Chuyện lạ: Gia đình tuyệt giao với thế giới bên ngoài gần 20 năm

Nhiều năm nay họ cấm cửa không cho ai tiếp cận ngôi nhà của mình. Ai đó bước chân vào gần cổng sẽ bị chặn lại bởi hai người ăn mặc rất giống với lính tốt thời kỳ phong kiến.

Thông tin về một gia đình ở xã Thành Vân (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) sống như thời kì đồ đá – không giao lưu với xã hội bên ngoài, không dùng điện, nước sạch, mặc quần áo kì dị... khiến chúng tôi tò mò, quyết định về Thanh Hóa để tìm hiểu những bí ẩn về gia đình kỳ lạ này.

Ông Thái ăn mặc kì lạ, đầu đội nón lá tự làm, bên trong là mũ kết bằng những sợi nhựa nhìn như binh lính ngày xưa
Ông Thái ăn mặc kì lạ, đầu đội nón lá tự làm, bên trong là mũ kết bằng những sợi nhựa nhìn như binh lính ngày xưa

Cách Quốc lộ 45 khoảng 1km, đền Bùi nằm trong khuôn viên của nông trường Thành Vân, nơi có “khu vườn huyền bí” của gia đình sống tách biệt gần 20 năm nay. Đi sâu vào một đoạn, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Trọng, sống cách nhà bà Thành 200m. Ông cho biết: "Nhà tôi là hàng xóm nhà bà ấy nhưng nhiều năm nay tôi không thấy bà ấy cũng như mấy đứa con, hàng xóm không ai tiếp cận được".

Trước kia, nhà bà ấy kinh tế khá giả, làm ăn phát đạt nhất khu này. Nhưng không biết làm sao mà cả nhà phải phục tùng theo ý bà, mấy đứa con xinh đẹp, học giỏi tự dưng bỏ học, bán hết bò đi mua bát đĩa, lốp cao xu đốt ra lấy dây thép chăng khắp vườn nhà và mua lưỡi cày về cắm vào cây. Thỉnh thoảng, ông Thái (chồng bà Thành) vẫn đi chợ. Thời gian đầu cả nhà ăn chay, ăn đến nỗi bị phù nề khiến người con trai thứ hai mất mạng và được gia đình chôn ngay sau nhà”, ông Trọng kể.

Ông Trọng cảnh báo chúng tôi không nên tiếp cận ngôi nhà, rất nguy hiểm bởi bà Thành đã cho xây dựng hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt bao quanh vườn. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình bà Thành thường xuyên trốn trong các lùm cây, nếu có ai đột nhập vào nhà, họ lập tức xuất hiện với dao, gậy trên tay... xua đuổi, chém.

Nghe ông Trọng nói, chúng tôi cũng thấy rợn người. Đi thêm một đoạn thì gặp một người phụ nữ chạy xe máy qua, bỗng dưng chị dừng xe lại nói: “Có phải các anh muốn vào nhà bà Thành không? Để tôi dẫn vào”. Hỏi ra mới biết chị tên Thúy, vẫn làm vườn quanh khu nhà bà Thành nhiều năm nay.

Trước khi dẫn chúng tôi “đột nhập” vào “khu nhà kì bí”, chị Thúy dặn chúng tôi, nếu đi vào nhà thấy khóm cây nào đụng đậy phải ngay lập tức chạy cho an toàn. Các thành viên trong gia đình bà Thành tính tình kỳ dị nên họ có thể làm bất cứ thứ gì nếu ai đó “phá luật”, đột nhập vào "vùng cấm”.

Chị Thúy dẫn chúng tôi tiến sâu hơn vào khu vườn. Chúng tôi bắt gặp hơn chục người dân đang đứng trước đường dẫn vào khu nhà. Họ cho biết, nghe thông tin trên báo chí, thấy kì lạ nên họ thuê ô tô tới đây để tận mắt xem như thế nào. Một người nói: “Lúc chúng tôi vào, gần tới khu nhà thấy bóng dáng một người ăn mặc kì dị, cả đoàn chạy toán loạn”.

Biết thông tin nhà bà Thành sống cách biệt với xã hội gần 20 năm, người dân đánh cả ô tô đến xem
Biết thông tin nhà bà Thành sống cách biệt với xã hội gần 20 năm, người dân đánh cả ô tô đến xem hiện tượng kì lạ này

Ngập ngừng một lúc, tất cả gom lại thành một đoàn bắt đầu tiến vào. Chị Thúy đi đầu, từng người rón rén đi sau với khoảng cách khá xa so với chị Thúy. Họ vừa đi vừa sợ, bước từng bước một, ngó nghiêng xung quanh trong khi tay cầm điện thoại quay lại quang cảnh lối vào khu vườn.

Vừa đi, chị Thúy vừa gọi to “bác Thái, bác Thành ơi, cháu là Thúy đây, cháu mang ít hoa quả nhà trồng được mang biếu bác...”. Sau vài lần gọi không thấy ai trả lời, mọi người hơi sợ và hồi hộp, bỗng có tiếng của một người phụ nữ trong túp lều phát ra “không quen biết ai tên Thúy, không được vào”.

Vài phút sau, một người đàn ông có tuổi (chính là ông Thái, chồng bà Thành) bước ra. Cả đoàn dù đứng xa cổng cũng chực bỏ chạy, nhưng khi thấy ông Thái tiến ra nói chuyện với chị Thúy thì mọi người mới  dám tiến lại gần.

Trước mặt chúng tôi là một ông lão ăn mặc kỳ dị, đầu đội chiếc nón tự làm che kín nửa mặt, bên trong là mũ kết bằng những sợi nhựa nhìn như binh lính ngày xưa. Với vẻ mặt nghiêm nghị, ông nói: “Không có lệnh không ai được vào, người chỉ huy đang làm việc”.

Chị Thúy và chúng tôi ngỏ ý muốn vào nhà, hỏi thăm sức khỏe của bà và hai đứa con, ông nói: “Bà ấy chưa khỏe, không ai được vào”. Lúc này, từ trong nhà vọng ra tiếng nói “không ai được vào, tất cả ra hết đi” khiến mọi người đều sợ hãi. Vừa nghe ông Thái và chị Thúy nói chuyện, chúng tôi cố nhìn vào bên trong, chỉ thấy mấy túp lều thấp, rách nát nằm lọt thỏm giữa một rừng cây rậm rạp, không gian u tịch.

Một người phụ nữ đi cùng đoàn tò mò hỏi, sao trong khu nhà ông nhiều túp lều thế, ông Thái trả lời: “Làm nhiều túp lều để ở cho sướng, hôm nay ở túp lều này, mai ở túp lều kia. Nay chỉ mới sơ sơ cho mọi người biết một chút thôi, còn khi nào xong việc mọi người mới được vào". Ông Thái vừa nói vừa tiễn chúng tôi ra khỏi khu vườn.

Để tìm hiểu rõ hơn về gia đình bí ẩn sống gần như tuyệt giao gần 20 năm với xã hội, chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Dung (Bí thư chi bộ Trạm bảo vệ rừng Thành Vân). "Trước kia khi còn là công nhân lâm trường, gia đình nhà bà Thành rất thân thiết với gia đình nhà tôi. Lúc cả nhà bà Thành quyết định sống tuyệt giao với mọi người, vợ chồng tôi sang khuyên nhủ nhưng không được. Đến Tết, chúng tôi vẫn mang quà sang thăm hỏi gia đình họ", bà Dung cho biết.

Theo lời bà Dung, nhà bà Thành trước kia khá giả nhất vùng. Bà Thành nhanh nhẹn tháo vát, 2 đứa con trai khôi ngô, con gái rất xinh đẹp. Từ năm 2001, bà Thành bắt đầu thay đổi tâm tính, bán hết bò đi mua bát đĩa, lưỡi cày về nhà đem chôn xuống vườn.

Thấy việc làm của bà kì dị nên người trong xóm đến xem rất đông, nhưng các thành viên trong gia đình nhà bà xua đuổi và cho rào cổng lại, cán bộ lâm trường đến khuyên nhủ cũng bị thành viên trong gia đình cầm hung khí xua đuổi.

Bà Thành còn tháo dỡ ngôi nhà lớn để làm vật liệu dựng nhiều ngôi nhà nhỏ có hình dáng kì dị khắp vườn. Từ đó, không ai dám đến gần khu vườn nhà bà Thành. "17 năm nay, tôi cũng như nhiều người dân không thấy bóng dáng bà Thành. Nhà bà Thành có 3 người con nhưng giờ chỉ còn 2. Con trai thứ hai của bà mất năm 2005. Đến bây giờ, sau nhiều năm, tôi vẫn không hiểu không biết vì sao gia đình nhà bà Thành lại sống như vậy", bà Dung kể.

Tìm đến trụ sở UBND xã Thành Vân, chúng tôi được ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch xã cho biết: "Gia đình bà Thành, ông Thái đã chuyển hộ khẩu về Nga Sơn hơn chục năm nay. Họ thuộc quản lý của Lâm trường Thạch Thành nên chúng tôi không có chức năng quản lý về mặt hành chính. Vì gia đình cư trú ở đây nên chúng tôi chỉ quản lý về tạm trú tạm vắng, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn đến thăm, tặng quà nhưng nhà bà Thành không nhận.

Những biểu hiện lạ lùng nhà bà Thành chúng tôi đều biết nhưng không có cách xử lý, bởi họ không làm ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh. Chúng tôi không đủ thẩm quyền để bắt họ phải vào bệnh viện tâm thần chữa bệnh nếu gia đình họ không mong muốn, chỉ khi nào thấy thiếu người trong gia đình chúng tôi mới có quyền vào nhà kiểm tra”.

Theo Khám phá


kì lạ Thanh Hóa chuyện lạ

Tin tức mới nhất