Câu chuyện come out của cô nàng tomboy từng bị gia đình bắt quỳ trước bàn thờ tổ tiên để ‘hối lỗi’

Đã 3 năm trôi qua kể từ ngày come out, bố mẹ vẫn chưa thực sự chấp nhận nhưng may mắn họ đã không còn suy nghĩ Vỹ bị bạn bè dụ dỗ hay bỏ bùa.

Có rất nhiều câu chuyện về come out khiến người nghe đau lòng, thậm chí ấm ức vì tại sao bố mẹ không hiểu cho con. Nhưng nếu đặt vào vị trí của phụ huynh, chúng ta sẽ hoang mang và hụt hẫng như thế nào khi đứa con mình đặt niềm tin, hy vọng, thậm chí vẽ sẵn con đường cho chỉ việc bước đi bỗng thay đổi 180 độ. Chưa kể, bố mẹ không hiểu nhiều về cộng đồng LGBT, người đồng tính. Cũng chính bởi những lý do ấy mà nhiều thành viên trong giới lâm phải hoàn cảnh bi đát khi công khai xu hướng tính dục.

Nguyễn Dương Vỹ (sinh năm 1997, Ninh Bình) là một trong những trường hợp ấy. Thậm chí đã 3 năm trôi qua kể từ ngày come out, bố mẹ Vỹ vẫn chưa tin con mình là người đồng tính nên những nỗ lực của cô nàng tomboy phải nâng lên gấp bội.


Cô bạn tomboy Nguyễn Dương Vỹ.

Có rất nhiều người trong giới phải đến tuổi dậy thì mới nhận ra xu hướng tính dục của mình nhưng Vỹ may mắn biết từ sớm. Ngay từ khi học tiểu học, Vỹ đã biết mình thích con gái. Ngày ấy, cô bạn tự nhận mình rất ham chơi nhất là những trò dành cho con trai như đá bóng và game, Vỹ còn dành tiền mua bóng để rủ bạn bè đá chung. Đến năm lớp 4, cảm xúc với bạn bè cùng giới rõ ràng hơn nhưng Vỹ cho rằng con gái thích chơi với con gái là chuyện bình thường.

Một năm trôi qua, tình cảm ấy chợt đến rồi đi. Vỹ vô tình mến cô họ khi cô lên thi đại học ở nhờ nhà mình. Quãng thời gian ấy, ngày nào Vỹ cùng theo cô đi khắp nơi. Ngày chia ly, Vỹ khóc ròng rã 2 ngày liền, cứ đi học về là gọi điện cho cô khóc. Những cảm xúc đơn thuần ngày tiểu học không thể giúp Vỹ nhận ra xu hướng tính dục của mình bởi thuật ngữ Gay, Les còn quá xa lạ.

Mình là ai mà “khác người” như vậy?

Từ cấp 1 đến lớp 11, quãng thời gian không quá dài nhưng cũng không phải là ngắn để tìm hiểu con người mình. Cảm xúc đến chính bản thân mình còn không hiểu khiến Vỹ hoang mang: “Mình là ai mà thế giới nội tâm lại “khác người” như vậy?”.


Vỹ nhận ra mình là người đồng tính ngay từ khi còn nhỏ.

Đến năm lớp 7, một lần nữa cảm xúc thích con gái xuất hiện, Vỹ bứt rứt khó chịu, tại sao 5 lần 7 lượt cảm xúc này cứ đến. Qua Internet, Vỹ biết đến chuyện nữ yêu nữ nhưng xưa nay chưa từng gặp nên đã thẳng thắn phủ nhận.

“Mình tìm mọi cách để thay đổi bản thân từ việc cố gắng thích 1 bạn nam hay cố gắng chơi trò nữ tính nhưng không có tác dụng. 4 năm trôi qua, mình luôn cố gắng chống lại cảm xúc của bạn thân, đồng thời tìm tòi những người có cảm xúc giống mình qua mạng xã hội. Cảm giác đến chính mình cũng không hiểu được rất khó diễn tả thành lời nhưng chúng khiến mình trải qua quãng thời gian ngập màu u tối. Khi trưởng thành mới biết có nhiều người giống mình nhưng họ không bộc lộ ra”, Vỹ nhớ lại.

Dần dần dù phủ nhận nhưng cô bạn vẫn thu thập kiến thức về người đồng tính. Cô tham gia các hội les, ban đầu mới mục đích tìm kiếm chính mình. Tuy nhiên, càng về sau cô bạn càng hòa vào cuộc sống đến tưởng tượng cũng không dám. Càng biết nhiều, Vỹ càng lo sợ.


Ngày Vỹ nuôi tóc dài.

“Bố mình là bộ đội sống có quy tắc. Họ hàng lại không có người trong giới đồng thời LGBT ngày đó hay có tiếng xấu nên bố mẹ không thích chứ không kỳ thị. Nhưng bấy nhiêu thôi cũng khiến mình bất lực khi đứng giữa ngã 3 đường, một bên là sự yêu thương của gia đình, bên kia là sống với con người thật sự”, Vỹ buồn rầu nói.

Thời gian trôi qua, Vỹ đả thông tư tưởng của mình bởi nếu không “đấu tranh” thì không bao giờ có được hạnh phúc. Mọi tính cách, hành động thể hiện xu hướng tính dục, cô nàng gốc Ninh Bình luôn cố gắng thực hiện để gia đình dần quen. Thế nhưng tất cả đều không có kết quả!

Quỳ trước bàn thờ tổ tiên để hối lỗi

Nghĩ đến chuyện này, nhiều người trong cộng đồng đều không tự chủ mà rơi nước mắt. Nếu họ là đứa con tật nguyền thì có lẽ bố mẹ sẽ yêu thương chứ không chối bỏ như hiện tại. Mong muốn bước đến gần để gia đình hiểu nhưng càng tiến lại gần, Vỹ lại càng bị đẩy ra xa, giống như cô bạn không thuộc về thế giới này.


Cuối năm lớp 12, Vỹ quyết định come out.

Năm lớp 12, khi đã đủ trưởng thành nhận biết mình là ai, Vỹ đã quyết tâm đối diện với gia đình. “Quyết tâm nhiều lắm nhưng mình sợ bố mẹ sốc. Mình dần thể hiện tính cách giống con trai. Mình nuôi tóc dài từ nhỏ vì bố không cho cắt kể từ ngày ấy, mình lén cắt từng chút một. Cuối năm lớp 12, mình đã lấy hết can đảm nói: 'Con thích con gái' với bố mẹ. Họ không tin, họ nghĩ mình bệnh và liên tục mắng chửi”, Vỹ ngậm ngùi.

Áp lực càng cao, Vỹ và bố mẹ giống như người xa lạ sống dưới một mái nhà. Vỹ quyết định bỏ đi để thể hiện quyết tâm của mình. Lần đầu tiên bỏ nhà đi từ lúc sáng sớm, cô bạn chạy bộ 3km để tìm xe ôm, sau đó chạy lang thang khắp Bình Dương. Bạn bè thấy vậy đều nhắn tin chửi: “Mày bỏ công sức học 12 năm giờ còn mấy tháng nữa thi tốt nghiệp mà không cố gắng nốt. Mày định bỏ hết như vậy à?”. Dù tiếc quãng thời gian miệt mài học tập nhưng vì được sống là chính mình, Vỹ vẫn bỏ xuống Đồng Tháp chơi và tìm việc làm thêm kiếm sống.


Sau 3 năm come out, bố mẹ Vỹ vẫn chưa thực sự đồng ý.

Bốn ngày trôi qua, bố mẹ tìm kiếm Vỹ khắp nơi, thương bố mẹ nên cô bạn nghe máy. “Bố đã đi xe máy từ Bình Dương xuống Đồng Tháp để đón mình về. Đến nhà, mẹ khóc và nói: 'Bố khóc nhiều lắm! Ngày ông bà nội mất, bố không khóc mà con đi bố khóc. Đêm bố mẹ đều không ngủ được. Mình nghe rất buồn nhưng bố mẹ vẫn không hiểu'".

Sau lần đầu tiên bỏ đi về nhà, cô bạn bị bố mắng chửi suốt ngày, thậm chí bố mẹ còn bắt quỳ trước bàn thờ tổ tiên để xin lỗi ông bà. Cố gắng hoàn thành kỳ thi lớp 12, Vỹ tiếp tục bỏ nhà đi. Lần này, từ một cô gái dịu dàng, Vỹ trở thành một tomboy cá tính. Ngày ấy, cô giáo chủ nhiệm liên tục khuyên cô bạn quay về thi tốt nghiệp. Tâm trạng bất an, đấu tranh dằn vặt vừa thương gia đình vừa tự trách tại sao bố mẹ sinh con ra lại không hiểu, quãng thời gian ấy với Vỹ giống như ở địa ngục.

Gần ngày thi tốt nghiệp, cô bạn trở về lần này bố cũng xuống tận nơi đón. Cô bạn sinh năm 1997 thẳng thắn thể hiện mình hơn nhưng gia đình vẫn không tin. Họ nghĩ con mình dại dội nên bị dụ dỗ, bỏ bùa.

“Mẹ nói: 'Trả lại con cho mẹ' hay 'Mẹ muốn con bé mãi'. Mẹ viết thơ từ kinh phật sửa lại cho giống hoàn cảnh của mình rồi dán đầy lên tường như bùa chú. Bố luôn miệng nói mình bệnh. Tất cả áo nịt mình mua về, mẹ quăng hết vào thùng rác. Mình liên tục phải quỳ gối trước bàn thờ và xin lỗi ông bà. Lúc ấy, mình bị trầm cảm. Sau đó, mình cố gắng thi xong và quyết định ra sống tự lập”.


Vỹ và người yêu.

Đã 3 năm kể từ ngày ra ngoài sống, cô nàng tomboy đã một mình bươn chải, kiếm sống và độc lập kinh tế nhưng bố mẹ vẫn chưa tin. Vỹ cho biết luôn hạn chế về nhà để bố mẹ bớt buồn. Vỹ sợ nhìn thấy giọt nước mắt luôn thường trực của mẹ, cơn thịnh nộ của bố.

“Không biết bao lâu nữa, bố mẹ sẽ hoàn toàn chấp nhận mình. Đi làm xa nhà, mình thấu hiểu suy nghĩ của họ nhiều hơn. Tại sao một người con sinh ra nuôi nấng bình thường lại như vậy? Họ sốc và mình cũng buồn. Nhưng biết làm sao khi sinh ra đã vậy, giờ mình đang quen một cô gái. Mình đã dẫn về ra mắt bố mẹ nhưng họ vẫn luôn mong mình hồi tâm chuyển ý. Thôi thì cố gắng tiếp vì đám cưới của cả hai, mình hạnh phúc, bố mẹ sẽ hiểu. Tương lai, mình sẽ sinh con vì sợ cô ấy đau lắm!”, Vỹ tâm sự.

Theo Saostar


hotface cộng đồng LGBT người đồng tính

Tin tức mới nhất