Cuộc sống khó tin của những diễn viên không có cát-xê

Những diễn viên này được tuyển chọn đưa về Liên đoàn Xiếc Việt Nam từ khi còn rất nhỏ, lặng lẽ cống hiến và chưa từng nhận 1 đồng cát-xê.

Những “diễn viên không biết nói”

Ai đến thăm Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đều choáng ngợp bởi 2 sân khấu lớn với những máy móc, trang thiết bị cực kỳ đặc biệt.

Tuy nhiên, phải đi xuyên qua sân khấu, bước vào phía bên trong khu nhà tập thể nơi các nghệ sĩ đang sống và làm việc hằng ngày mới thực sự cảm nhận được cuộc sống nơi đây.

Khu nhà tập thể của Liên đoàn Xiếc có kết cấu đặc biệt với những phòng vô cùng lớn nằm liền kề với những căn phòng siêu nhỏ, thậm chí chỉ nhỏ bằng 1 thùng carton.

Đó là nơi ở của các "diễn viên không biết nói” – những "diễn viên" chưa từng nhận 1 đồng cát-xê trong suốt cuộc đời biểu diễn của mình – những con thú không thể thiếu trong các tiết mục xiếc.

 Trăn là 1 trong số những nghệ sĩ không biết nói quen thuộc trên sân khấu xiếc.
Trăn là 1 trong số những "nghệ sĩ không biết nói" quen thuộc trên sân khấu xiếc.


Những con thú này được tuyển lựa từ khắp các vùng miền của tổ quốc, được đưa về Liên đoàn xiếc Việt Nam ngay từ khi còn nhỏ xíu.

Anh Tống Toàn Thắng – trưởng đoàn xiếc 3 của Liên đoàn Xiếc Việt Nam – người nổi tiếng với các tiết mục xiếc trăn, xiếc lợn cho biết:

“Việc lựa chọn các con thú để về huấn luyện chúng trở thành "diễn viên" là 1 công việc khá phức tạp nhưng cũng rất thích thú của người làm xiếc thú.

Chúng tôi không có điều kiện để mua 4-5 con thú 1 lúc rồi lọc dần trong quá trình huấn luyện đâu. Việc “tuyển lựa” các "diễn viên đặc biệt" này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân của người làm xiếc thú.

 Chú lợn rừng có tên Quýt - 1 thành viên đặc biệt của đoàn xiếc 3 - Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Chú lợn rừng có tên Quýt - 1 thành viên đặc biệt của đoàn xiếc 3 - Liên đoàn Xiếc Việt Nam.


Với những hiểu biết nhất định về đặc điểm sinh học, với linh cảm nghề nghiệp, chúng tôi sẽ nhìn mặt từng con thú, quan sát cách nó di chuyển, cách nó phản ứng để lựa chọn.

Những người bình thường 10 con trăn sẽ thấy giống nhau cả 10, nhìn 10 con lợn thì sẽ chẳng thấy chúng có gì khác biệt nhưng chúng tôi thì khác. Chúng tôi thấy mỗi con trăn có 1 cái mặt khác nhau, mỗi con lợn có thần thái khác nhau”.

Khi được đưa về Liên đoàn Xiếc Việt Nam, mỗi con thú sẽ nghiễm nhiên trở thành 1 thành viên trong đoàn với những chế độ luyện tập, chế độ đãi ngộ đặc biệt.

Chúng sẽ được người quản thú chăm chút, rèn giũa bằng tất cả tình thương yêu, bằng tất cả sự hiểu biết. Anh Tống Toàn Thắng cho hay:

“Việc đầu tiên để huấn luyện 1 con thú là phải yêu thương chúng. Tôi tin rằng mỗi con thú ngoài bản năng giống loài, chúng đều biết suy nghĩ, đều có tình cảm chứ không hề “máu lạnh” hay “vô tri vô giác”.

 Không 1 con thú nào của đoàn xiếc bị coi là con vật vô tri vô giác.
Không 1 con thú nào của đoàn xiếc bị coi là "con vật vô tri vô giác".


Có những con trăn, tôi nuôi từ khi nó còn nhỏ xíu, và đến khi đã quen thân, chỉ cần ngửi thấy mùi của tôi nó từ từ bò lên người tôi, trườn qua trườn lại trên vai tôi, quấn quýt như 1 con chó thấy chủ. Những lúc như vậy, cảm thấy hạnh phúc lắm!

Việc thứ 2 là cần biết được đặc điểm sinh học của loài thú đó và của chính con thú mà mình đang quản. Thậm chí, phải thuộc lòng từng thói quen sinh hoạt của con thú đó.

Ví dụ, con voi A thường đi vệ sinh vào buổi sáng, còn con B thì lại chỉ vệ sinh vào buổi tối. Hoặc chỉ cần nhìn phản ứng của 1 con trăn, có thể biết nó đang kích thích với sân khấu hay đang “khó chịu”.

Phải nắm hết được những thuộc tính của từng con thú để có thể kiểm soát và hợp tác với nó trên sân khấu hòng kích thích nó trong lúc tập luyện hay trong khi biểu diễn”.

Chưa từng nhận 1 đồng cát-xê trong suốt cuộc đời “hoạt động nghệ thuật”

Các con thú được coi là 1 thành viên của gia đình người quản thú, 1 thành viên của đoàn xiếc. Chúng được tất cả các nghệ sĩ yêu mến và chăm chút hết mức có thể.

 Chuồng của Quýt được trang bị đèn sưởi vào mùa đông, quạt gió vào mùa hè.
Chuồng của Quýt được trang bị đèn sưởi vào mùa đông, quạt gió vào mùa hè.


Anh Tống Toàn Thắng vui vẻ tâm sự: “Chúng tôi đang dần tiến tới việc xóa bỏ việc bắt các con thú làm trò trong các tiết mục biểu diễn. Thay vào đó, chúng tôi muốn xây dựng các tiết mục mà con thú sẽ cùng tương tác, cùng thể hiện với diễn viên xiếc.

Chúng tôi muốn khán giả hiểu rằng các con thú cũng có tình cảm, cũng dí dỏm hóm hỉnh và cống hiến hết mình như con người. Bởi chúng thực sự là những "diễn viên”.

Không chỉ được coi là “những diễn viên không biết nói”, những con thú ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn có 1 cuộc sống khác hẳn so với các con vật nuôi hay các động vật hoang dã khác.

 Đèn sưởi cho trăn là đèn hồng ngoại, tránh việc không khí bị đốt cháy, gây khô da của các nghệ sĩ.
Đèn sưởi cho trăn là đèn hồng ngoại, tránh việc không khí
 bị đốt cháy, gây khô da của các "nghệ sĩ".


Chúng được chăm chút “tận răng”. Khu vực “nhà ở” của các "diễn viên" đặc biệt này được thiết kế dựa theo đặc tính sinh học của từng loài.

Ví dụ: Khu dành cho các thú lớn như voi, sư tử, gấu cần thoáng đãng, khô ráo, có đồ vật trang trí như gốc cây, đồ chơi… còn khu dành cho loài bò sát như trăn thì không cần rộng rãi mà cần có độ ẩm và nhiệt độ thích hợp, không quá nhiều ánh sáng…

Ngay bên cạnh khu chuồng trại của các con thú là phòng thú y với bác sĩ chuyên khoa túc trực 24/24 và được trang bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men khám chữa bệnh phù hợp với từng loài.

 Bên cạnh 1 chuồng trăn là rất nhiều thiết bị y tế, trong đó còn có cả nước muối để súc miệng cho từng con trăn vào mỗi buổi sáng, tránh viêm lợi, hỏng răng.
Bên cạnh 1 chuồng trăn là rất nhiều thiết bị y tế, trong đó còn có cả nước muối
để súc miệng cho từng con trăn vào mỗi buổi sáng, tránh viêm lợi, hỏng răng.


Khi 1 con thú có biểu hiện bất thường như mệt mỏi, sốt hay chỉ “hắt hơi sổ mũi”, lập tức chúng được thăm khám và chăm sóc với 1 chế độ đặc biệt. Thậm chí, có nhiều khi, người quản thú và bác sĩ thú y còn thức thâu đêm để chăm chút cho 1 con thú ốm.

Các “diễn viên” này cũng có bếp ăn riêng và được cho ăn theo khẩu phần được nghiên cứu 1 cách kỹ lưỡng. Đồ ăn của các con thú này không chỉ được kiểm duyệt gắt gao về nguồn gốc mà còn được chú ý đặc biệt về cách chế biến.

Ngoài việc không “nhận lương” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, các “diễn viên không biết nói” này không hề bị phân biệt đối xử gì so với các nghệ sĩ biểu diễn khác.

Chỉ 1 chú lợn rừng có tên Quýt nằm ngay bên cạnh khu nhà điều hành, anh Tống Toàn Thắng vui vẻ nói: “Nó quấn quýt với các thành viên của đoàn như 1 con chó con. Khi thấy người quen, nó nghếch cổ lên chào, còn bình thường chỉ nằm thế thôi.

 Anh Thắng trò chuyện cùng Quýt như đang tâm sự cùng 1 đứa trẻ con.
Anh Thắng trò chuyện cùng Quýt như đang tâm sự cùng 1 đứa trẻ con.


Mỗi anh chị em trong đoàn đi ăn tiệc về, ai cũng đem theo 1 bọc đồ ăn để làm quà cho nó. Còn bình thường, nó được ăn cơm nấu, đồ ăn sạch sẽ, được tắm táp, chăm sóc như 1 đứa trẻ con.

Chuồng của Quýt còn được trang bị đèn sưởi vào mùa đông, quạt gió để thông khí và làm mát vào mùa hè…

Những con thú ở đây đều được quan tâm đặc biệt như vậy. Nên tôi nghĩ, nếu có bị sổng chuồng hay được thả ra ngoài tự nhiên, chắc chắn chúng sẽ không chịu nổi, bởi ở trong này chúng đã quen với điều kiện sống quá tốt rồi.

Đã có rất nhiều trường hợp thú sổng chuồng tự tìm đường để trở về rồi”.

Khi đã lớn tuổi, không còn phù hợp với việc biểu diễn, những “diễn viên” này cũng được nghỉ hưu. Thông thường, Liên đoàn sẽ đổi những con thú đã già cho các sở thú và nhận về các con thú trẻ hơn.

Bởi ở trong vườn thú, các “diễn viên” này không phải biểu diễn nặng nhọc nữa mà chỉ cần an nhàn sống trong chuồng để phục vụ khách xem thú mà thôi.

Một số khác sẽ được người quản thú hoặc Liên đoàn chăm sóc cho tới tận lúc chết. Bởi chúng được xem như 1 người thân, 1 thành viên của các nghệ sĩ khác trong đoàn.


Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao