Bằng Kiều: 'Danh xưng ca sĩ hải ngoại không còn giá trị như trước'

"Hải ngoại hay không hải ngoại giờ cũng không còn nhiều giá trị như trước, khán giả chỉ quan tâm đó là ca sĩ nào hát ra sao để mua vé đến xem", nam ca sĩ chia sẻ.

Bằng Kiều trò chuyện với phóng viên nhân dịp về nước tham gia một vài đêm nhạc, sự kiện. Anh hạn chế trả lời về việc chia tay Dương Mỹ Linh cách đây một thời gian. Tuy vậy, giọng ca Nơi tình yêu bắt đầu sẵn sàng trao đổi các vấn đề liên quan đến âm nhạc hay chuyện về ba cậu con trai.

Bằng Kiều: 'Danh xưng ca sĩ hải ngoại không còn giá trị như trước'-1
Bằng Kiều hiện sống tại Mỹ, những năm gần đây, nam ca sĩ thường xuyên về nước biểu diễn, ngồi ghế nóng game show. Ảnh: Việt Hùng.
 

Ở hải ngoại, tôi vẫn đắt show

- Ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn, ngồi ghế nóng game show ngày một nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng vì thị trường hải ngoại hiện nay tương đối khó khăn, khán giả Việt trẻ không còn nghe nhạc Việt. Quan điểm của anh thế nào?

Thực ra, nhận định vậy chỉ đúng một phần. Cơ bản nhất là thị trường trong nước ngày càng sôi động. Vài năm trở lại đây, game show, đêm nhạc rất nhiều. Doanh nghiệp cũng tổ chức sự kiện nhiều hơn trước. Chính sự sôi động này đã thôi thúc các giọng ca hải ngoại về nước.

Ca sĩ trong nước cũng không thiếu nhưng khi chọn lọc ra thì không phải nhiều. Thế nên, các đơn vị tổ chức cũng thường mời các ca sĩ Việt từ nước ngoài về. Thêm nữa, bây giờ ranh giới giữa hải ngoại và trong nước không còn rõ ràng nữa. Mọi thứ đều thuận lợi, ca sĩ hát ở bất cứ nơi nào cũng được, khán giả cũng đều biết cả.

- Chia sẻ cách đây không lâu, ca sĩ Hồng Thúy cho biết “Ca sĩ hải ngoại thường chỉ có cơ hội đi hát vào cuối tuần nên phải những người thực sự nổi tiếng mới có một cuộc sống tốt từ ca hát”. Anh có bình luận gì?

Tất nhiên là phải tùy ca sĩ như thế nào thì mới đắt show, đây là câu chuyện từ xưa đến nay vẫn thế. Còn về thị trường, việc này cũng rất khó phản ánh. Đúng là khán giả trẻ bị ảnh hưởng bởi văn hóa Mỹ rất nhiều. Nhưng những năm gần đây, du học sinh ở trong nước qua cũng nhiều, rồi người Việt sang định cư.

Tôi thì thấy mình vẫn nhiều show. Tiểu bang nào cũng có vũ trường, sòng bài. Các chỗ lớn họ cũng hay làm sự kiện và mới ca sĩ tham gia để quảng cáo. Có thể nói là bây giờ không chỉ có chương trình bán vé như trước nữa mà còn có chương trình của doanh nghiệp, nhãn hàng.

- Vậy nếu phải làm một phép so sánh về cát-xê, hát trong nước và hải ngoại, bên nào anh được trả cao hơn và mang lại cho anh thu nhập tốt hơn?

Thực ra, cũng không hẳn là ở Việt Nam cao hơn vì ở trong nước tôi không nhận nhiều show. Nhưng việc ca sĩ hải ngoại được trả cao hơn khi về Việt Nam là có vì ca sĩ Việt Nam sang hải ngoại cũng được trả cao hơn mà. Một tháng chỉ chạy một show vì về nước một lần thì cát-xê sẽ khác ca sĩ trong nước hát một tháng được 4 show. Câu chuyện là như vậy.

- Trước đây, danh xưng “ca sĩ hải ngoại” từng được xem là một thương hiệu để bán vé cho các đêm nhạc. Nhưng gần đây khi ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn ồ ạt, dường như sự định danh này không còn đắt giá như trước. Anh nghĩ gì?

Như tôi đã nói, hải ngoại và trong nước bây giờ cũng giống như một mặt phẳng. Hải ngoại hay không hải ngoại giờ cũng không còn nhiều giá trị như trước, khán giả chỉ quan tâm đó là ca sĩ nào hát ra sao thì họ mới mua vé đến xem.

Tất nhiên, khi hát ở tỉnh, ở nơi xa xôi, để là “ca sĩ hải ngoại”, nghe vẫn có vẻ xôm hơn. Nôm na là “bụt chùa nhà không thiêng”. Giống như nhiều ca sĩ từ Việt Nam qua Mỹ biểu diễn, đơn vị tổ chức cũng giới thiệu là “Ca sĩ từ Việt Nam qua”, nhiều khi tôi không biết đấy là ai nhưng nghe giới thiệu như vậy, nhiều người cảm thấy hoành tráng vì có vẻ là mời ca sĩ rất kỳ công.

Bằng Kiều: 'Danh xưng ca sĩ hải ngoại không còn giá trị như trước'-2
Bằng Kiều và ba cậu con trai. Ảnh: FBNV.

Chu cấp cho 3 con trai một khoản lớn

- Sau khi ly hôn, anh phải chu cấp cho vợ cũ tiền để lo cho 3 cậu con trai. Điều này có bao giờ khiến anh áp lực chạy show kiếm tiền?

Tôi chưa bao giờ để tiền áp lực lên mình. Tôi làm nhiều thì tôi sẽ chu cấp nhiều, tôi không làm thì không chu cấp được, không thì làm gì được (Cười). Nói vui vậy, nhưng ông trời cho tôi một nghề có thu nhập tốt hơn nhiều người, thế nên đối với những việc “thiên kinh địa nghĩa”, tôi không bao giờ chối từ.

Khi làm được, tôi không chỉ chia sẻ cho các con mà còn cho gia đình, bạn bè. Tôi thích là người giúp hơn là người được giúp. Mình may mắn hơn nhiều người thì cũng phải chu cấp đủ cho các con, thiếu làm sao được. Người thân, bạn bè khi cần, tôi cũng luôn sẵn sàng giúp.

- Chắc hẳn khoản chu cấp cho 3 cậu con trai trong môi trường bên Mỹ cũng không hề nhỏ?

Đúng là khoản khá lớn so với bên kia, tôi không muốn nói con số cụ thể nhưng bạn bè tôi đều biết. Nói vui là nhiều khi bạn bè của tôi ly dị, người vợ còn lấy tôi ra làm tấm gương về việc chia tay nhưng chu cấp rất tốt cho các con (cười).

Hiện tại, các con của tôi vẫn chưa đi học đại học. Ở bên Mỹ học từ cấp 1 đến cấp 3 đều được miễn phí. Thế nên, bố mẹ không phải đóng tiền học phí cho con, chỉ phải lo cho các con nhu cầu sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày.

- Anh và vợ cũ có thỏa thuận gì trong việc chu cấp cho các con không hay hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện?

Chúng tôi tự trao đổi và không phải ra tòa phân chia. Tôi tự nguyện hết và tôi thấy rất hạnh phúc, không có thắc mắc gì cả. Tôi là người không tiếc gì tiền bạc khi phục vụ mục đích chăm sóc cho con.

Từ xưa đến nay, với tôi, vật chất hay tiền bạc luôn ở ngoài thân. Tôi không bao giờ căng thẳng vì không có tiền, về Việt Nam, ăn xuất cơm 30.000 đồng/ hộp, tôi vẫn thấy rất thoải mái.
 

Theo Zing


Bằng Kiều

Tin tức mới nhất