Cậu bé 13 tuổi bị bà chủ cắt đứt bàn tay gây phẫn nộ

Đòi tiền lương từ bà chủ nhưng cậu bé 13 tuổi ở Pakistan lại phải chịu đựng nỗi đau kinh khủng khi bị cắt đứt bàn tay.



Tờ The Nation của Pakistan đưa tin, cậu bé Muhammad Irfan (13 tuổi) làm thuê cho bà Shafqat Bibi với mức thu nhập hàng tháng là 3000 Rs (khoảng 648.000 đồng).

Khi Irfan đòi tiền lương, người phụ nữ tên Bibi nói trên đã có một quyết định tàn nhẫn. "Người phụ nữ đó cắt bàn tay của con tôi bằng máy cắt cỏ để dạy cho thằng bé bài học về việc đòi lương mà không chịu cho gia súc ăn đầy đủ", người mẹ đau đớn nói.

Sau khi xảy ra sự việc, cảnh sát không lập hồ sơ điều tra khi nhận được tin báo. Nhưng bố mẹ cậu bé vì quá bức xúc đã gửi đơn lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn. Ngay lập tức, người đứng đầu tỉnh Punjab đã ra lệnh các cơ quan có liên quan điều tra sự việc nói trên.
 


Gia đình cậu bé bức xúc khi con trai bị cắt đứt bàn tay.
 

Theo con số thống kê, có 3/4 trẻ em 10-14 tuổi ở Pakistan đang làm việc trong ngành nông nghiệp để kiếm sống.

Đây không phải là lần đầu tiên trẻ em tại Pakistan bị bạo hành khi đi làm thuê. Năm 2010, câu chuyện cô bé giúp việc 12 tuổi tử vong ở trong nhà một luật sư cũng khiến dư luận nước này rúng động.

Gia đình nạn nhân cho biết, con gái họ bị hành hạ khi ở với gia đình luật sư này. Tuy nhiên, chủ nhà lại cho rằng cô bé rơi từ cầu thang xuống đất cộng với biến chứng của bệnh ngoài da nên mới tử vong. Sau sự việc, mẹ cô bé cho biết, trên cơ thể bé còn có những vết bầm tím, trầy xước, rất có thể bé đã bị đánh đập, ngược đãi.

Được biết, gia đình bé gái nói trên rất nghèo. Bố mẹ em làm nghề nhặt rác, lau dọn nhà cửa,... kiếm sống nhưng mỗi tháng chỉ thu nhập hơn 60 USD (khoảng 1,2 triệu đồng). Số tiền này gần như không đủ chi tiêu cho việc ăn uống.

Tại Pakistan, mặc dù còn nhỏ nhưng để có tiền giúp gia đình nhiều bé gái chấp nhận đi làm osin với mức lương 50 USD/tháng (khoảng 1 triệu đồng). Tuy nhiên, luật pháp nước này không cấm việc trẻ em đi làm thuê.

Với mức thu nhập bình quân đầu người thấp, nghề osin tại Pakistan được xem là cứu cánh cho nhiều gia đình nghèo. Nhiều giúp việc sống như vô hình, cô đơn, phải ăn đồ ăn thừa, sử dụng đồ riêng và làm nhiều tiếng mỗi ngày. 
 


Bình An
Theo Vietnamnet


bạo hành bạo lực trẻ em tai nạn trẻ em

Tin tức mới nhất