Có lẽ đã đến lúc bỏ tục thả cá chép tiễn Táo quân!

Cá vừa thả bị bắt lên ngay! Thả từ độ cao cả chục mét! Thả xuống nguồn nước bẩn. "Phương tiện" của ông Táo bị cuốn đầy nilon, tàn hương... Cứ như vậy, chúng ta thực sự đang phóng sinh hay sát sinh?

Qua cách nhiều người thực hiện tục thả cá chép ngày hôm qua (8/2, tức 23 tháng Chạp) mới thấy nó "phong phú" đến mức đáng sợ. Ngoài lượng túi nilon thả cùng cá tràn ngập sông hồ, cá chết hàng loạt ở những dòng sông ô nhiễm thì đoạn hồ này có người thả cá, đoạn kia có người vợt ngay mang ra chợ bán tiếp, thành ra cá chép "xoay tua" chẳng còn lạ lẫm! Mỗi năm, cứ 23 tháng Chạp đều lặp lại hình ảnh không đẹp ấy thì có lẽ chúng ta hãy nghĩ đến việc bỏ đi phong tục này, dù không dễ dàng.

Thả thế này sống sao?

Theo phong tục cổ truyền, 23 tháng Chạp hằng năm người Việt làm lễ cúng ông Công ông Táo (Táo quân). Ngoài mâm cỗ còn thêm tục thả cá chép xuất phát từ truyền thuyết Táo quân được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian theo dõi những việc làm thiện - ác của loài người và xong xuôi thì cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo.

Hình ảnh cúng cá chép sống rồi "phóng sinh" ở sông, hồ... dần trở nên quen thuộc với người Việt từ nông thôn tới thành thị nhưng thực tế không phải ai cũng có hiểu biết sâu sắc về phong tục cũng như thực hiện đúng.

Theo dõi cách người Việt thực hiện tục thả cá chép chủ yếu vẫn là làm theo "phong trào". Cá chủ yếu là cá vàng được nhân giống hàng loạt, thả xuống nước không chắc đã "phóng sinh" hay thành "sát sinh". Hơn nữa, do điều kiện công việc, nhiều gia đình cũng thay đổi về thời gian cúng ông Công ông Táo, thả cá theo "lịch" của gia đình mình chứ không phải "lịch" của Táo quân trong truyền thuyết.
 

Có lẽ đã đến lúc bỏ tục thả cá chép tiễn Táo quân!-1
"Phóng sinh" cá chép mà "cực nhọc" thế này thì thôi?!

Đơn giản nhất, đến chữ "thả" cá chép cũng đang bị thực hiện sai lệch. Nhiều người không phải thả cá mà đổ, ném, quăng cá từ trên cầu xuống sông hồ, tiện thể quăng luôn cả túi nilon chứa cá xuống. Hành động cho xong tay ấy chẳng những sai về phong tục, chuẩn mực mà còn làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

"Rơi như thế thì cá cầm chắc là toi mạng chứ chả còn hơi sức đâu nữa mà cõng Táo quân về chầu Ngọc Hoàng? Đa phần còn lại thì hay thả ở mấy hồ trong nội thành, hay sông Tô Lịch, Kim Ngưu (Hà Nội) hoặc kênh Nhiêu Lộc, Tàu Hủ... (Sài Gòn). Mà nước ở những chỗ đấy thì "sạch" phải biết. Cá chép nào sống nổi?! Thả xong một lúc đảm bảo ngửa bụng, thăng thiên. Lại khổ công nhân vệ sinh đi dọn", nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn gây chú ý với bình luận đầy thực tế.

Những ngày qua, tại Hà Nội, dòng sông Tô Lịch vốn dĩ đen đặc, bốc mùi càng thêm ô nhiễm khi thành địa điểm nhiều người dân chọn để thả cá chép. Ở dòng sông này kể cả thả cá sát mặt nước hay đứng trên cầu Khương Đình đổ cá xuống thì nhiều khả năng cá chết ngay khi xuống nước.

Giờ mới thành "mốt"

Trước kia, khi đời sống còn khó khăn, thức ăn khan hiếm, người Việt chủ yếu tự làm cá chép vàng mã và cúng. Thậm chí, có những gia đình thay vì cúng cá chép sống thì làm cá chép trong mâm cỗ cúng Táo quân.

Tục cúng cá chép sống chỉ được duy trì ở một số vùng quê gần ao hồ, sông suối với nguồn cá tự nhiên sẵn có. Bây giờ, khi điều kiện thuận lợi thì cúng, thả cá sống trở thành "mốt". Nhà nhà cúng cá, người người thả cá, các dịch vụ về cá cho ngày 23 tháng Chạp nở rộ, cá không còn là cá chép mà thay bằng cá vàng, được ship tận nơi.
 

Có lẽ đã đến lúc bỏ tục thả cá chép tiễn Táo quân!-2
Anh Tống Thế Anh - một hướng dẫn viên du lịch hưởng ứng cuộc vận động không thả túi nilon khi thả cá

Mới đây, không ít người còn tự "sáng tạo" ra việc "phóng sinh" ốc thay cho cá chép! Chi tiết này được bình luận chủ yếu ở góc độ hài hước trên các diễn đàn, mạng xã hội rằng: Táo quân bao giờ mới lên chầu Ngọc Hoàng được nếu cưỡi... ốc! Nhưng có lẽ những người thực hiện tục "phóng sinh" này lại có lý riêng khi quyết định dừng phóng sinh cá chuyển sang một sinh vật dễ sống, đỡ ô nhiễm khi chết hơn cá là ốc.

Ngoài nét đẹp văn hóa, tâm linh, trong tâm thức người Việt, "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa về tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. Bên cạnh đó, "phóng sinh" cá chép cũng thể hiện tinh thần từ bi, hiếu sinh quý báu của con người. Thế nhưng, từ nét đẹp phong tục đến cách thực hiện lại là một khoảng cách xa vời.

Với phong tục mang tính chất tín ngưỡng không phải nói bỏ thì có thể bỏ được nhưng suy cho cùng, hầu hết mọi phong tục đều xuất phát từ đời sống tinh thần con người nhiều hơn hiện hữu vật thể. Nếu một ngày kia, thay vì nhất nhất phải thả cá vào dịp cúng ông Công ông Táo mà chưa chắc đã là "phóng sinh" đúng nghĩa, con người hoàn toàn thay thế bằng những hình thức mang tính tượng trưng nhưng đảm bảo chiều sâu về văn hóa, phong tục cũng là việc nên khuyến khích.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền, lễ vật chỉ là một phần, quan trọng là sự thành tâm kính cẩn khi hành lễ.

Trong đời sống hiện đại, ngoài cá vàng (thay cho cá chép) được thả theo "phong trào", nhiều gia đình có điều kiện còn đốt cả điện thoại, siêu xe, biệt thự vàng mã... nhưng thẳm sâu nhận thức không hề hiểu biết về giá trị văn hóa, chiều sâu tâm thức, đời sống thì cũng bằng không!

Theo Gia Đình & Xã Hội


Ông Công ông Táo

Tin tức mới nhất