Căn cứ xử lý phó công an phường dù 2 bên hòa giải

Theo luật sư, do những tội danh có thể áp dụng không thuộc nhóm cần tới yêu cầu khởi tố của bị hại, kết quả hòa giải không có giá trị trong giải quyết vụ án hình sự.

Tối 28/4, chị M.K. (ở TP Cao Bằng) cùng bạn trai đến tiệm cắt tóc của anh Đ.K. ở phường Đề Thám, TP Cao Bằng. Sau đó, Phó công an phường Sông Bằng cùng 2 người khác đi ôtô đến đây và yêu cầu một người mặc trang phục cảnh sát bắt giữ bạn trai chị K..

Camera ghi cảnh cán bộ phường nửa đêm đến nhà bắt người, đánh phụ nữ Nửa đêm, nhóm người được cho là cán bộ và công an phường ở TP Cao Bằng đến nhà một người dân đòi bắt người rồi xô xát với phụ nữ. Công an tỉnh đang xác minh làm rõ sự việc.

Khi người phụ nữ phản ứng, đôi bên xảy ra xô xát. Nhóm của vị phó công an phường sau đó rời đi khi công an sở tại có mặt tại hiện trường. Theo chỉ huy Công an phường Đề Thám, đôi bên đã đồng ý giảng hòa.

Tuy nhiên, lãnh đạo Công an TP Cao Bằng cho biết vẫn sẽ xử lý nghiêm hành vi của vị phó công an phường Sông Bằng, việc xử lý không ảnh hưởng bởi quyết định hòa giải.

Theo quy định pháp luật, trường hợp đôi bên đã giảng hòa, công an có thể tiếp tục giải quyết vụ việc không?

Căn cứ xử lý phó công an phường dù 2 bên hòa giải-1
Người mặc quần áo trắng là Phó công an phường Sông Bằng. Ảnh: Cắt từ clip.

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) nhận định hành vi của vị phó công an phường có dấu hiệu của tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015.

Phân tích thêm, ông Cường cho biết tội danh này sẽ áp dụng với những người thực hiện hành vi phạm tội đe dọa, uy hiếp tinh thần, sử dụng vũ lực để ép buộc nạn nhân ra khỏi nơi cư trú, nơi làm việc của họ hoặc có những hành vi khác xâm phạm thân thể, tước bỏ quyền tự do về thân thể của công dân trái pháp luật.

Kể cả khi người thực hiện hành vi không bắt, giữ được nạn nhân, luật sư cho rằng họ vẫn có thể bị xử lý về tội danh này.

Còn với luật sư Nguyễn Văn Quyết (Đoàn Luật sư Hà Nội), ông cho rằng với việc vị phó công an phường là một chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn, người này có thể bị xử lý theo Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 với tình tiết định khung lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc theo Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật.

Khung hình phạt áp dụng theo Điều 157 là 2-7 năm tù trong khi theo Điều 337, khung hình phạt áp dụng sẽ là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo Công văn số 233/TANDTC-PC của TAND Tối cao, trường hợp người thực hiện một hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn.

Nói về việc đôi bên đồng ý hòa giải, luật sư Quyết cho biết căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, kết quả hòa giải không có giá trị trong việc có khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp này hay không.

"Theo Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, những tội quy định tại Khoản 8 Điều này mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố thì sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Trong số này, không có tội danh quy định tại Điều 157 và 337 Bộ luật Hình sự 2015. Do đó, kết quả hòa giải không có giá trị trong giải quyết vụ việc này", ông Quyết phân tích.

Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng cần làm rõ vai trò của vị bác sĩ đi cùng nhóm của phó công an phường bởi theo thông tin hiện có, đây là người khởi nguồn của vụ việc. Trường hợp xử lý hình sự, người này cũng có thể bị khởi tố với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực cho vị phó công an phường.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/can-cu-xu-ly-pho-cong-an-phuong-du-2-ben-hoa-giai-post1314215.html

đánh người công an

Tin tức mới nhất