Bộ phim hạ nhục Marilyn Monroe

“Blonde”, phim hư cấu hóa góc khuất cuộc đời Marilyn Monroe, và yếu tố tình dục bị lạm dụng từ thoại cho đến các cảnh quay.

Blonde dựa trên tiểu thuyết cùng tên lấy cảm hứng từ cuộc đời của minh tinh màn bạc Marilyn Monroe, do nhà văn Joyce Carol Oates chấp bút năm 2000. Trong phim, "bom sex tóc vàng" được khắc họa như một nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục tại kinh đô điện ảnh.

Bộ phim hạ nhục Marilyn Monroe-1
Phim của đạo diễn Andrew Dominik xây dựng Marilyn Monroe thành ngôi sao dễ tổn thương, chịu sự giày vò về thể xác và tinh thần.

Phim khai thác những tháng ngày chịu nhục nhã về thể xác, cũng như chấn thương tâm lý của Norma Jeane Mortenson (Ana de Armas đóng) trong hành trình trở thành diễn viên Hollywood, trước khi cô thành danh với cái tên Marilyn Monroe.

Bi kịch hóa cuộc đời Marilyn Monroe

Blonde là phim tiểu sử hư cấu, có sự phóng đại chi tiết tiêu cực trong sự nghiệp phim ảnh cho đến hôn nhân trắc trở của người đẹp tóc vàng. Ngoài việc tô đậm sự thảm hại của nữ chính qua những cuộc tình chóng vánh, nhiều lần nạo phá thai, phim dành phần lớn thời lượng để phơi bày xác thịt và cảnh nóng của nhân vật.

Blonde chú trọng bi kịch hóa các sự kiện trong đời Marilyn một cách dồn dập. Đạo diễn Andrew Dominik đã để nhân vật của mình khóc ở hầu hết cảnh phim. Trong những lần thử vai, cô khóc vì ám ảnh thời thơ ấu.

Tiếng khóc dữ dội hơn khi căn bệnh tâm thần ngày càng nặng. Nếu Marilyn không khóc thì sẽ khỏa thân. Nhiều phân cảnh có cả hai, thậm chí xuất hiện máu để lột tả nỗi đau của cô.

Tuy nhiên, tình tiết bi thương xuất hiện xuyên suốt một thời gian dài khiến nội dung rơi vào lối mòn và trở nên nhàm chán. Thay vì gợi nên lòng thương cảm, phim gây ức chế khi phô bày sự nhu nhược của nhân vật.

Dường như đạo diễn Dominik muốn thông qua tần suất dày đặc của các cảnh lạm dụng tình dục để cường điệu sự bất hạnh cho nhân vật, song chưa tới. Cảnh nóng được tô điểm bằng các hiệu ứng hình ảnh ảo diệu, song thiếu sự tiết chế, tạo cảm giác nhà làm phim đang khoa trương chứ không có tư duy mỹ thuật tinh tế.

Bộ phim hạ nhục Marilyn Monroe-2
Hình ảnh trong phim nặng tính trình diễn, song thiếu chất riêng.

Trước tất cả hỉ nộ ái ố, Marilyn phải đối diện không sót sự khốn khổ nào. Suốt 36 năm nữ siêu sao tồn tại thay vì sống, cô trải qua bi kịch gia đình: không có cha bên cạnh, chịu sự ngược đãi của mẹ. Tâm lý bị ảnh hưởng khi trở thành nô lệ tình dục và sử dụng chất kích thích quá liều, ngày càng khổ sở vì bệnh tâm thần.

Kịch bản cho thấy nhiều lỗ hổng khi phác họa cuộc đời Marilyn đầy nhu nhược và đẫm nước mắt.

Phim dành nhiều thời lượng cho các cảnh nóng nhưng không làm rõ được nữ chính đã kiên trì sống và có tham vọng thế nào. Tính cách nhân vật cũng bị mờ nhạt trong tổng thể, không đủ sự thông minh lẫn hiểu biết để xứng tầm minh tinh Hollywood.

Khi yếu tố 18+ đáng giá hơn kịch bản

Ana de Armas là diễn viên thực lực của Hollywood, song sự nỗ lực trong diễn xuất của cô là vô nghĩa với một kịch bản tệ hại. Minh tinh gốc Cuba không có đất phát triển cảm xúc, khi nhà làm phim nam giới liên tục chĩa máy quay vào đôi mắt đẫm lệ, bờ môi căng mọng, hay những bộ phận cơ thể nhạy cảm của cô.

Cách nhả thoại như trả bài cũng khiến Marilyn Monroe thành vai mờ nhạt, đáng quên của Ana de Armas.

Đây nhiều khả năng là do lối chỉ đạo diễn xuất non kém, bởi de Armas từng rất quyến rũ với tạo hình nữ điệp viên Paloma trong No Time to Die, dù thời lượng xuất hiện chỉ 10 phút.

Bộ phim hạ nhục Marilyn Monroe-3
Marilyn Monroe là biểu tượng sắc đẹp của Hollywood.

Tờ Collider nhận định: “Bộ phim hướng đến một đối tượng rất cụ thể: khán giả nam. Thông điệp của phim nông cạn như một hồ bơi dành cho trẻ em, trong vòng 20 phút đầu trên tổng thời lượng dài 166 phút, mọi thứ đã quá dễ đoán".

Yếu tố tình dục bị lạm dụng từ thoại cho đến các cảnh quay. “Bờ mông quyến rũ" là lời nhận xét dung tục nam giới trong phim dành cho Marilyn Monroe. Thậm chí, hình ảnh khoả thân và cảnh làm tình chiếm đến 2/3 thời lượng phim.

Thực tế, phim tập trung nhiều cảnh làm tình, hơn hết rất trần trụi trong bối cảnh nạn nhân đã chịu nhiều sang chấn tâm lý.

Tờ New York Times chỉ ra việc lạm dụng các cảnh nóng và đan xen nhiều bi kịch khiến khán giả khó chịu và ngột ngạt khi xem phim. Thời lượng tác phẩm kéo dài gần 3 tiếng, song thiếu yếu tố chữa lành trong cả hành trình khổ sở của nhân vật.

Trong cảnh phim khắc họa lại buổi ra mắt Some Like It Hot, những người đàn ông cuồng nhiệt xếp hàng để đón Marilyn. Họ điên cuồng hô vang tên siêu sao, mắt và miệng méo mó như thể họ muốn ăn tươi nuốt sống cô.

Ở một phân cảnh khác, nhà làm phim cũng miêu tả sự thèm khát của nam giới về cơ thể Marilyn khi tua chậm hành động cô tung váy. Nhiều góc máy khác nhau chỉ với mục đích phô bày hình thể mà không hề mang lại hiệu quả về mặt nội dung. Việc chú trọng vào những tiểu tiết không cần thiết khiến mạch phim trở nên dài dòng, lê thê.

Không có một thông điệp cụ thể, rõ ràng nào được đưa ra sau khi Blonde kết thúc. Sự dàn trải nội dung và sử dụng cảnh nóng vô tội vạ đã làm biến chất một biểu tượng sắc đẹp của Hollywood.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/bo-phim-ha-nhuc-marilyn-monroe-post1360937.html?fbclid=IwAR0QR7aRj6KtfORR6lruSnSYJSIrCe6eAUoXFOz7mNOlm5b_GzS3jaoLxIw

Marilyn Monroe Hollywood

Tin tức mới nhất