Câu đố Tiếng Việt: Vì sao từ 'do dự' chỉ người thiếu quyết đoán?

Đố bạn, nguồn gốc sâu xa của từ "do dự" là gì?

Đa số chúng ta đều cho rằng "do dự" là một từ láy. Điều này còn được ghi nhận trong một số tài liệu. Từ điển từ láy Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa: "Do dự: Chưa quyết định dứt khoát làm hay không vì còn nghi ngại. Ví dụ: Thái độ do dự".

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu sâu về nguồn gốc, ta sẽ thấy "do dự" vốn là một từ ghép Hán Việt, được viết bằng hai chữ. Trong đó, chữ "do" là tên một giống khỉ, còn "dự" nghĩa là "con voi lớn".

Như vậy, "do dự" được hình thành bởi việc ghép tên hai loài sinh vật, cũng giống như nhiều từ khác như: Hổ báo, ong bướm, mè nheo,…

Nhưng vì sao khỉ và voi lại dùng để chỉ tính chần chừ, nghi ngại, không dứt khoát? Đây quả là một câu đố "hack não", gần như chẳng ai trả lời được.

Trong Hán Việt từ điển của Thiều Chửu có giảng: "Do dự" là tên hai loài thú có tính đa nghi. Vì thế nên người nào làm việc thiếu tính quyết đoán sẽ được gọi là "do dự".

Như vậy, cả từ "do" và "dự" đều là những giống loài đa nghi, thiếu tính quyết đoán nên mới được chọn để chỉ sự ngần ngại, băn khoăn của con người.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, người ta dần quên đi nghĩa gốc và vô hình trung đưa "do dự" từ từ ghép sang từ láy. Hiểu chính xác thì "do dự" phải là một từ ghép.

Tiếng Việt thật phong phú và đa dạng phải không nào? Để biểu thị một sự việc/vấn đề, có nhiều cách diễn đạt khác nhau, trong đó có cả những từ cổ mà chúng ta không biết.

Đúng là "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Đây cũng là lý do khiến người nước ngoài phải "vò đầu bứt tai" mỗi khi học Tiếng Việt.

Ngữ nghĩa Việt Nam rất khó học, có sự khác biệt giữa vùng miền, ngay chính người Việt cũng chưa thể hiểu hết được.

Trong Tiếng Việt còn rất nhiều trường hợp như vậy. Chẳng hạn như:

- Nghèo rớt mồng tơi: Không phải là loại rau mồng tơi như mọi người vẫn nghĩ. Ở đây, từ "mồng tơi" là bộ phận của chiếc áo tơi.

- Chuột rút: Đây là một cách nói bắt nguồn từ phương Tây, dựa trên sự đồng âm của "chuột" và "bắp thịt". Trong miền Nam, hiện tượng này còn được gọi là "vọp bẻ".

- Ông xã, bà xã: Xuất xứ của chữ "xã" dùng để gọi vợ hoặc chồng chỉ người tâm phúc, cùng chí hướng. Tình cảm đó chỉ vợ với chồng mới có được.

Trong Tiếng Hán, chữ "xã" bao gồm chữ "thần" (tức là tình cảm, tâm linh) kết hợp với chữ "thổ" (tức là đất, chỉ tài sản và vật chất). Triết học phương Đông xem mỗi con người là một thế giới, cần phải hội tụ cả tâm linh lẫn vật chất.

- Mít ướt: Vốn là tên của một loại mít có múi mềm nhão. Về sau, được dùng để chỉ những người hay khóc.

Theo Phụ Nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/cau-do-tieng-viet-vi-sao-dung-tu-do-du-de-chi-nguoi-thieu-tinh-quyet-doan-20221107102503966.htm

tiếng việt

Tin tức mới nhất