Covid-19 - Cập nhật tin tức mới nhất

Căng mình điều trị hàng nghìn F0 ở TP.HCM

"Sợ nhất là những bệnh nhân diễn biến nhanh đến mức nhân viên y tế không kịp trở tay. Hôm trước, một người suy hô hấp ngay khi chờ làm thủ tục nhập viện", bác sĩ ở TP.HCM chia sẻ.

Bác sĩ Cường tranh thủ ăn vội phần cơm sau 6 giờ liên tục mặc đồ bảo hộ. 5 ngày qua, anh cùng các y bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 6 tất bật thu dọn phòng ốc, chuẩn bị chăn màn, nước uống để đón hàng nghìn F0 đến điều trị. Những đêm mưa, nhiều người kiệt sức, không thể làm thêm ca tối.

Kiệt sức sau nhiều giờ đón F0

Từ ngày được giám đốc bệnh viện điều động vào khu tái định cư Thủ Thiêm và phụ trách công tác điều phối, nhận bệnh nhân, bác sĩ Trương Nhựt Cường, phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện dã chiến số 6, gần như không có thời gian trống.

Suốt 5 ngày, điện thoại của anh tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi từ F0, người nhà, shipper giao hàng cho bệnh nhân và các cơ sở y tế xin chuyển bệnh.

Căng mình điều trị hàng nghìn F0 ở TP.HCM-1
Bác sĩ Cường là một trong những người trẻ nhất trong đội ngũ nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến số 6.

Tại Bệnh viện dã chiến số 6, việc tiếp nhận F0 mới được thực hiện từ 17h đến khoảng hơn 23h. Bệnh viện dã chiến được trưng dụng từ chung cư bỏ trống, bởi vậy hầm xe trở thành nơi F0 ngồi chờ làm thủ tục nhập viện. Suốt thời gian này, kíp phụ trách nhận bệnh phải mặc quần áo bảo hộ liên tục, xem hồ sơ, làm thủ tục và hướng dẫn bệnh nhân ngồi chờ.

"Một vài đồng nghiệp khi xong việc thì nằm vật, gần như kiệt sức. Chiều nay, vài anh dân quân tự vệ dầm mưa để chuyển nhu yếu phẩm cho F0, hiện có người vài đang sốt", anh kể.

Nhiều bệnh nhân không triệu chứng trở nặng

Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Thành, trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trưởng kíp trực điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 6, chia sẻ mặc dù đơn vị này phụ trách theo dõi và điều trị F0 không triệu chứng, mỗi ngày, số lượng F0 có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên khá cao. Riêng trong đêm 15/7, gần 10 người được chuyển viện.

Điển hình là trường hợp một cụ bà lớn tuổi, than mệt, khó thở sau đó đột ngột ngưng tim, ngưng thở ngay tại phòng bệnh. Kíp trực của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy xử trí đặt nội khí quản và chuyển bệnh nhân lên thẳng tuyến trên cấp cứu.

"Đặt nội khí quản là kỹ thuật cao hơn được can thiệp ở tuyến điều trị Covid-19 nặng và nguy kịch. Tuy nhiên, khi bệnh nhân trong tình thế ngặt nghèo, chúng tôi phải xử trí ngay để giữ tính mạng người bệnh", bác sĩ Thành kể.

Ngoài F0 lớn tuổi có tình trạng trở nặng nhanh, một số bệnh nhân khác tuổi trung niên, không có triệu chứng thời điểm nhập viện, sau đó bệnh trở nặng rất nhanh.

Căng mình điều trị hàng nghìn F0 ở TP.HCM-2
Một F0 chuyển biến nặng, suy hô hấp được các bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 6 chuyển lên tuyến trên trong đêm 13/7.

Điển hình là nam bệnh nhân 48 tuổi, kết quả rRT-PCR dương tính ngày 9/7. Tuy nhiên, sau 6 ngày nhập viện, ông đột ngột sốt, ho sau đó suy hô hấp diễn tiến nặng, SpO2 chỉ còn 66%. Trong đêm, bác sĩ Thành và ê-kíp tiến hành cấp cứu và chuyển bệnh nhân đến Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2).

"Điều chúng tôi thấy còn may là chưa phải quyết định cứu cấp bệnh nhân nào trước, chuyển người nào đi trước hay ưu tiên giường bệnh cho người nào. Nhưng khi số ca vẫn tiếp tục tăng và buộc tính đến phương án này, đây sẽ là điều khủng khiếp nhất", anh kể.

Theo bác sĩ Thành, chủng Delta khiến người mắc có diễn biến nặng rất nhanh. Đa số bệnh nhân không có dấu hiệu bất thường tại thời điểm xét nghiệm dương tính. Nhưng sau khoảng 6-7 ngày, F0 sẽ có triệu chứng bệnh nặng nhất.

"Sợ nhất là những bệnh nhân diễn biến nhanh đến mức nhân viên y tế không kịp trở tay. Hôm trước, một F0 suy hô hấp ngay khi chờ làm thủ tục nhập viện. Chưa vào bệnh viện dã chiến, người này đã được chuyển đến bệnh viện hồi sức", bác sĩ Thành kể.

Phòng cấp cứu của Bệnh viện dã chiến số 6 hiện có 15 giường. Ngày cao điểm có đến 11 F0 nằm hồi sức cần chuyển viện. Do đó, các y bác sĩ tại đây phải điều phối việc luân chuyển người bệnh về lại phòng cách ly nếu sức khỏe ổn định, nhường giường cho F0 khác nặng hơn.

Ngoài ra, bệnh nhân muốn chuyển viện phải chờ đợi xe cấp cứu đến đón. Hiện bệnh viện này chỉ có một xe cấp cứu phụ trách chuyển bệnh.

Trận đánh lớn nhất

Ngày 14/7, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, đến nhận nhiệm vụ tại Trung tâm hồi sức bệnh nhân Covid-19 (TP Thủ Đức), được trưng dụng từ Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2.

Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện, cho biết trong trận địa mới này, bệnh viện cử 53 thành viên dày dạn kinh nghiệm gồm 25 bác sĩ và 28 điều dưỡng. Với quy mô 1.000 giường, đây là trung tâm hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng có công suất lớn nhất TP.HCM và Việt Nam đến hiện tại.

Căng mình điều trị hàng nghìn F0 ở TP.HCM-3
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TP.HCM trở thành trung tâm chuyên hồi sức bệnh nhân Covid-19 lớn nhất tại Việt Nam với quy mô 1.000 giường.

Bác sĩ Trần Thanh Linh, người trực tiếp điều trị BN91 (nam phi công người Anh) và nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng trong đợt dịch Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang và Bắc Ninh, làm trưởng đoàn công tác Bệnh viện Chợ Rẫy tại Trung tâm Hồi sức.

“Đây là trận đánh lớn nhất và chúng tôi cũng hy vọng sẽ là trận đánh cuối cùng để đẩy lùi đại dịch", bác sĩ Linh chia sẻ.

Với nhiệm vụ phụ trách 300 giường hồi sức nặng và 30 giường hồi sức nguy kịch, đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ là lực lượng chủ lực ở đây. Dự kiến, đơn vị này sẽ đón nhận nhiều bệnh nhân diễn biến nặng cần đặt ECMO, thở máy, lọc máu.

Khoảng 340 bác sĩ, 1.200 điều dưỡng sẽ được huy động từ các bệnh viện chính là Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và nhân sự theo sự điều động của Bộ Y tế.

TP.HCM có tổng cộng 10 cơ sở và 15 bệnh viện điều trị Covid-19. Ngoài ra, nhiều bệnh viện dã chiến đang được xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động.

Theo ông Tăng Chí Thượng, nhu cầu nhân lực cho khối điều trị ca mắc Covid-19 hiện tại của thành phố là rất lớn. Ước tính trung bình khoảng 1.000 giường bệnh cần 200 thầy thuốc, nhân viên y tế. Số F0 vẫn có xu hướng tăng lên, lượng y, bác sĩ cần thiết cho khâu điều trị cũng tăng theo cấp số nhân.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết 80% người mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Trong số đó, 5% có dấu hiệu chuyển nặng. Trong 5% này, khoảng 30% sẽ chuyển biến rất nặng. Tính đến ngày 15/7, thành phố có 253 bệnh nhân nặng đang thở máy, trong đó, 7 trường hợp can thiệp ECMO. Đây là gánh nặng lớn cho hệ thống điều trị.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/cang-minh-dieu-tri-hang-nghin-f0-o-tphcm-post1239115.html

SARS-CoV-2 COVID-19

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao

Bạn đang xem bài viết trong sự kiện: Covid-19 - Cập nhật tin tức mới nhất