Bệnh đột quỵ nguy hiểm như thế nào?

Người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ cần được đưa đến cơ sở y tế trong vòng ít nhất 3-5 giờ đầu. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong.

Chiều 9/12, thông tin danh hài Chí Tài đột ngột qua đời khiến người hâm mộ và bạn bè vô cùng bàng hoàng. Quản lý cũ của Chí Tài cho biết danh hài phải nhập viện sau khi bị đột quỵ vào sáng cùng ngày.

Trao đổi với Zing, đại diện Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn xác nhận đơn vị này có tiếp nhận cấp cứu nghệ sĩ Chí Tài. Hiện tại, do chưa được sự đồng ý từ gia đình, bệnh viện chưa cung cấp cụ thể tình trạng sức khỏe của ông trước khi nhập viện.

Bệnh viện đang tiến hành các thủ tục để làm việc với vợ nam nghệ sĩ và đại sứ quán. Thi thể của nam nghệ sĩ đã được bệnh viện bàn giao cho công an xử lý.

Căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não xảy ra khi việc cung cấp máu lên não bị ngưng đột ngột, khiến vùng não đó bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Chỉ cần vài phút, các tế bào não sẽ bắt đầu chết đi, cơ thể người bệnh dần mất các chức năng được tế bào não đó điều khiển. Đột quỵ gồm 2 thể diễn biến là nhồi máu não và chảy máu não.

Trao đổi về vấn đề này, Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết với bệnh nhân đột quỵ, thời gian là vàng.

Khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, chúng ta cần nhanh chóng đưa họ đến cơ sở y tế có khả năng điều trị chuyên sâu trong vòng ít nhất 3-5 giờ đầu, muộn nhất là 6 giờ.

Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Tổng thư ký Hội Đột quỵ Việt Nam, nhận định thiếu máu não là nguyên nhân đột quỵ khá phổ biến. Tuy nhiên, tình trạng thiếu máu não chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, khả năng vận động của cơ thể có thể sớm trở lại bình thường nên bệnh nhân rất dễ bỏ qua hoặc tin rằng không có vấn đề gì quan trọng. "Nếu thiếu máu não kéo dài vài phút, thương tổn thần kinh lập tức xảy ra", bác sĩ Thắng cho biết.

Dấu hiệu của đột quỵ luôn diễn ra âm thầm và không có cảnh báo rõ ràng. Khoảng 20% bệnh nhân mạn tính (rung nhĩ, tiểu đường, cao huyết áp...) nằm trong nhóm có nguy cơ cao.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, ở Việt Nam, nhiều người dân chưa hiểu rõ về biến chứng này. Vì vậy, các triệu chứng ban đầu của đột quỵ như méo miệng, nói lắp bắp, rung tay - chân thường bị bỏ qua và hiểu sai là trúng gió, không cấp cứu tại bệnh viện sớm. Sai lầm này khiến nhiều người bệnh bỏ qua khoảng thời gian vàng cứu bệnh nhân thoát khỏi tình huống nguy hiểm, để lại các di chứng đáng tiếc.

Nếu qua thời gian này, bệnh nhân khó có khả năng duy trì sự sống và tránh khỏi những biến chứng nặng. Đặc biệt, vị chuyên gia trên khẳng định chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh các biện pháp chích kim vào đầu ngón tay, ngón chân để giúp người đột quỵ vượt qua cửa tử.

Bệnh đột quỵ nguy hiểm như thế nào?-1
Danh hài Chí Tài vừa qua đời đột ngột do bị đột quỵ.

Biến chứng nguy hiểm sau đột quỵ

Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng đó, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não, sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Nếu được cứu sống, nhiều bệnh nhân đối diện nguy cơ tàn phế do các biến chứng như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, nhiễm trùng đường tiết niệu, khó khăn khi nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý...

Theo Cleveland Clinic, những biến chứng phổ biến ở người bị đột quỵ:

- Liệt vận động: Đây là biến chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân bị đột quỵ. Họ có thể bị liệt nửa người, tay chân, liệt mặt, liệt các dây thần kinh sọ não… Di chứng này gây khó khăn cho bệnh nhân về sinh hoạt, đi lại hàng ngày.

- Rối loạn ngôn ngữ: Sau đột quỵ, người bệnh có thể gặp các rối loạn về ngôn ngữ do tổn thương tại vùng não chi phối chức năng ngôn ngữ. Họ có thể gặp các biểu hiện: nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi, khó khăn khi diễn đạt, thậm chí không nói được.

- Suy giảm nhận thức: Đây là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh đột quỵ, gây sa sút trí tuệ. Người bệnh bị rối loạn nhận thức như hay quên, suy giảm trí nhớ, đầu óc lơ mơ không tỉnh táo, mất khả năng định hướng không gian, thời gian.

- Trầm cảm, rối loạn cảm xúc: Người bệnh sau đột quỵ thường bị suy giảm hoặc mất khả năng tự chăm sóc bản thân, phải nhờ đến sự chăm sóc của người khác. Điều này khiến người bệnh tự ti, mặc cảm, dẫn đến trầm cảm, rối loạn cảm xúc, dễ cáu gắt.

- Đau đầu mạn tính: Biến chứng này phổ biến hơn ở những người bị đột quỵ do xuất huyết, vì điều này có thể gây kích ứng não.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/benh-dot-quy-nguy-hiem-nhu-the-nao-post1161578.html?fbclid=IwAR0NI1oku-yWSIIDerPGT2DlrCb-c8S7tcj7TP6exLXR2N3xM2D-EhAfqdg

đột quỵ

Tin tức mới nhất