Bộ Y tế lý giải vì sao số ca mắc và tử vong tăng cao thời gian qua?

Tính trung bình 7 ngày qua, mỗi ngày ghi nhận hơn 15.600 ca mắc mới Covid-19 với 222 ca tử vong.

Đến chiều 3/1, Việt Nam đã ghi nhận 1.778.976 ca nhiễm, 33.021 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm. Trung bình số ca mắc mới trong 7 ngày qua là 15.629 ca/ngày.

Việt Nam cũng đã ghi nhận 24 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron. Đây đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TPHCM (5), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trong số ca mắc Covid-19 tại nước ta có 6% là bệnh nhân nặng, 8,3% ở mức trung bình, tỷ lệ bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng cao nhất với 85,7%. 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong cao nhất cả nước là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, TP Cần Thơ, Đồng Tháp và Kiên Giang.

Qua phân tích số ca bệnh tử vong cho thấy người trên 65 tuổi chiếm hơn 47% là người có bệnh nền, hơn 36% là người 50-56 tuổi; 18-49 là 15%; nhóm 0-17 tuổi là 0,42%. Con số trên cho thấy tổng số ca tử vong từ 50 tuổi trở lên chiếm đến 84%.

Bộ Y tế lý giải vì sao số ca mắc và tử vong tăng cao thời gian qua?-1
Thống kê số ca Covid-19 tại nước ta thời gian gần đây.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Thời gian qua, số ca cộng đồng và tử vong cao do một số nguyên nhân cơ bản làm gia tăng ca nhiễm trong thời gian qua.

Thứ nhất, sau khi thực hiện Nghị quyết 128 các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại bình thường.

Thứ 2, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng.

Thứ 3, biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, biến thể Omicron đã ghi nhận ở nước ta và có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng.

Thứ 4, có tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định về phòng, chống dịch 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Thứ 5, những người tiêm vaccine giai đoạn đầu miễn dịch sau tiêm sẽ giảm dần theo thời gian, đồng thời những người mới tiêm cần có thời gian để sinh miễn dịch.

Thứ 6, ca tử vong tập trung chủ yếu ở người cao tuổi, người có bệnh nền chưa tiêm đủ vaccine. Báo cáo của các tỉnh, thành phố như TPHCM số người tử vong có bệnh nền chiếm 93%, trên 70 tuổi, phần lớn có từ 2 bệnh nền trở lên.

Thứ 7, Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 nghỉ dài, giao lưu, chúc tết, đoàn tụ gia đình.

Thứ 8, bắt đầu từ ngày 1/1/2022 mở cửa chuyến bay thương mại, du khách đi du lịch Việt Nam, người Việt từ nước ngoài về đón Tết… nguy cơ xâm nhập biến thể Omicron trong cộng đồng.

Vì thế, theo Bộ Y tế thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nhất là giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong. Trong đó, vaccine là yếu tố chiến lược, quyết định cả trước mắt và dài hạn đối với công tác phòng, chống dịch.

Dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết trong dịp lễ tết đầu năm

Bộ lưu ý các đơn vị tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các thể mới xâm nhập vào Việt Nam. Đồng thời, cần tăng cường quản lý người có nguy cơ cao; không để sót ai thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm thể đầy đủ (kể cả mũi tăng cường), đặc biệt những người thuộc nhóm nguy cơ cao

Song song với đó, tổ chức tốt điều trị tại nhà, tại cơ sở cho người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ thấp và trung bình; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện các tuyến gây quá tải.

Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Bộ Y tế lý giải vì sao số ca mắc và tử vong tăng cao thời gian qua?-2
Người dân cần cảnh giác trước nguy cơ tái bùng phát dịch trên diện rộng trong điều kiện thời tiết cuối năm và biến thể Omicron (Ảnh: Mạnh Quân).

Đồng thời, dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết trong dịp lễ tết đầu năm 2022.

Người dân, các địa phương cần cảnh giác trước nguy cơ tái bùng phát dịch trên diện rộng trong điều kiện thời tiết cuối năm và biến thể Omicron. Người dân cần tích cực thực hiện tiêm vaccine, không tụ tập đông người khi không cần thiết, thực hiện thông điệp 5K.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng nhấn mạnh "vaccine" ý thức là quan trọng nhất.

Người dân cần thực hiện nghiêm túc 5K. Việc không thực hiện tốt 5K còn là điều kiện làm lây lan mầm bệnh cho người khác, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, mắc bệnh nền, trẻ em hay những đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine.

"Tôi luôn khuyến cáo người dân cần đảm bảo thực hiện 5K của Bộ Y tế trong bất cứ thời điểm nào. Chúng ta luôn phải đề phòng trường hợp người bên cạnh, thậm chí bản thân mình, đang là F0", TS Phu nhấn mạnh.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-ly-giai-vi-sao-so-ca-mac-va-tu-vong-tang-cao-thoi-gian-qua-20220104105847808.htm

SARS-CoV-2 COVID-19

Tin tức mới nhất