Chuyện thú vị không phải ai cũng biết về quảng trường Ba Đình lịch sử

Ba Đình không chỉ là một địa danh nổi tiếng của thủ đô, chứng nhân lịch sử cho ngày khai sinh nước Việt Nam độc lập cách đây 7 thập kỷ.

Đó còn là nơi Bác Hồ kính yêu yên giấc ngàn thu, là niềm tự hào, xúc động của hàng triệu trái tim người Việt mỗi năm khi tới dịp Quốc khánh.

71 năm trước, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mỗi khi đi qua quảng trường Ba Đình lịch sử, ai cũng thấy lòng lâng lâng một cảm xúc khó tả. Phía sau công trình rộng lớn mang nhiều dấu ấn quan trọng này, là những điều thú vị nho nhỏ không phải ai cũng rõ.

Sáng Ba Đình lịch sử ngày 2/9 cách đây 71 năm.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập trong nước mắt xúc động tự hào của hàng triệu người dân Việt Nam.


Ai đã đặt tên cho quảng trường Ba Đình?

Nhắc đến quảng trường Ba Đình thì các em nhỏ lớp 1 cũng biết, song, nguồn gốc và tên gọi của nó có ý nghĩa như thế nào thì không phải ai cũng hiểu biết tường tận.

Địa danh Ba Đình gắn liền với hai danh tướng Trần Xuân Soạn và Đinh Công Tráng, hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp theo hịch của vua Hàm Nghi. Họ chọn căn cứ kháng chiến là vùng đất thuộc 3 làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mỹ Khê (vì mỗi làng có một ngôi đình, từ làng này có thể nhìn thấy đình của hai làng kia) nên gọi là căn cứ Ba Đình, nay thuộc xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Sáng 21/7/1887, quân Pháp chiếm được cứ điểm Ba Đình. Sau khi ra sức tàn phá, chúng còn bắt triều đình nhà Nguyễn phải xóa tên 3 ngôi làng trên bản đồ hành chính.

Bác sĩ Trần Văn Lai - người có công lớn thay đổi tên gọi một loạt địa danh ở Hà Nội, đặc biệt là quảng trường Ba Đình.

Nhiều người lâu nay vẫn lầm tưởng quảng trường là do Bác Hồ đặt tên. Nhưng người đặt tên Ba Đình đầu tiên lại là một nhân vật khác. Đó là bác sĩ Trần Văn Lai - Thị trưởng (Đốc lý) đầu tiên và duy nhất của thành phố Hà Nội thời chính phủ Trần Trọng Kim. Trong một tháng cầm quyền ngắn ngủi, ông đã làm được hai công việc vĩ đại là dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ hành chính và thay tên Việt cho hầu hết các địa danh ở Hà Nội, trong đó có việc đặt tên cho quảng trường Ba Đình trước Lăng Bác.

Nhà văn Thái Vũ, người viết hai cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng về sự kiện khởi nghĩa Ba Đình, trong thư gửi nhà báo Xuân Ba đã tự nhìn nhận lại việc nhầm lẫn người đặt tên cho quảng trường Ba Đình suốt 50 năm rằng: “Cuộc khởi nghĩa Ba Đình của nghĩa quân Đinh Công Tráng không hiểu sao luôn ám ảnh tôi? Năm 1958, hồi còn học đại học, tôi dự tính sẽ viết tiểu thuyết lịch sử về Ba Đình. Viện trưởng Viện Sử học Trần Huy Liệu rất đồng tình. Thầy giáo tôi, cụ Đặng Thai Mai cũng như cụ Lê Thước đều khuyến khích và ai cũng nghĩ tên Quảng trường Ba Đình là do Bác Hồ đặt (có cả ý kiến của đồng chí Trường Chinh nữa).

Viết mà vẫn áy náy về tên Quảng trường Ba Đình do ai đặt… Mãi đến bây giờ khi đọc báo Tiền phong Chủ nhật, số 34, ra ngày 24/8/2003, tôi rất mừng khi biết được người đặt tên Quảng trường Ba Đình là bác sĩ Trần Văn Lai”.


Quảng trường Ba Đình hiện tại, gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân thủ đô.

Năm 1945 tên gọi Ba Đình được đặt cho vườn hoa ngã sáu phía sau vườn bách thảo.

Năm 1959, tên gọi Ba Đình được đặt cho một trong tám khu phố nội thành của Hà Nội. Năm 1981, khu phố Ba Đình được đổi tên thành quận Ba Đình như hiện tại.

Chuyện những người trồng cỏ trước Lăng Bác

Quảng trường Ba Đình nhìn từ trên cao.

Quảng trường Ba Đình từng nằm trong phạm vi Hoàng Thành Thăng Long. Là quảng trường lớn nhất Việt Nam, nằm trên đường Hùng Vương và ở trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quảng trường Ba Đình ngày nay có chiều dài 320m, rộng 100m, với nhiều ô cỏ lớn, xen giữa là lối đi rộng 1,4m. Giữa quảng trường là cột cờ cao 25m.

Có một điều thú vị là lâu nay nhiều người vẫn tranh cãi chuyện quảng trường Ba Đình thực chất có bao nhiêu ô cỏ? 240, 168, 169, hay 176? Mỗi tài liệu khác nhau lại đưa ra số liệu khác nhau, tuy nhiên con số 240 vẫn được thừa nhận nhiều hơn.

Cách đây 16 năm, trong vòng 3 tháng, các ô cỏ với tổng diện tích 20.000 m2 ở quảng trường Ba Đình (Hà Nội) đã được trồng lại trên quy mô lớn. Hàng triệu lượt khách đến viếng Lăng Bác đã được chiêm ngưỡng một màu xanh mát mắt của giống cỏ lá gừng nội địa, nhưng ít ai biết người cung ứng toàn bộ cỏ và phụ trách kỹ thuật trồng cho công trình là một nghệ nhân cây cảnh miền Nam: ông Nguyễn Văn Hòa, chủ cơ sở hoa kiểng Xuân Hòa (phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Bãi cỏ lớn trước Lăng Chủ tịch là nơi chứng kiến biết bao sự kiện quan trọng của đất nước, được chăm sóc hàng ngày rất cẩn thận.

Sinh ra ở vùng sông nước Nam Bộ, Nguyễn Văn Hòa sớm làm quen với những vườn ươm cây ăn trái và hoa kiểng xanh rợp trên đất Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre) quê mình. Thế nhưng, “học nghề của các nghệ nhân thời ấy khó lắm vì họ không muốn ai thừa kế, với lại, hoa kiểng là một nghề chơi khó tính, rất kén người”. Thế là chàng trai nghèo 16 tuổi nảy ra ý định... “ăn cắp” nghề, ngày nào cũng la cà vào vườn kiểng của nghệ nhân Nguyễn Văn Sông, vờ như chỉ là một thằng bé tò mò, rồi dần dần trở thành người phụ việc. Sau 2 năm, Hòa đã tiếp thu từng ngón nghề của lão nghệ nhân.

Cột mốc đánh dấu sự nghiệp của Nguyễn Văn Hòa là vào năm 1990, ông cùng vợ con khăn gói lên Thủ Đức (TP. HCM) tìm kế sinh nhai.Vận may đã đến với ông trong thời gian làm công nhân trang trí tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. HCM. Trình độ tay nghề và con mắt nghệ thuật của Nguyễn Văn Hòa đã được một cán bộ phát hiện. Ông được cử làm chỉ huy trưởng phụ trách phần trang trí cây xanh, hoa kiểng cho đến ngày khánh thành nghĩa trang.

Có rất nhiều con người ngày đêm âm thầm làm đẹp cho quảng trường, để nó luôn xanh sạch.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoà từng nhận lời thi công nhiều công trình lớn nổi tiếng, nhưng sự kiện đáng nhớ nhất, tự hào nhất với người đàn ông ngoại ngũ tuần này là được mời làm công trình trồng cỏ cho Lăng Bác vào năm 2000. 18.000 m2 cỏ gừng được cho vào những vuông sọt, chất đầy mấy toa xe lửa chuyển từ ga Sóng Thần ra Hà Nội, ông Hòa cũng thân chinh đi theo để chăm sóc cỏ suốt hành trình dài. Đó có lẽ là hành trình kỳ diệu nhất, xúc động nhất trong cả cuộc đời ông.

“Được trồng cỏ cho Lăng Bác là một vinh dự cao quý, tôi đã dốc hết tâm lực để có được hiệu quả tốt nhất. Tôi cảm thấy rất vinh dự vì đã đóng góp công sức của mình vào một công trình lịch sử giàu ý nghĩa của đất nước”, ông Hoà xúc động chia sẻ.

Trên nền đất phù sa mang về từ những vùng châu thổ sông Hồng, những ô cỏ lá gừng đã mọc lên xanh tốt. Ban quản lý Lăng thường xuyên liên lạc hỏi han kỹ thuật chăm sóc cỏ, ông Hoà cũng thỉnh thoảng đáp máy bay ra Hà Nội để hướng dẫn phun thuốc. Giá trị kinh tế từ công trình mang lại cho ông không nhiều, nhưng những lá thư khen ngợi từ khắp nơi gửi về chính là món quà tinh thần lớn nhất đối với ông. Người đàn ông này đã âm thầm đứng sau việc chăm sóc cho diện mạo quảng trường, là một trong số những con người ngày đêm lặng lẽ cống hiến cho mảnh đất thiêng liêng của thủ đô, biểu tượng tự hào dân tộc ngày Quốc khánh hàng năm.

Nguồn: Tổng hợp
Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất