Có nên công khai danh tính “đại gia” mua dâm trong đường dây bán dâm nghìn đô?

Liên quan đến việc người mẫu, diễn viên trong đường dây bán dâm nghìn đô vừa bị công an TP. HCM triệt phá gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến được đặt ra xung quanh việc nên hay không công khai danh tính người mua dâm.

Ngày 15/4, dư luận khắp cả nước lại xôn xao chuyện người mẫu, diễn viên nằm trong đường đây bán dâm nghìn đô vừa bị công an TP. HCM bắt quả tang. Trên nhiều phương tiện thông tin đã trực tiếp đăng tải tên, tuổi, quê quán và cả hình ảnh những người mẫu, diễn viên vừa bán dâm vừa môi giới.

4 người mẫu - diễn viên tự do kiêm "tú bà" cùng bị khởi tố
về hành vi "môi giới mại dâm".

Tuy nhiên, nếu như việc công khai danh tính người bán dâm tường tận, rõ ràng thì việc công bố danh tính những “đại gia” mua dâm lại có phần nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Môi giới mại dâm là tội nằm trong một điều khoản luật quy định còn những quý ông mua dâm vẫn chưa bị ràng buộc bởi một điều luật nào cụ thể. Bao lý lẽ được đưa ra để "bảo vệ" quan điểm không công bố danh tính người mua dâm. Nào là, họ không phải là tội phạm, nào là sẽ ảnh hưởng đến bản thân, gia đình, con cái, rồi "áp lực xã hội" khiến người mua dâm nghĩ quẩn... 

Thậm chí, có người cho rằng, mua dâm không phải hành vi xấu bởi có những người vì hoàn cảnh mà phải giải quyết nhu cầu sinh lý. Người khác lại cho rằng, việc công bố danh tính là cần thiết vì một khi cầu giảm, ắt hẳn cung cũng giảm...

Liên quan đến việc xử lý tình trạng mua bán dâm, trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Anh Dũng, Công ty luật Đại Phúc (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm hành vi mua dâm (dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu) tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà sẽ bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. 

 Luật sư Trần Anh Dũng, Công ty luật Đại Phúc.

“Người  mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với người mua dâm được quy định tại điều 22 Nghị Định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 5 triệu đồng. Hành vi lôi kéo hoặc ép buộc người khác cùng mua dâm có thể bị phạt tiền lên tới 10 triệu đồng. 

Đối với người bán dâm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Người bán dâm là người nước ngoài thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất. Người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Trần Anh Dũng cho hay.

Theo luật sư Trần Anh Dũng, hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khác có liên quan đến mua dâm, bán dâm như: cung cấp địa điểm; dẫn dắt, dụ dỗ, che giấu, bảo kê, lôi kéo, ép buộc, cưỡng bức, khống chế, đe dọa mua bán dâm… chủ yếu được áp dụng bằng hình thức phạt tiền với mức xử phạt từ 1 triệu đồng cho đến 30 triệu đồng tùy vào tính chất, mức độ vi phạm. 

“Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì đối với tội chứa mại dâm căn cứ vào  tính chất, mức độ phạm tội mà người phạm tội có thể bị phạt tù từ một năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế từ một năm đến năm năm. Đối với tội môi giới mại dâm thì người phạm tội có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên tới hai mươi năm tù  và có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng”, luật sư Dũng dẫn.

Về vấn đề có luật nào công khai danh tính người mua dâm, luật sư Trần Anh Dũng cho hay: “Có thể thấy đây là vấn đề mà từ lâu đã được các cơ quan chức năng đưa ra thảo luận, lấy ý kiến và pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể nào đối việc công khai danh tính người mua dâm”. 

Người Mẫu H.Y sau thời gian "mất tích" được xác định
có vai trò môi giới mại dâm.

Qua đó, theo quan điểm cá nhân luật sư Trần Anh Dũng cho rằng: “Khi tiến hành xử lý vi phạm đối với người mua dâm, cơ quan chức năng cần tuân thủ các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính mà pháp luật đã quy định, đó là việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật. 

Mục đích của việc đưa ra các chế tài xử phạt đối với người vi phạm là để răn đe, giáo dục họ, giúp họ nhận thức được những sai lầm để sống tốt hơn chứ không phải đẩy họ vào con đường cùng rồi kệ họ muốn sống sao thì sống. Vậy nên cơ quan chức năng không cần thiết phải công khai danh tính người mua dâm, vì điều này có thể dẫn đến những hệ lụy không tốt đối với đời sống cá nhân, công việc của đương sự cũng như gia đình họ.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tâm lý, PGS-TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện xã hội học) cho rằng, chuyện có hay không công khai danh tính người mua dâm đã thông tin rất nhiều rồi. Chuyện công khai hay không công khai thì việc mua bán dâm vẫn tồn tại. 

“Tôi cho là việc công khai mua dâm chỉ giúp can thiệp chứ không chấm dứt được vì trong xã hội nhu cầu đó vẫn diễn ra. Người có tiền bằng mọi cách vẫn làm được để thỏa mãn nhu cầu. Còn nhìn nhận đó là tệ nạn hay không theo tôi cũng đã đến lúc thay đổi dần rồi, tôi cho rằng bản thân việc công khai danh tính người mua dâm cũng không giúp giảm được tình trạng mua bán dâm được bao nhiêu. Tuy nhiên việc công khai danh tính cũng nên làm nhưng có điều là thông tin phải chính xác, còn nếu khi thông tin không chính xác sẽ rất rắc rối, không sửa chữa được", PGS-TS. Trịnh Hòa Bình chia sẻ.

Chiều 17/4, cơ quan CSĐT công an TP. HCM vừa tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện bắt tạm giam 4 tháng đối với 5 người liên quan trong đường dây mại dâm cao cấp vừa bị triệt phá.

5 bị can bị khởi tố về hành vi "môi giới mại dâm" gồm Lê Bảo Lộc (SN 1973, quê Hậu Giang, tạm trú Q.5) và 4 người còn lại là 4 người mẫu, diễn viên tự do, tuổi từ 23 - 26 tuổi.

Bước đầu cơ quan công an xác định, Lộc là đạo diễn, tham gia điều hành công ty đào tạo người mẫu Gia Khang (trụ sở Q.8), quy tụ khá nhiều diễn viên - người mẫu, núp bóng công ty trên để hành nghề môi giới mại dâm cao cấp.

Khách của Lộc là đại gia ở nhiều tỉnh thành, quen biết qua nhiều nguồn khác nhau. Do đó khi khách gọi điện yêu cầu, Lộc ra giá 1.000 USD/ lượt rồi gọi điện điều các chân dài gắn mác người mẫu - diễn viên - ca sĩ đến tận khách sạn phục vụ khách.

Đáng nói, giá đi khách mà Lộc thông báo cho các cô gái bán dâm là 300 - 500 USD/ lượt. Tức là chỉ tốn cuộc điện thoại, Lộc đã thu lợi bất chính 500 - 700 USD.

4 người mẫu - diễn viên bị khởi tố cùng với Lộc được xác định, ban đầu là gái bán dâm theo sự môi giới của Lộc. Tuy nhiên chỉ 1 thời gian đi khách, 4 cô gái này tách ra làm ăn riêng, tự tìm mối đi khách và thành tú bà khi môi giới cho các chân dài khác kiếm thêm.

Giá đi khách các tú bà quy định là 1.000 USD/ lượt, chỉ trừ khách quen thì các cô này lấy giá hữu nghị 500 - 700 USD/ lượt. Các cô gái này giới thiệu mối qua lại và thu tiền công môi giới kể cả ăn chặn lẫn nhau, thực tế chân dài trực tiếp bán dâm chỉ hưởng được khoảng 300 - 500 USD/ lượt.

Trong chiều 7/4, công an bất ngờ kiểm tra 3 khách sạn trên địa bàn TP. HCM, đã bắt quả tang 6 cặp nam nữ đang mua bán dâm. Được biết, các cuộc mua - bán này do 4 chân dài nói trên được khách liên hệ đặt hàng rồi tự đi và môi giới cho đồng nghiệp cùng đi. Lộc không liên quan đến việc điều động chân dài trong chiều 7/4 nhưng cơ quan công an xác định, Lộc chính là "cá mập" trong đường dây mại dâm cao cấp, từng nhiều lần môi giới cho chân dài đi khách đại gia để hưởng lợi bất chính.

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất