Nằm cách thành phố Thanh Hóa gần 50km, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, nơi sinh ra người Anh hùng dân tộc Lê Hoàn - vua Lê Đại Hành.
Đây cũng là vùng đất "trường thọ", nơi có nhiều cụ cao niên từ 80 đến hơn 100 tuổi. Bà Đỗ Thị Lưu - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Xuân Lập cho biết, hiện toàn xã có hơn 1.500 hội viên người cao tuổi. Trong đó, có 25 cụ cao tuổi nhất xã, đều 100 - 101 tuổi.
Một góc xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Tính riêng các cụ từ 90 đến dưới 100 tuổi cũng đã có 100 cụ; từ 80 đến 90 tuổi có 179 cụ; còn từ 60 đến 80 tuổi có 1.483 cụ.
Điều đặc biệt, những cụ ông, cụ bà tuổi đời trên dưới thế kỷ nhiều người vẫn còn dẻo dai, minh mẫn.
Tại nhà cụ Mai Văn Tộng, ở thôn Vũ Thượng, Chủ tịch Hội người cao tuổi giới thiệu, cụ Tộng năm nay 98 tuổi, có 7 người con, 18 cháu, 35 chắt và 4 chút.
Dù tuổi đã cao nhưng cụ Tộng vẫn minh mẫn, có sở thích đọc sách, làm thơ mỗi ngày. Gặp cụ Tộng khi cụ đang đọc sách bên hiên nhà, ai cũng bất ngờ với hình ảnh cụ ông tuổi gần 100, nước da đỏ hồng, giọng nói vang khỏe, dõng dạc.
Đã 98 tuổi nhưng cụ Tộng vẫn duy trì sở thích đọc sách, viết thơ.
Chia sẻ về bí quyết sống thọ của mình, cụ Tộng cho hay, bản thân cụ không áp dụng cách thức đặc biệt nào ngoài việc sống lạc quan, ăn uống điều độ, không hút thuốc và thường xuyên tập thể dục.
"Năm nay tôi gần 100 tuổi nhưng mỗi buổi chiều vẫn thường đi bộ quanh làng để thư giãn. Trước kia, khi còn trai tráng, tôi cũng như người dân địa phương chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng lúa và chăn nuôi.
Ngoài ra, tôi có lối sống lành mạnh, thường xuyên tu dưỡng bản thân, sống chan hòa với bà con lối xóm, vì vậy khi về già thấy rất vui vẻ. Có lẽ vì vậy nên tôi không bệnh tật gì", cụ Tộng bật mí.
Ngoài đọc sách, báo, cụ Tộng còn thường xuyên đọc chữ Hán.
Nói về sở thích đọc sách, làm thơ, cụ Tộng vui vẻ cho biết, dù tuổi đã cao nhưng thính giác, thị giác của cụ vẫn còn tốt. Mỗi ngày cụ vẫn thường tìm sách, báo để bầu bạn tuổi già.
"Việc đọc sách không chỉ giúp tôi mở mang kiến thức mà còn kích thích não bộ hoạt động, minh mẫn hơn", cụ Tộng chia sẻ thêm.
Những nét chữ của cụ Mai Văn Tộng khi đã bước sang tuổi 98.
Cách nhà cụ Tộng không xa là nhà cụ bà Lê Thị Thao, thôn Vũ Hạ. Cụ Thao năm nay 101 tuổi, là một trong 9 cụ cao niên trong xã thuộc diện "xưa nay hiếm", hơn 100 tuổi.
Cụ Thao tuy đã ngoài trăm tuổi vẫn bước đi nhanh nhẹn, dứt khoát, lưng không còng, tóc vẫn còn xanh, miệng thường bỏm bẻm nhai trầu.
Dù đã 101 tuổi, nhưng cụ Lê Thị Thao, thôn Vũ Hạ, xã Xuân Lập vẫn còn minh mẫn, dẻo dai.
Cụ Thao quê ở huyện Hậu Lộc, về làm dâu ở xã Xuân Lập, sinh được 6 người con. Sống hơn 1 thế kỷ nhưng trí nhớ của cụ còn rất tốt. "Hiện nay tôi có 17 cháu và 23 chắt rồi, vì nhiều quá nên không nhớ hết được tên từng đứa", cụ khoe.
Cụ Thao cho biết bản thân có được tuổi thọ cao như hiện tại một phần nhờ con cháu. "Giờ chúng nó thành đạt, làm ăn ổn định nên thi thoảng mua thuốc, bồi bổ. Nhờ đó mà tôi mới có sức khỏe như bây giờ", cụ Thao nói.
Dịp đầu xuân Nhâm Dần năm 2022, cụ Thao được con cháu tổ chức mừng đại thọ 100 tuổi.
Theo cụ Thao, bí quyết duy nhất giúp cụ sống thọ hơn 100 tuổi là tinh thần lạc quan, thoải mái.
"Trước kia tôi khổ tận cam lai rồi, giờ có con cháu đủ đầy cả, không phải lo âu nhiều. So với ngày trước đói khổ, bữa ăn chỉ có rau, lạc... giờ đủ đầy các loại đặc sản, đồ bổ dưỡng. Sinh hoạt mỗi ngày bây giờ, rảnh thì tôi ghé các cụ gần nhà trò chuyện, chiều đi thể dục. Ở quê được cái không khí trong lành, cũng không có gì độc hại", cụ Thao hào hứng trò chuyện.
Ông Hà Trọng Khai (66 tuổi, con trai cụ Thao) chia sẻ, dù tuổi cao nhưng cụ Thao luôn ý thức, chủ động vệ sinh cá nhân, không cần nhờ đến sự giúp đỡ của con cháu.
"Thấy mẹ vui khỏe tuổi già, chúng tôi cũng an lòng. Mặc dù tuổi cao nhưng bà ăn uống rất điều độ, đúng bữa. Cũng nhờ những thói quen tốt đó, các cụ có được sự dẻo dai và sống khỏe", ông Khai vui vẻ kể.
Theo Dân Trí