2 người nhiễm virus zika ở Việt Nam có 1 thai phụ

Thông tin thêm về 2 nữ bệnh nhân nhiễm virus zika, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh nhân ở TPHCM hiện đang có thai 8 tuần tuổi.

Siêu âm 2 lần/tuần

Tại cuộc họp sáng 5/4, GS.TS GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngay từ khi có ca nhiễm Zika tại Úc sau khi trở về từ Việt Nam, dù không xác định nguồn lây nhưng Bộ Y tế đã chủ động nâng mức cảnh báo dịch lên mức 2- coi như đang có bệnh nhân. Ngay trong sáng 5/4, Bộ trưởng Bộ Y tế đã vào TP Hồ Chí Minh để kiểm tra, giám sát dịch bệnh Zika.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, thai phụ sẽ được giám sát chặt khi phát hiện nhiễm Zika. Ảnh: H.Hải
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, thai phụ sẽ được giám sát chặt khi phát hiện nhiễm Zika. Ảnh: H.Hải

Bệnh nhân tại Nha Trang không có tiền sử đặc biệt, phát hiện nhiễm bệnh tại địa phương. Riêng bệnh nhân nữ tại TP Hồ Chí Minh có yếu tố người chồng đang nằm viện tại Malaysia, nhưng trước đó, tại Việt Nam, người chồng này không có biểu hiện gì. Bệnh nhân này có con gái 2 tuổi, bị sốt nhưng xét nghiệm âm tính Zika và bị sốt xuất huyết.

Bệnh nhân này cũng đang mang thai tháng thứ 8. Và do kết quả xét nghiệm vừa có ngày 4/4, nên vấn đề theo dõi sức khỏe cho sản phụ, thai nhi sẽ được triển khai sau đó.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương đánh giá, thai nhi 8 tháng tuổi nguy cơ tác động của vi rút sẽ giảm đi.

Cũng theo TS Cường, hội chứng não bé không phổ biến trong sản khoa. Trong hội chứng não bé có khoảng 20% không tìm được nguyên nhân. Còn các nguyên nhân khác gây hội chứng này gồm: nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, rubella. Mới đây nhất, WHO khuyến cáo thêm một nguy cơ gây hội chứng đầu nhỏ là vi rút zika. Tuy nhiên việc chứng minh nó là nguyên nhân thực sự của hội chứng não bé chưa được khẳng định. Ngoài ra hội chứng não bé còn do di truyền do đột biến nhiễm sắc thể về gen. Ngoài ra còn có nguyên nhân rất quan trọng, là nhiễm độc do chiếu xạ, hóa chất.

Siêm âm đo chu vi vòng đầu định kỳ sẽ đánh giá được sự phát triển của đầu có bình thường hay bất thường.
Siêm âm đo chu vi vòng đầu định kỳ sẽ đánh giá được sự phát triển của đầu có bình thường hay bất thường.

“Dù với nguyên nhân nào, thì việc chẩn đoán hội chứng đầu nhỏ không khó khăn, bởi nó hoàn liên quan đến số đo kích thước của đầu và được chẩn đoán chính xác bằng siêu âm. Trong đó giám sát trong 3 tháng đầu mang thai rất quan trọng. Với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu được khẳng định nhiễm vi rút Zika dương tính cần được theo dõi sát sao với phác đồ siêu âm đo kích thước chu vi đầu 2 tuần/lần. Bác sĩ sẽ dựa vào biểu đồ phát triển để xem tốc độ phát triển của đầu giảm đi hay bình thường. Nếu tốc độ phát triển bình thường, cho thấy vi rút không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Còn nếu tốc độ phát triển của đầu có vấn đề sẽ làm thêm các chẩn đoán để xác định có phải hội chứng não nhỏ do vi rút zika không.

Việc giám sát, phát hiện không có gì phức tạp. Tất cả phụ nữ mang thai đều được khuyến cáo khám thai thông thường. Riêng phụ nữ có thai zika dương tính thì theo dõi chặt 2 tuần/lần bằng siêu âm đo kích thước chu vi đầu, đánh giá tốc độ phát triển để phát hiện”, TS Cường nói.

Cũng theo TS Cường, hiện nay siêu âm là một kỹ thuật chẩn đoán phổ cập, đơn giản. Tại các tuyến xã, huyện đều đã được trang bị máy siêu âm. Các bác sĩ các tuyến từ bắc, trung, nam đã được tập huấn về kỹ thuật phát hiện hội chứng đầu nhỏ bằng siêu âm.

“Các trường hợp có chỉ định giám sát sẽ được theo dõi thai nhi chặt chẽ. Việc siêu âm không phức tạp vì có thể tiến hành đo nhiều lần chu vi vòng đầu. Hơn nữa nếu nghi ngờ kích thước đầu nhỏ chuyển tuyến cao hơn và khi khẳng định hội chứng đầu nhỏ sẽ hội chẩn với các chuyên gia xem tiếp tục hay dừng thai nghén. Vì thế các thai phụ hoàn toàn nên yên tâm với trình độ siêu âm hiện nay”, TS Cường nói.

GS.TS Long cũng cho rằng các thai phụ không nên quá hoang mang, lo lắng. Bởi không phải tất cả các trường hợp nhiễm zika đều gây hội chứng đầu nhỏ. Trong hơn 6.000 ca ở Braxin có 944 trường hợp liên quan đến hội đầu nhỏ do Zika, Colombia là 1 trường hợp, các nước khác là 1 - 2 trường hợp, thậm chí có nước không ghi nhận ca bệnh liên quan hội chứng đầu nhỏ do Zika. Vì thế, thai phụ không nên quá lo lắng, những người xác định nhiễm zika sẽ được theo dõi chặt chẽ để phát hiện nguy cơ.

Không đổ xô đi xét nghiệm

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện với các trường hợp cần lấy mẫu giám sát ngoài cộng đồng, ngành y tế đang thực hiện miễn phí. Còn người dân không có yếu tố dịch tễ, không có biểu hiện bệnh mà đi xét nghiệm sẽ được tư vấn. Riêng trong hệ thống bệnh viện, với bệnh nhân nghi ngờ, bác sĩ chỉ định xét nghiệm sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán chi phí xét nghiệm này.

“Tôi xin nhấn mạnh, không phải trường hợp nào cũng xét nghiệm mà phải có chỉ định, có triệu chứng biểu hiện như sốt, phát ban, nổi mẩn đỏ, viêm kết mạc, ở trong vùng dịch tễ nguy cơ cao như vùng nhiều khách du lịch nước ngoài… Việc chỉ định lấy mẫu xét nghiệm do cơ quan y tế chỉ định và sẽ ưu tiên vùng lưu hành mật độ muỗi cao do loại muỗi truyền sốt xuất huyết cũng là loại muỗi truyền vi rút Zika.

“Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ các địa phương, người dân triển khai tất cả các biện pháp phòng chống bệnh bao gồm cả diệt lăng quăng (bọ gậy), phòng chống muỗi đốt, huy động người dân và cộng đồng tham gia; tổ chức giám sát véc tơ và tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tránh lây lan rộng ra cộng đồng. Bởi diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay trong việc phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. Khuyến cáo người dân không hoang mang lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, cũng như không ảnh hưởng tới các hoạt động du lịch. WHO đánh giá đây là vấn đề y tế công cộng không phải do bản thân vi rút zika (vì diễn biến bệnh nhẹ, 80% tự khỏi, bệnh nhẹ hơn cả sốt xuất huyết) mà là do nguy cơ với phụ nữ mang thai. Vì thế, nhóm đối tượng này càng phải đặc biệt quan tâm hơn đến việc phòng tránh nguy cơ muỗi đốt”, GS Long khuyến cáo.

5 khuyến cáo với phụ nữ có thai:

- Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết.
- Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch hoặc đi về từ vùng dịch, nếu có triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn.
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện virus zika.
- Vợ, chồng, bạn tình đang sống hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn trước khi quyết định mang thai.
- Người từ vùng dịch trở về cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không 'quan hệ' trong quá trình mang thai để tránh lây truyền virus zika cho mẹ và con. (Phụ nữ Việt Nam)

Theo Dân Trí



Tin tức mới nhất