Ý nghĩa lịch sử không phải ai cũng biết của ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6

Ngày Quốc tế thiếu nhi ra đời nhằm bảo vệ quyền trẻ em, tôn vinh tình yêu thương của bậc cha mẹ, người lớn dành cho trẻ em.

Lịch sử tang thương của ngày Quốc tế thiếu nhi

75 năm về trước, vào ngày 1/6 tại làng Li-đi-xơ, Tiệp Khắc (nay là Cộng Hòa Séc), quân phát xít Đức đã bắt giữ hơn 300 người, trong đó có đến hơn trăm trẻ nhỏ vào trại tập trung. 88 em trong số hơn 100 đã bị chúng sát hại dã man trong phòng hơi độc. Số còn lại bị bắt đi làm tù binh. Cả làng Li-đi-xơ bấy giờ không còn một bóng người.

Đến ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại gieo rắc tội ác tại thị trấn nhỏ Ô-ra-đua của Pháp. 400 người bao gồm cả người lớn và hơn 100 trẻ em bị bắt nhốt và phóng hỏa đốt trong một nhà thờ.

Vậy là chỉ trong vòng hai năm, hàng trăm trẻ em vô tội đã bị tàn sát bởi Đức Quốc Xã.
 

Ý nghĩa lịch sử của ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 -1
Trẻ em ở miền Đông Berlin, Đức kỳ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/1955 (Ảnh: Wikipedia)
 

Năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hằng năm là ngày bảo vệ quyền lợi trẻ em trên toàn thế giới, nhằm đòi chính phủ các quốc gia trên thế giới phải nhận trách nhiệm về đời sống của thiếu niên, nhi đồng.

Từ năm 1950, ngày đầu tiên của tháng 6 được biết đến là ngày Quốc tế thiếu nhi.
 

Ý nghĩa lịch sử của ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 -2
Kể từ năm 1950, ngày 1/6 được biết đến là ngày Quốc tế thiếu nhi (Ảnh: Internet)
 

Không phải tất cả quốc gia trên thế giới đều lấy ngày 1/6 là ngày Quốc tế thiếu nhi

Mặc dù Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm là ngày bảo vệ quyền lợi trẻ em. Nhưng trên thực tế ngày 1/6 được kỷ niệm ở nhiều nước theo chế độ chủ nghĩa xã hội; trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Nga, Séc và Romania.
 

Ý nghĩa lịch sử của ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 -3
Trẻ em Nga vui đùa trong ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 (Ảnh: Wikipedia)
 

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em. Sau khi giành độc lập, nước ta cũng kỷ niệm ngày 1/6 là ngày Quốc tế thiếu nhi.
 

Ý nghĩa lịch sử của ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 -4
Ngoài ngày 1/6, rằm trung thu cũng được xem là ngày tết lớn cho trẻ em ở Việt Nam.
 

Ở Trung Quốc, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 được kỷ niệm lần đầu vào năm 1949. Từ đó cho đến năm 1956, các trường tiểu học sẽ tổ chức hoạt động vui chơi cho học sinh tại trường. Từ năm 1956, ngày 1/6 trẻ em ở đây được tận hưởng một ngày nghỉ trọn vẹn (theo Wikipedia).

Năm 1954, Liên Hợp Quốc đề xuất Ngày Thiếu nhi Thế giới tổ chức vào ngày 20/11 hằng năm. Ngày này đánh dấu sự kiện quan trọng về quyền trẻ em: Công ước về quyền trẻ em được ký kết vào ngày 20/11/1989 và được hơn 191 quốc gia phê chuẩn. Tuy nhiên, các nước trên thế giới vẫn quyết định chọn ngày riêng để kỷ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi tại quốc gia mình.

Hai quốc gia Phần Lan và Ai Cập chọn ngày 20/11 là ngày Tết thiếu nhi. Vào ngày này, nhiều lễ hội và trò chơi được tổ chức cho trẻ nhỏ.

Còn ở xứ cờ hoa không có ngày Quốc tế thiếu nhi cố định mà thường được tổ chức chung với Ngày của mẹ, Ngày của cha hoặc thay đổi theo thời kỳ. Năm 1998,  cự tổng thống Bill Clinton đã tổ chức ngày Thiếu nhi vào ngày 11/10. Năm 2001, cựu tổng thống George W.Bush chọn ngày 3/6 là "Ngày trẻ em quốc gia". Nhiều năm tiếp theo, ngày Quốc tế thiếu nhi ở Mỹ thường được tổ chức vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 6.

Ở Nhật, Quốc tế Thiếu nhi (5/5 âm lịch) được xem là ngày nghỉ toàn quốc từ năm 1948 và được gọi là "Kodomo no Hi" - nghĩa là Ngày Trẻ Em. Ngày này có nguồn gốc từ Ngày Con Trai 5/5 là "Tango no Sekku" để tôn vinh con trai, còn Ngày Con Gái 3/3, gọi là "Hinamatsuri" để tôn vinh con gái.
 


LEO
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/y-nghia-lich-su-khong-phai-ai-cung-biet-cua-ngay-quoc-te-thieu-nhi-16-n-120692.html

Quốc tế thiếu nhi 1/6 lịch sử thế giới trẻ em

Tin tức mới nhất