Cận cảnh bên trong hộp ngủ chỉ rộng 1,5-2m2 ở Hà Nội

Thời gian gần đây, Hà Nội xuất hiện những "hộp ngủ" chỉ rộng 1,5-2m2, được cho thuê giá 750.000 - 900.000 đồng mỗi tháng.

Hộp ngủ (sleep box) ban đầu là dịch vụ tại sân bay, để khách nghỉ ngơi, làm việc trong thời gian chờ máy bay. Tuy nhiên, từ năm 2021 mô hình này nở rộ tại TPHCM, rồi nhanh chóng lan ra Hà Nội.

Mô hình hộp ngủ được hiểu là một khoang ngủ (cabin) dành cho một người, nằm trong một căn phòng chung với nhiều người khác. Loại hình này tối ưu chi phí và diện tích, được nhiều chủ đầu tư gọi với cái tên mỹ miều là "ký túc xá kiểu mới".

Cận cảnh bên trong hộp ngủ chỉ rộng 1,5-2m2 ở Hà Nội-1

Tại một căn nhà trên phố Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội), chủ đầu tư thuê tầng một và hai, diện tích mặt sàn 90m2, chia thành các phòng hộp ngủ, nhà vệ sinh, phòng bếp...

Căn phòng được ngăn thành 16 hộp ngủ diện tích từ 1,5-2m2, giữa phòng có lối đi rộng khoảng 30-50cm. 

Cận cảnh bên trong hộp ngủ chỉ rộng 1,5-2m2 ở Hà Nội-2

Anh Nguyễn Ngọc Thạch (chủ trọ) cho biết mỗi hộp ngủ được trang bị thanh treo quần áo, đèn, nệm, chăn, ga, gối, ổ cắm... bên ngoài có điều hòa tổng công suất lớn làm mát chung.

Giá cho thuê ban đầu là 900.000 đồng/tháng, đã bao gồm tiền điện, nước, wifi, điều hòa, máy giặt, máy sấy, phí dịch vụ… Sau đó, do một số vấn đề phát sinh, mức giá này giảm xuống còn 750.000 đồng/tháng, riêng tiền điện, nước được các thành viên thanh toán riêng. 

"Chúng tôi hướng đến nhóm đối tượng sinh viên, người lao động thu nhập thấp. Họ đều đi học, đi làm cả ngày, tối đến chỉ cần một chỗ yên tĩnh để ngủ", anh Thạch nói, cho hay hợp đồng được ký từ 3 đến 6 tháng hoặc một năm, không cho thuê theo ngày. 

Chủ trọ không hạn chế giờ giới nghiêm, nhưng quy định: không cho người lạ vào nhà, người đến chơi chỉ được ở lại đến 22h, khách thuê phải rút các thiết bị điện sau khi sử dụng...

Cận cảnh bên trong hộp ngủ chỉ rộng 1,5-2m2 ở Hà Nội-3
Tầng một căn nhà là dãy hộp ngủ dành cho nữ. 

Phương Linh (tên nhân vật đã thay đổi, 23 tuổi) nói cảm thấy thoải mái sống trong hộp ngủ 2m2 "tiện nghi" của mình từ cuối tháng 9. Một số người lo ngại hộp ngủ thiếu ánh sáng, song Linh thuộc túyp hướng nội, "thích cảm giác đó".

Mỗi tháng, cô bỏ ra 900.000 đồng cho toàn bộ dịch vụ và tiện ích, thay vì 2 triệu đồng/tháng thuê ngoài như trước đây. 

Ban đầu, Linh gặp nhiều bất tiện khi phải sinh hoạt chung với 7 người lạ. Nhưng sau 3 tháng, cô làm quen với từng thành viên, cùng nấu ăn và trò chuyện.

"Đa số mọi người đều đi làm cả ngày, tối về nghỉ ngơi", Linh nói.

Cận cảnh bên trong hộp ngủ chỉ rộng 1,5-2m2 ở Hà Nội-4
Tầng hai là dãy hộp ngủ dành cho nam. 

Trần Huy, 21 tuổi, được một người bạn giới thiệu về mô hình hộp ngủ, chuyển đến sống cách đây một tháng. Huy từng thuê trọ tại chung cư, chung cư mini, nhưng khoản tiền 3-5 triệu đồng/tháng chưa gồm phí dịch vụ, điện, nước... đã trở thành gánh nặng với nam sinh viên. 

"Để cân đối chi phí, tiết kiệm và tích lũy cho bản thân, tôi tìm đến mô hình hộp ngủ, chỉ cần một nơi để nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân mỗi tối", anh nói. 

Với chiều cao 1m70, Huy cho biết "nằm thoải mái, không bị gò bó" trong hộp ngủ có chiều dài 2m, rộng 1m. 

Cận cảnh bên trong hộp ngủ chỉ rộng 1,5-2m2 ở Hà Nội-5
Dưới mỗi hộp ngủ là ngăn đựng đồ cá nhân.

Cận cảnh bên trong hộp ngủ chỉ rộng 1,5-2m2 ở Hà Nội-6

Bên ngoài phòng hộp ngủ mỗi tầng là nhà vệ sinh chung gồm 3 phòng tắm, 3 phòng vệ sinh. Bên cạnh là khu vực bếp và máy giặt, sấy, tủ lạnh. Hơn chục người ở sẽ chia nhau thời gian sử dụng. Hàng tuần, nhân viên vệ sinh sẽ quét dọn, lau chùi khu vực sinh hoạt chung.

Cận cảnh bên trong hộp ngủ chỉ rộng 1,5-2m2 ở Hà Nội-7
Tầng một của căn nhà là khu vực để xe. Bất tiện của khách thuê hộp ngủ là không được để xe tại đây.

Anh Thạch cho hay, để ngăn chặn nguy cơ cháy nổ, anh yêu cầu khách gửi xe ở nhà văn hóa hoặc các nhà chuyên nhận trông giữ xe bên cạnh. Nếu ai cố tình để xe ở tầng một, chủ trọ sẽ khóa xe và có biện pháp xử lý. 

Cận cảnh bên trong hộp ngủ chỉ rộng 1,5-2m2 ở Hà Nội-8

Mỗi tầng được trang bị các bình xịt cứu hỏa, tiêu lệnh và nội quy phòng cháy chữa cháy. Theo chủ trọ, phía sau mỗi dãy hộp ngủ là một lớp kính. Nếu xảy ra sự cố, khách có thể đập kính để thoát nạn. 

Do thường xuyên nấu ăn mỗi tối, Phương Linh và các khách nữ thường dặn nhau nấu xong sẽ tắt bếp, tháo các thiết bị điện không cần thiết. Nếu hỏng hóc bất cứ thiết bị nào, họ sẽ thông báo với chủ trọ để kịp thời sửa chữa, đề phòng sự cố. 

Cận cảnh bên trong hộp ngủ chỉ rộng 1,5-2m2 ở Hà Nội-9

Ông Trần Khánh, Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý tòa nhà Hà Nội, nhận định sự phát triển của mô hình hộp ngủ xuất phát từ nhu cầu thực tế, khách hàng mong muốn thuê được chỗ ở đầy đủ tiện nghi nhưng giá cả hợp lý…

Tuy nhiên, vì các hộp ngủ được bố trí sát nhau, dễ gây ra nguy cơ cháy nổ nếu không có giải pháp về phòng cháy chữa cháy tốt.

Đối với những hộp ngủ trong chung cư, ngoài nguy cơ cháy nổ, thì tường cách âm không tốt dẫn đến sinh hoạt ảnh hưởng các căn hộ xung quanh. Do đó, Ban quản lý các tòa nhà cần xem xét việc giới hạn sự phát triển của mô hình này bằng cách bổ sung quy chế, thu phí dịch vụ cao hơn so với các căn hộ khác…

Ông Khánh khuyến cáo chủ đầu tư hộp ngủ cần đảm bảo PCCC, diện tích công trình, lối thoát nạn; sử dụng vật liệu chống cháy, hệ thống điện tự ngắt khi quá tải, hành lang, lối thoát hiểm đảm bảo an toàn...

"Cơ quan Nhà nước cần sớm ban hành quy chuẩn chung, tiêu chuẩn về PCCC, cũng như quy chuẩn về quy định số người tối đa được sử dụng trong một căn hộ chung cư/hoặc một phòng riêng (sau cải tạo thành hộp ngủ), dựa trên diện tích căn phòng và một số yếu tố liên quan khác như PCCC, tiếng ồn…", chuyên gia nói. 

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/doi-song/can-canh-ben-trong-hop-ngu-chi-rong-15-2m2-o-ha-noi-20231211170141030.htm

Hà Nội

Tin tức mới nhất