông Nam, nếu để ý hơn, có lẽ chúng ta sẽ thấy rằng, chuyện giết người trong tình huống bị dồn nén tâm lý, bị bạo hành, ngược đãi triền miên không còn là điều hiếm gặp. Những vụ vợ giết chồng vì bị ngược đãi cả chục năm trời, cha giết con để bảo vệ cháu nội hay bạn bè giết nhau vì bị bắt nạt ngày này qua tháng khác... đều đã từng xảy ra.

Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến những kết cục đau lòng như thế? Và liệu có thể ngăn cản những bị kịch này hay không? Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Chu Văn Đức - chuyên gia tâm lý học tội phạm, công tác tại Đại học Luật Hà Nội.

Không ai nhẫn nhịn mãi được, đến lúc "tức nước vỡ bờ", người ta sẽ phản ứng dữ dội hơn

Theo TS Đức, những tình huống giết người khi bị dồn nén, ức chế trong suốt khoảng thời gian dài là một phản xạ hết sức bình thường. "Các cụ ta thường hay gọi đó là tình trạng "tức nước vỡ bờ". Khi một người bị dồn nén quá lâu, chỉ cần có thêm một cái cớ là có thể đưa đến những phản ứng rất mãnh liệt. Hiện tượng này trong tâm lý học là hết sức bình thường, ở mỗi cá nhân hay thậm chí là cộng đồng, xã hội đều có".

Ông Đức phân tích, thủ phạm trong các vụ án này thường là những con người hiền lành, luôn có tâm lý nhẫn nhịn, mong được sống yên ổn, hòa bình.

Vụ cha vợ giết chết con rể: Không có ai chỉ cho ông Nam cách để giải tỏa bức xúc bị kìm nén - Ảnh 2.
Trong ảnh là bà Trương Thị Bài (54 tuổi), người đã ra tay giết chồng
 vì bị bạo hành quá nhiều.


Tuy nhiên, không ai có thể nhẫn nhịn được mãi. Đến một lúc nào đó, khi những bức xúc lâu ngày bị vỡ tung ra, họ sẽ phản ứng dữ dội, sẵn sàng ra tay tàn độc. "Lúc này họ đã không còn kiểm soát được bản thân. Mọi ý nghĩ của họ chỉ hướng đến làm sao giải tỏa thật nhanh những bức xúc trong lòng và bất chấp mọi thứ kể cả cái chết".

Song vì bản tính vốn lương thiện nên ngay sau khi gây án, những đối tượng này thường có cảm giác hối hận, tiếc nuối. "Tất cả họ đều là người có lương tâm, đạo đức, rất nhiều người còn không bao giờ tin hay nghĩ mình có thể giết người. Vì thế, hành động của họ chỉ là do đã bị đẩy đến cực điểm của sự kích động".

Theo ông Đức, những thủ phạm này thường không có động cơ, kế hoạch giết người từ trước. Chẳng hạn như ông Nam đã tiện tay lấy con dao phay dưới bếp để gây án. Tuy nhiên, họ lại có động cơ một cách vô thức. "Trong những lần bị áp bức, chà đạp trước đó, họ cũng đã vô tình nghĩ đến tình huống ra tay giết người nhưng vì đạo đức, lương tri, họ lại kìm nén được. Cho đến khi không thể chịu đựng được nữa, những ý nghĩ vô thức kia bất ngờ bùng lên, trở thành hành động thực tế".

Những vụ án giết người vì chịu kích động đều có thể ngăn ngừa

Theo ông Đức, những trường hợp giết người như ông Nam nên được xem xét tình tiết khoan hồng giảm nhẹ, người đời có trách nhưng cũng cảm thông, chia sẻ. "Tuy nhiên, bản chất vụ việc là giết người, ông Nam vẫn là người có lỗi và thậm chí trong câu chuyện này, có cả trách nhiệm của xã hội", TS Đức nói thêm.

Vị TS này phân tích, đáng lẽ hành vi gây án của ông Nam hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bởi những nỗi bức xúc, giày vò mà ông và gia đình phải chịu đựng không chỉ diễn ra trong chốc lát mà có cả một quá trình diễn biến rất dài.

"Nói như thế để thấy, thứ nhất, những người xung quanh, chính quyền địa phương có rất nhiều thời gian để can thiệp, giúp đỡ ông Nam và con rể giải quyết mâu thuẫn, nhưng chúng ta đã không làm được điều này. Thứ hai là xã hội (nhà trường, gia đình, các mối quan hệ xã hội) đã không chỉ cho ông Nam thấy được cách để giải tỏa bức xúc. Chính vì thế, khi bị chèn ép, cả gia đình ông chỉ biết cam chịu".

Vụ cha vợ giết chết con rể: Không có ai chỉ cho ông Nam cách để giải tỏa bức xúc bị kìm nén - Ảnh 3.
Theo lời vợ ông Nam, bà từng nghĩ sẽ đi báo công an vì con gái bị đánh quá
nhiều và gia đình bà luôn trong trạng thái bị con rể dọa giết chết bất cứ lúc nào,
nhưng chồng bà đã ngăn cản.


Theo TS Đức, khi gặp phải mâu thuẫn, chúng ta có rất nhiều cách để giải quyết. Tốt nhất là 2 bên nên có thái độ thiện chí, đối thoại trực tiếp. Để làm tốt điều này, cần có sự hợp tác của cả 2 bên. Trong đó, bên bị chèn ép cũng nên dẹp bỏ tự ái để có thể nói chuyện đàng hoàng, tìm hiểu xem phía bên kia họ có tâm sự, mong muốn như thế nào.

Ông Đức cho rằng, trình độ học vấn không liên quan nhiều đến tâm lý tội phạm. Yếu tố ảnh hưởng trực tiếp lại là kỹ năng sống, các chuẩn mực về đạo đức, thuần phong mỹ tục mà mỗi cá nhân tiếp thu được.

"Những trường hợp không thể kìm nén cảm xúc, không có cách giải tỏa nỗi uất hận trong lòng thường là do cách quản lý cảm xúc còn kém. Những người này không thể hiểu, kiểm soát cảm xúc của bản thân và những người xung quanh nên đã không biết cách dừng lại khi cần thiết".

Theo TS Đức, để có thể quản lý tốt cảm xúc, hiểu mình, hiểu người thì mỗi cá nhân cần được phát triển trí tuệ cảm xúc, yếu tố mà bấy lâu nay chưa được quan tâm đúng mực. "Muốn phát triển mặt trí tuệ này, ngoài sự giáo dục từ nhà trường, cần có sự quan tâm của gia đình, xã hội, sự chung tay giúp đỡ của mỗi cá nhân để xây dựng những kỹ năng sống tốt nhất", ông Đức nói thêm.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất