34 người chết và mất tích do mưa lũ miền Bắc

Chỉ trong một tuần, mưa lũ và sạt lở đất ở miền Bắc đã khiến ít nhất 27 người chết, 7 người mất tích, hàng chục người bị thương, thiệt hại vật chất lên đến hàng ngàn tỉ đồng

Do ảnh hưởng của đợt mưa kéo dài từ ngày 28-7 đến 2-8, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã sạt lở đất nghiêm trọng tại xã Cần Nông, huyện Thông Nông. Ông Nguyễn Ngọc Truyền - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng - cho biết vụ sạt lở diễn ra vào khoảng 21 giờ ngày 2-8, bắt đầu từ đỉnh đồi xuống chân đồi với cung trượt dài khoảng  300 m, rộng khoảng 100 m làm vùi lấp hoàn toàn hộ gia đình anh Triệu Sành Khuôn (dân tộc Dao) có 10 người đang sinh sống.

Chưa di dời thì gặp đại nạn

Vụ sạt lở tại xã Cần Nông đã khiến 3 người chết vì bị đất vùi lấp, 5 người khác bị thương nặng. 3 nạn nhân chết gồm vợ chồng anh Khuôn và con trai là Triệu Văn Say (SN 1995).

 34 người chết và mất tích do mưa lũ miền Bắc - 1
Lực lượng cứu hộ giúp người dân TP Hạ Long, Quảng Ninh dọn dẹp sau mưa lũ Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Ngay sau khi nhận được tin báo, các cơ quan, ban - ngành của tỉnh Cao Bằng, huyện Thông Nông đã huy động hàng trăm người cùng các phương tiện tham gia cứu nạn. Đến trưa 3-8, lực lượng cứu hộ đã đào bới và tìm thấy thi thể 2 người là Triệu Văn Say và mẹ là bà Triệu Thị Chuổng. Thi thể anh Khuôn đang bị vùi lấp. 5 người bị thương đã được đưa đi cấp cứu, gồm: Triệu Văn Sỳ (SN 1998), Triệu Thị Sinh (SN 1995), Triệu Thị Mùi (SN 1997), Triệu Dắt Phương (SN 2013), Triệu Văn Phong (8 tháng tuổi). Quả đồi sạt lở cũng đã vùi lấp tỉnh lộ đoạn từ Km 31+400 đến Km 30+700 với hàng vạn khối đất đá, làm chia cắt hoàn toàn tuyến đường từ xã Cần Nông sang xã Xuân Trường (huyện Bảo Lạc). Chính quyền địa phương đã tổ chức mai táng cho các nạn nhân; động viên và giúp đỡ người bị thương. Đến chiều, thi thể còn lại vẫn được các lực lượng cứu nạn tiếp tục tìm kiếm.

Cũng theo ông Truyền, ngôi nhà này nằm trong số 5 hộ dân bắt buộc phải di chuyển do nguy cơ sạt lở đất và 4 hộ đã di dời. Hộ gia đình bị nạn cũng đã làm nhà mới ở nơi được di dời, không hiểu vì lý do gì cả nhà anh Khuôn lại có mặt tại nhà cũ đúng vào thời điểm trên. “Gia đình bị nạn đã làm thủ tục vào nhà mới được 4 hôm rồi, chính quyền cũng đã cảnh báo liên tục” - ông Truyền nói.

Tại  bản Tu San (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), đêm 2-8, mưa lũ cuốn trôi 1 người và 4 nhà dân. Sáng sớm 3-8, cơ quan chức năng tìm thấy thi thể nạn nhân. Còn tại tỉnh Lạng Sơn, trong sáng 2-8, tại xóm Nà Cóc (xã Đà Viên, huyện Tràng Định), 1 người bị mưa lũ cuốn mất tích vẫn chưa tìm thấy. Tại tỉnh Bắc Giang, trong 2 ngày 2 và 3-8, mưa lũ làm sập 8 nhà dân tại các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa và 433 nhà dân phải di dời.

Theo báo cáo tổng hợp ngày 3-8 của Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tại tỉnh Quảng Ninh, thiệt hại về kinh tế hơn 2.700 tỉ đồng. Ngoài Quảng Ninh đã có 17 người chết, mưa lũ và sạt lở đất còn làm chết 10 người ở các tỉnh khác (Cao Bằng: 3; Lạng Sơn và Lai Châu mỗi tỉnh 2 người; Sơn La, Bắc Giang, Yên Bái mỗi tỉnh 1 người); 7 người mất tích, hơn 40 người ở Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng bị thương.

Chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp

Chiều 3-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc tại sao tỉnh Quảng Ninh không công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai cấp địa phương để có thể ứng phó tốt hơn với tình hình thiệt hại, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng - Phó Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai - cho rằng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã rất khẩn trương, kịp thời di dân ra khỏi vùng nguy hiểm nên đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại về người. Đây có thể nói là thành công trong công tác chỉ đạo ứng phó. “Theo đánh giá của tỉnh Quảng Ninh thì tình thế chưa đến mức địa phương này phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai” - ông Thắng cho biết.

Trả lời lý do vì sao trong các tình huống thiên tai như sạt lở đất hay hạn hán nghiêm trọng thì lãnh đạo các địa phương như Ninh Thuận, An Giang, Đồng Tháp, Hòa Bình đã từng phải công bố tình trạng khẩn cấp về hạn hán, sạt lở để có thể ứng phó tốt hơn mà Quảng Ninh thì không, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nói: “Việc so sánh như vậy là rất khó. Khi chính quyền đã làm chủ được tình thế, kiểm soát được tình hình trong công tác chỉ đạo để ứng phó thì theo tôi nghĩ là lãnh đạo địa phương thấy chưa cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi ủng hộ vùng bị thiên tai

Tối 3-8, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã gặp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để bàn việc trao quà hỗ trợ cho công nhân cũng như người dân sao cho hiệu quả nhất. Dự kiến sáng nay (4-8), Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ trao 1,3 tỉ đồng từ Quỹ Tấm lòng vàng cho tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, trao 700 triệu đồng cho UBND tỉnh Quảng Ninh, 240 triệu đồng cho 8 hộ dân có nhà bị tàn phá toàn bộ và một số hỗ trợ khác cho gia đình, con em công nhân trên địa bàn tỉnh.

Cùng ngày, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã phát lời kêu gọi, nội dung nêu rõ: “... Với tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia gian khó với hàng vạn công nhân lao động ngành than, hàng chục vạn người dân và đặc biệt là các cháu học sinh vùng mưa lũ trong cơn hoạn nạn, Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi các cấp Công đoàn từ trung ương tới địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng chung tay ủng hộ kinh phí để xây mới, sửa sang lại nhà cửa cho công nhân, nhân dân vùng lũ; trợ giúp người dân có cái ăn cái mặc trong khi chờ khôi phục lại sản xuất, dựng lại trường học, mua sắm bàn ghế, sách vở, quần áo, trang thiết bị học tập cho các cháu học sinh...                               

N.Quyết


Theo Người lao động

Tin tức mới nhất