Chàng trai thoát chết kỳ diệu sau hai thảm họa thế kỷ: 11/9 và khủng bố Paris

Năm 2001, Matthew suýt chết trong vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại Mỹ. 14 năm sau, anh lại một lần nữa thoát khỏi tử thần sau vụ khủng bố vào nhà hát Bataclan, Paris.

Matthew, 36 tuổi, vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi chứng kiến vụ khủng bố tại nhà hát Bataclan, Paris, Pháp tối ngày 13/11 khiến 89 người thiệt mạng. Anh cũng có mặt trong nhà hát khi vụ tấn công xảy ra. Thậm chí, Matthew đã bị bắn vào chân nhưng anh vẫn cố gắng tự cứu lấy mình.

Không giống như mọi người, khi nghe thấy tiếng súng, Matthew đã biết có chuyện không lành: “Có lẽ đó là văn hóa Mỹ trong tôi”. Và Matthew đã chạy đến cửa ra ngay lập tức. Tuy nhiên, anh vẫn bị trúng đạn vào chân và ngã xuống cùng với nhiều người khác.
 
Matthew đã sống sót qua hai thảm họa khủng bố của thế giới: Vụ 11/9 và khủng bố Paris.

Mỗi khi nghe thấy tiếng những kẻ khủng bố nạp đạn, Matthew lại lết dần về phía cửa ra. Đến khi thoát khỏi hội trường nhà hát, Matthew gục ngã trên phố vì kiệt sức: “Tôi nhích về phía trước từng centimet. Lúc đó, tôi thấy cửa ra ở ngay tầm tay. Tôi với lấy nó bằng một ngón tay và cố hết sức bò ra ngoài”.

May mắn thay, đúng lúc đó nhà báo Daniel Psenny của tạp chí Le Monde đi qua và đã cứu sống anh. Lúc đó, Psenny đang đi quay phim cuộc tấn công trên đường phố xung quanh đó.

Psenny cũng là người đã quay cảnh người phụ nữ mang thai cố gắng thoát khỏi cuộc tàn sát gây chấn động thế giới trong những ngày sau đó.

Matthew (trái) và ân nhân của mình, nhà báo Psenny trong bệnh viện.

Psenny nói rằng, lúc đó ông nghĩ cuộc tấn công đã qua. Ông mở cửa ra ngoài và phát hiện Matthew đang nằm trên vỉa hè. Psenny cùng một người đàn ông khác, mặc đồ đen, kéo Matthew về căn hộ của mình.

“Tôi đã phải giả chết”, Matthew nói. “Khi tôi thấy có người đang kéo tay tôi đi, tôi còn không dám nhìn lên”. Trong lúc cứu Matthew, nhà báo Psenny cũng bị bắn vào tay.

“Tôi thấy có gì đó ấm chảy trên người tôi. Sau đó tôi nghe tiếng chửi thề và tiếng súng lại vang lên”, Matthew nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng đó.

Bất chấp nguy hiểm, nhà báo Psenny đã cứu mạng Matthew ngay gần
hiện trường vụ khủng bố.


Nhà báo Psenny nói rằng, ngày thường ông có thể liên lạc ngay với đồng nghiệp, cảnh sát hoặc cứu hộ bằng điện thoại. Nhưng đúng hôm đó, khu vực bị phong tỏa và họ bị mắc kẹt. Hai người bị thương chỉ biết nhờ cậy vào hàng xóm và tự cầm máu qua lời khuyên của bác sĩ .

“Máu chảy không ngừng. Matthew nhợt nhạt và nôn mửa. Nhưng chúng tôi không dám ngất", Psenny nói.

Phải đến 2 giờ sau, Mathew mới nhớ ra số điện thoại của vợ. Lúc đó, vợ anh đang ở nhà chăm con. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, hai vợ chồng đoàn tụ trong bệnh viện. Vợ Matthew phát khóc khi biết chồng mình vẫn an toàn.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Matthew thoát chết trong một vụ thảm họa khủng bố. Ngày 11/9/2001, khi cuộc tấn công vào tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York xảy ra, Matthew đang đứng ở ngay chân tháp Nam.

Matthew đã phải chạy hết tốc lực qua “một nửa Manhattan”, thoát khỏi những mảnh vỡ từ tòa nhà để tự cứu lấy mình. Tuy nhiên, Matthew cho rằng, vụ khủng bố tại Bataclan còn tồi tệ hơn vụ khủng bố 11/9 gấp nghìn lần.

Theo Afamily/ trí thức trẻ

Tin tức mới nhất