18 tuổi, không thấy 'đèn đỏ' có bị vô sinh?

Nếu thực sự không có kinh nguyệt, nguy cơ vô sinh rất cao bởi nó chính là dấu hiệu mở đầu của thời kỳ sinh sản ở nữ giới.

- Năm nay em 18 tuổi, cơ thể khỏe mạnh bình thường, vậy mà chờ mãi không thấy dấu hiệu kinh nguyệt. Em đã uống rất nhiều cao ích mẫu nhưng không có hiệu quả. Em rất sợ bị bệnh vô sinh.

Mai Hiên (Hà Nội)


- Kinh nguyệt là hiện tượng đầu tiên của giai đoạn dậy thì ở nữ giới (khoảng 12-14 tuổi) do tác động của nội tiết tố buồng trứng đã trưởng thành. Hàng tháng trứng chín rụng cùng niêm mạc tử cung bong trôi ra cùng máu huyết. Và nó chính là dấu hiệu mở đầu của thời kỳ sinh sản ở nữ giới.

Tuổi dậy thì của nữ thường bắt đầu từ 10-17 tuổi, trong giai đoạn này, dấu hiệu đặc trưng là hiện tượng kinh nguyệt. 18 tuổi chưa có hành kinh được xem là muộn kinh. Nếu cơ thể khỏe mạnh, cơ quan sinh dục phát triển bình thường thì một thời gian sau sẽ có kinh bởi một số người ảnh hưởng gen di truyền từ mẹ - dậy thì muộn.

Nếu muộn kinh có kèm theo biểu hiện chậm lớn, cơ quan sinh dục ngoài và ngực không phát triển thì cần đi khám để xác định bệnh và sự phát triển của cơ thể.

Lý do kinh nguyệt chậm trễ

Mất cân bằng về hormone: Hội chứng buồng trứng đa nang làm cho nồng độ estrogen và androgen cao kéo dài, không lên xuống như trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường vì tuyến yên giảm bài tiết hormone, không tạo được phóng noãn và kinh nguyệt. Hội chứng này hay đi kèm với béo phì, vô kinh hoặc chảy máu tử cung bất thường.

Suy dinh dưỡng: Người quá gầy dễ bị ngừng bài tiết estrogen và ngừng phóng noãn. Phụ nữ bị chứng chán ăn hoặc chứng ăn quá nhiều do tâm lý thường bị thiếu hụt estrogen và mất kinh.

Tác dụng phụ của thuốc: Rối loạn nội tiết sau khi sử dụng lâu dài các biện pháp tránh thai, cũng có thể gây ra sự chậm trễ kinh nguyệt.

Vận động quá nhiều: Hay gặp vô kinh ở những phụ nữ luyện tập thể thao căng thẳng. Hormone leptin báo cho não biết tỷ lệ mỡ của cơ thể và tỷ lệ này ảnh hưởng đến kinh nguyệt.

Do phẫu thuật: Phẫu thuật có thể gây ra dính cổ tử cung, dẫn đến ứ huyết bên trong và làm cho kinh nguyệt bị trì hoãn.

Hoạt động kém của tuyến giáp: Bệnh ở tuyến giáp có thể làm tăng hay giảm bài tiết prolactin-một hormone sinh sản do tuyến yên bài tiết ra. Thay đổi về nồng độ hormone có thể ảnh hưởng đến tuyến dưới đồi và làm mất kinh.

Nguyên nhân khác: Tinh thần căng thẳng, thay đổi môi trường và các yếu tố tâm lý cũng có thể ảnh hưởng đến các bệnh nội tiết và có thể gây ra trì hoãn kinh nguyệt. Chỉ khi sự căng thẳng tinh thần giảm đi mới có kinh trở lại.

Theo Trí Thức

Tin tức mới nhất