Bộ phim cách đây 20 năm bỗng "hot" trở lại một cách không ngờ với những đoạn phim và các nhân vật thú vị. Thế nhưng, Phía trước là bầu trời cũng đã nói lên nhiều nỗi khổ của sinh viên, không chỉ thời xưa mà vẫn đúng đến bây giờ.

Mới đây, cộng đồng mạng lại tiếp tục chia sẻ một tình huống xảy ra trong phim. Không phải là những tình tiết hài hước hay "bá đạo" như trước của các nhân vật mà lần này là một chi tiết khiến rất nhiều người suy nghĩ. Đó là nỗi khổ của những sinh viên đi làm thêm gia sư qua trường hợp của nhân vật Thương.


 

Thương là cô gái trẻ mới tốt nghiệp trường sư phạm, đang trong thời gian chờ xin việc. Cô nhận dạy thêm cho con của một gia đình giàu có. Tuy nhiên, cậu nhóc này không lo học hành, suốt ngày chỉ chơi điện tử khiến kết quả học tập sa sút. Thấy vậy, mẹ của cậu bé này đã yêu cầu gặp Thương để nói chuyện.

Trong cuộc nói chuyện, người phụ huynh đã mắng "xa xả" vào mặt Thương vì cô đi dạy trễ vài buổi, dù Thương có giải thích là đã xin phép trước đó và còn trừ hẳn tiền công của 1 buổi nhưng người phụ nữ vẫn tiếp tục mắng. Sau khi thông báo sẽ không thuê Thương dạy cho con mình nữa, phụ huynh này lại tiếp tục lên mặt dạy đời Thương. Thậm chí bà ta còn đụng chạm đến bố mẹ Thương "không dạy dỗ con" khiến cô bị tổn thương lòng tự trọng, bỏ về luôn mà không cầm số tiền công còn lại.

Khi Thương vừa bước vào nhà, người phụ nữ đã cất lời: "Thứ nhất, sau 2 tháng cô đến dạy con tôi học thêm môn tiếng Anh, học lực của nó không tiến bộ được là mấy. Thứ 2, tôi chấp nhận trả tiền cho cô là để cô đến dạy cho con tôi, chứ có phải dạy không công đâu mà cô thích đến thì đến, thích nghỉ thì nghỉ. Con tôi nó học hành có giờ giấc quy định, cô đến muộn khiến nó phải vật vờ chờ, rất là mất thời gian và cảm hứng tiếp thu bài. Đây là lần thứ 4 rồi".


Người phụ huynh liên tục nói Thương bằng thái độ rất khó chịu

Biết mình sai khi đến muộn, Thương cũng cúi đầu xin lỗi và giải thích: "Cháu xin lỗi, cháu đi nộp hồ sơ xin việc nên đến muộn. Cháu sẽ dạy bù cho em. Những lần trước cháu đều gọi điện xin phép đến muộn, và đến cuối tháng, cháu đã trừ hẳn 1 buổi tiền công dạy. Cô thông cảm, cháu cũng có những công việc đột xuất khác".

Thấy con mình kết quả học tập không như ý muốn, lại thêm việc cô giáo hay đến muộn, người phụ nữ vẫn kiên quyết sẽ không thuê Thương làm gia sư cho con mình nữa. Khi bà ta hỏi số buổi còn lại để trả tiền công, Thương trả lời: "Hình như là 3 ạ". Câu trả lời này lại khiến người phụ nữ được dịp giáo huấn tiếp:

"Đấy, cô có để tâm vào công việc dạy học đâu? Dạy mấy buổi mà cô cũng không nhớ chính xác. Thôi, tôi cũng tin là 3 buổi, vị chi là 90.000 đồng.

Các cô còn trẻ, không ý thức được những điều mình đang làm, nên cứ nghĩ đơn giản, mọi thứ tự nhiên sẽ có. Sống xa gia đình, bố mẹ không dạy dỗ thường xuyên, nên nhiều cái quá đà, không biết tôn trọng đồng tiền là gì?

Nếu cô còn tiếp tục làm gia sư cho nhà người khác thì phải học cách sống cho có đạo lý, tôi có thương thì mới nói để cô rút kinh nghiệm. Các cô mới ra trường, được người ta thuê cho là quý lắm rồi, cho nên phải luôn luôn ý thức là dạy như thế nào để khi ngửa tay ra nhận đồng tiền không thấy xấu hổ chứ".


Còn Thương thì chỉ biết ngồi cúi mặt chịu đựng

Cảm thấy lòng tự trọng của mình bị xúc phạm, Thương liền đứng lên chào rồi dắt xe ra về. Đồng thời, cô cũng không cầm số tiền lương 3 buổi còn lại.


Cuối cùng, cô bỏ về không cần tiền công vì mình và cả bố mẹ mình đều bị người ta đem ra nói không ra gì

Trích đoạn này đã gây ra nhiều ý khiến tranh luận. Một phần dân mạng tỏ ra đồng cảm, thấu hiểu với nỗi khổ gia sư của Thương vì mình đã từng trải qua chuyện tương tự. Một số khác thì lại cho rằng, tác phong đi dạy trễ của Thương khiến phụ huynh bực mình là đúng, dù lời lẽ của phụ huynh này có chút khó nghe nhưng đó đều hoàn toàn là sự thật.

Dân mạng M.A bình luận: "Ai đã từng đi làm gia sư đều hiểu, nếu con nhà người ta không đạt kết quả như ý muốn thì tội trạng gì cũng đổ lên đầu gia sư. Mặc dù lý do học sinh không tăng kết quả còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ khác".

Tài khoản T.N lại không đồng tình: "Dù phụ huynh này có thái độ hơi khó chịu, nhưng mình thấy những lời bà ấy nói là đúng. Kể cả có việc riêng nhưng khi đã nhận dạy là phải có trách nhiệm đúng giờ, đúng buổi với học sinh. Ví dụ nhà các bạn thuê gia sư mà con cái không tiến bộ trong học tập, trong khi mất tiền thuê thì các bạn có bực không?"

Hiện tại, dân mạng đang có khá nhiều tranh cãi về tình huống này. Tuy nhiên, dù sao thì đoạn phim cũng đã khắc họa được rất rõ hoàn cảnh và nỗi khổ của nhiều bạn trẻ đi làm gia sư.
 


Theo Báo Đất Việt