Ai cũng từng ăn sushi, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về món ăn tinh tế này!

Nhắc đến Nhật Bản người ta lại nghĩ ngay đến Sushi, đây được xem là món ăn đại diện cho ẩm thực tại xứ sở phù tang. Có bao giờ bạn thắc mắc về nguồn gốc, các phiên bản hay đặc trưng của chúng chưa? Bài viết này sẽ giải đáp những thắc mắc bấy lâu nay của bạn đấy.



Ngược dòng thời gian về cội nguồn của sushi

 

 

Ban đầu, “sushi” là một hình thức bảo quản cá, được du nhập đến Nhật vào thế kỷ 8 từ các quốc gia Đông Nam Á. Những lát cá đã làm sạch được ủ trong cơm lên men, phần cơm có trộn chút giấm mang vị chua chua, ngọt ngọt. Điều này giúp cá được lưu trữ trong vài tháng, nhưng đáng tiếc là lúc đầu, phần cơm sẽ bị vứt đi.

Tuy nhiên, dần dần người Nhật tận dụng ăn cơm để ăn kèm với cá và trở thành món ăn chủ yếu của họ, được gọi là Nare-zushi, và món này trở nên phổ biến rộng rãi đến tận bây giờ.

Haya-zushi, hay “sushi nhanh”, được Hanaya Yohei phát minh vào đầu thế kỷ 19 (có một chuỗi nhà hàng Nhật Bản đặt theo tên ông), và đây trở thành hình thức sushi nổi tiếng trên toàn thế giới cho đến nay, gọi là Nigiri-zushi.

Người ta cho rằng hình thức sushi này trở nên phổ biến khắp Nhật Bản do trận động đất Kanto năm 1923, khiến các đầu bếp sushi ở Tokyo di tản về quê hương của họ và mở rộng văn hóa sushi ở đó.

Nên biết những thuật ngữ này khi ăn sushi nhé

 

 

Loại cơm trộn giấm để làm sushi được gọi là sumeshi hoặc sushimeshi. Cơm vừa được trộn vừa được nghệ nhân sushi dùng quạt tay để quạt cho hơi nóng thoát ra ngoài, giúp cho giấm giữ được hương vị.

Các loại hải sản dùng để làm sushi gọi là Neta. Neta có thể là cá ngừ, cá hồi, cá chình, cá cóc, cá thu, tôm (nhất là loại tôm mà người Nhật gọi là sakura ebi), mực, bạch tuộc, các loại ốc biển, cua biển.

Loại giấm để nấu cơm này không phải giấm thông thường mà là giấm có pha muối, đường, rượu ngọt Mirin. Giấm này được chuyên dùng để chế biến sushi, nên còn được gọi là Sushisu.

Nước chấm - gia vị không thể thiếu cho một bữa tiệc sushi hoàn hảo

 


 

Nước tương - Hầu như tất cả các loại sushi đều được ăn kèm với nước tương. Đổ một ít nước tương vào một chiếc đĩa tròn nhỏ và chấm phần sushi của bạn vào đó trước khi ăn, thay vì đổ nó trực tiếp lên sushi.

Wasabi - Hầu hết Nigiri sushi nào cũng có wasabi. Còn gọi là “Cải ngựa Nhật Bản”. Vị cay màu xanh lá cây này làm tăng hương vị sushi bằng cách thêm một ít đá vào nó và cũng giúp làm giảm nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Đây là món để phân biệt người Nhật và người nước ngoài bởi vị cay nồng mạnh mẽ của nó.

 


 

Shoga - Một loại gia vị “gây tranh cãi” khác cần thiết cho sushi là shoga (còn gọi là gari), hoặc gừng ngâm. Vị the nhưng thanh nhẹ của nó có thể không thích hợp với một số người, tuy nhiên, giống như wasabi, nó có tính chất kháng khuẩn và được ăn để làm sạch vòm miệng. Thêm vào đó, khi bạn lỡ tay cho quá nhiều wasabi hay nước tương vào phần sushi của mình thì gia vị màu cam hồng này sẽ giúp bạn làm giảm độ cay nồng của phần ăn.

Sushi là đại gia đình đông dân

Sushi xuất hiện vô số các biến thể và hình thức, với mỗi khu vực có loại cá đặc trưng và phong cách chế biến cũng khác nhau. Dưới đây là một số loại sushi cơ bản:
 

1.  Nigiri Sushi - Sushi cơm nắm

 

 

Đây là loại sushi phổ biến nhất trong các loại sushi. Nigiri sushi có thể được làm với rất nhiều loại thịt ở trên cùng và thường được phục vụ ở các nhà hàng sushi. Vì vị của sushi phụ thuộc phần lớn vào cơm được nấu ngon như thế nào, nên việc làm cơm ngon là vô cùng quan trọng. Các đầu bếp sushi ở Nhật phải trải qua một quá trình huấn luyện chuyên sâu mới có thể làm được món nigiri sushi.

2. Nare Sushi - Sushi lên men

 

 

Một dạng sushi lên men truyền thống, đây là hình thức sushi đầu tiên nhất. Nare sushi được làm từ cá ướp muối rồi ủ trong cơm. Và sau đó nén nó lại trong quá trình lên men axit lactic. Cá được sử dụng nhiều từ cá sông như cá đác, cá hương; nước mặn như cá ngựa, cá thu, cá hồi và cá vền biển nhỏ. Ở cá nhỏ đầu và ruột thì bỏ, cá lớn thì phi lê. Sau 40-50p lên men hương vị hấp dẫn và xương mềm. Ở một số nơi có thể cho thêm rau xanh lên men cùng với cá.

3. Gunkan Sushi - Sushi rong biển

 

 

Gunkan có nghĩa là con thuyền chiến trong tiếng Nhật. Để làm gunkan maki, nặn cuộn cơm thành hình trái xoan và bao nó lại bằng một sợi rong biển. Sau đó, để các thành phần neta ( tthường trứng cá hồi hay nhím biển ) lên trên cùng.

4. Maki Sushi - Sushi cuộn

 

 

Là loại sushi được cuốn như các đồ ăn cuốn của Việt Nam. Cá sống và các thành phần khác như rau quả, trứng chiên, jambong được cuộn tròn trong phần cơm được tẩm gia vị và bên ngoài là rong biển sấy khô. Loại sushi này có nhiều kích thước khác nhau, chẳng hạn như futo-maki (cuộn dày), và hoso-maki (cuộn mỏng).

Khi nghe đến từ “sushi”, nhiều người thường nghĩ ngay đến cá sống. Thật ra, sushi maki có thể được làm bằng cá sống, nhưng nó cũng có thể được làm bằng cá đã được nấu chín, hoặc hoàn toàn không cần dùng đến cá. Maki sushi có thể được làm với bất cứ thành phần nào bạn thích và nó thường hay được làm chỉ với cơm và rau củ.

5. Chirashi Sushi - Sushi ăn cùng cơm

 

 

Là một loại sushi có nhiều màu sặc sỡ. Chirashi sushi trông rất hấp dẫn và thực sự cũng là một bữa ăn quân bình dinh dưỡng, vì thế người ta thường ăn ở nhà, bất kể là mùa nào. Nó đã trở thành một món ăn quan trọng trong bữa cơm vào ngày Lễ búp bê vào ngày 3 tháng 3 hàng năm. Vào ngày này, các cô gái trưng bày những con búp bê Hina-ningyo và những chén rượu sake ngọt màu trắng làm bằng gạo và men rượu Koji.

6. Inari Sushi - Sushi rán đậu hủ

 

 

Inari sushi là một túi đậu phụ chiên thường chỉ chứa đầy gạo sushi. Nó được đặt tên theo vị thần Shinto Inari, người được cho là đã tìm ra món ăn đậu hũ chiên. Inari sushi là một thực phẩm rất giản dị và là một bữa trưa hoàn hảo cho những buổi dã ngoại vì chúng rất dễ làm.

Tạm kết

Sushi từ lâu đã trở thành biểu tượng của ẩm thực Nhật Bản. Dù cho có vô số chủng loại, hình dạng, nhưng tất cả đều chứa đựng sự tinh tuý của một nền văn hoá lâu đời. Nếu có dịp, hãy ghé và thử tất cả các loại sushi để tìm ra cho mình một hương vị và cảm nhận riêng, bạn nhé!

 

Theo Sao Star


món ăn sushi nguồn gốc sushi sushi của Nhật Bản

Tin tức mới nhất