Cô giáo trả phong bì vì miếng xà bông của trò nghèo 'đợi con làm giám đốc'

Dù nghe có vẻ lý thuyết nhưng cô H. tin, bày tỏ tình cảm hay tri ân với người thầy, tôn sư trọng đạo không cần dùng đến quà cáp hay phong bì.

15 năm đi dạy, đến nay cô H. - giáo viên bậc THCS ở quận 7, TPHCM - có hơn 10 năm từ chối nhận quà cáp, phong bì của phụ huynh ở trên lớp cho tới phụ huynh, học sinh tặng riêng.

Cô H. kể, hồi mới ra trường đi dạy, đến ngày lễ lạt, đặc biệt dịp 20/11, cô nhận được rất nhiều quà cáp, có cả phong bì từ phụ huynh, học sinh. Có những lần, quà cáp cô treo kín xe, nhiều khi phải thuê xe ôm chở về.

Cô giáo trả phong bì vì miếng xà bông của trò nghèo đợi con làm giám đốc-1
Bức thư của giáo viên chủ nhiệm lớp 9 tại một trường THCS ở Củ Chi, TPHCM khi gửi lại phong bì cho phụ huynh sau ngày lễ 20/11 vừa qua (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).

Là con người ai cũng có lòng tham và mong cầu thứ tốt đẹp cho mình. Cô H. thừa nhận như vậy. Chưa kể, là giáo viên, như bao người, cô đã mặc nhiên cho rằng mình có thể nhận món quà đó từ người học, từ bố mẹ các em.

Nhưng trải qua nhiều năm làm nghề giáo, từ những món quà, tấm thiệp của học trò, cô H. dần dần nhận ra, nhiều gia đình, kể cả những phụ huynh, học sinh khó khăn cũng rất cố gắng cho ngày tết thầy cô.

Mùa 20/11 năm đó, cô nhận được món quà là một cục xà bông từ một em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất lớp. Em học trò học giỏi, ngoan ngoãn thường xuyên ăn sáng với cơm trắng chan nước tương hoặc mì gói. Cô hiểu, kể cả miếng xà bông không đáng bao nhiêu cũng là tiền dành dụm, tích cóp của đứa trẻ.

Chưa kể, trong hộp quà của em còn có tấm thiệp em tự vẽ, kèm tờ giấy trắng có dòng chữ: "Cô ơi, cô đợi con sau này làm giám đốc nha cô!".

Lúc đó, tự nhiên cô H. òa khóc nghẹn ngào.

Cô nghĩ rằng, món quà này chứa cả tấm lòng và cả nỗi tủi hờn của đứa trẻ nghèo giữa ngày vui của thầy cô; giữa ngày bạn bè, phụ huynh khác tặng hoa, quà nhộn nhịp. Cô H. giật mình tự hỏi, đâu chỉ có một em học sinh, còn biết bao nỗi tủi hờn như vậy?

Biết bao nhiêu đứa trẻ, phụ huynh có khi vì hoàn cảnh mà đành đứng "bên lề" ngày lễ lạt của thầy cô. Hay có những ông bố bà mẹ dù khó khăn nhưng cũng phải cố để cho con bằng bạn bằng bè trong việc "qua lại" với giáo viên.

Cô giáo trả phong bì vì miếng xà bông của trò nghèo đợi con làm giám đốc-2
Phụ huynh viết lời tri ân nhà giáo trong dịp lễ 20/11 (Ảnh: Hoài Nam).

Phong bì, quà cáp trong mối quan hệ thầy trò dù có được người nhận và cả người tặng lý giải với ý nghĩa tri ân, cám ơn, là tấm lòng thì ít nhiều cũng gây áp lực với học trò, gia đình các em.

Cô H. nhận thấy việc nhận quà cáp, phong bì của mình đã vô tình tạo nên sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục. Bất bình đẳng trong mối quan hệ thầy trò, quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên, và bất bình đẳng giữa học sinh này với học sinh khác.

"Cũng có lúc tôi nghĩ, mình nhận quà là nhận tấm lòng, mình vẫn sẽ đối xử với mọi học sinh như nhau. Nhưng tôi hỏi lại bản thân, có thật sự mình đối xử công bằng được giữa học sinh có bố mẹ 'đi' mình 1-2 triệu đồng, thậm chí hơn với một học sinh không quà cáp gì?

Tôi là người bình thường, tôi không làm được. Để làm được điều đó, với người khác tôi không biết nhưng với tôi, chỉ có cách không nhận quà cáp, phong bì của bất cứ phụ huynh, học sinh nào", cô giáo dạy văn trải lòng.

Từ đó, cô không nhận bất kỳ món quà, phong bì nào từ học sinh, phụ huynh nào. Vào đầu mỗi năm học, cô công khai nói rõ quan điểm của mình đến phụ huynh, học sinh.

Nhiều năm qua, món quà duy nhất cô H. nhận vào dịp lễ để lấy không khí là bó hoa từ Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, phong bì của ban này cô cũng gửi lại. Có phụ huynh còn "đột kích" đến tận nhà gửi quà, cô H. cũng tìm cách trả lại.

Cô giáo trả phong bì vì miếng xà bông của trò nghèo đợi con làm giám đốc-3
Tình cảm thầy trò không nhất thiết phải thể hiện qua quà cáp, phong bì (Ảnh: Hoài Nam).

Cũng có người nói cô cứng nhắc, làm màu nhưng với cô H., đó là lựa chọn. Cũng từ đó, trong vai trò là một phụ huynh, một người mẹ, cô H. tuyệt đối không bao giờ tặng quà cáp, phong bì giáo viên của con.

Dù nghe có vẻ lý thuyết nhưng cô tin, bày tỏ tình cảm hay tri ân với người thầy, tôn sư trọng đạo không cần dùng đến quà cáp hay phong bì.

Người thầy có thể hạnh phúc với nghề, đón nhận tình cảm từ học trò, phụ huynh mà không cần thông qua những món quà hay những chiếc phong bì.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc/co-giao-tra-phong-bi-vi-mieng-xa-bong-cua-tro-ngheo-doi-con-lam-giam-doc-20231125060425366.htm

học sinh yêu mến

Tin tức mới nhất