Cốc cà phê sáng và lời nhắn gửi đẫm nước mắt của vợ

Khi lấy hũ đựng cà phê, tôi nhìn thấy một tờ giấy nhỏ được chặn bên dưới. Là chữ vợ tôi viết. Bức thư có những chỗ bị nhòe mực, có thể cô ấy đã khóc khi viết nó...

Tôi lấy vợ đến nay tròn 6 năm. Hai vợ chồng đều đã ngoài 30, là dân công sở nhưng tính chất công việc khác nhau nên vợ tôi thường đi sớm, còn tôi muộn hơn. Con gái tôi mới được 3 tuổi và đang gửi bên nhà bà nội.

Vợ tôi là một người không uống cà phê nhưng rất thích ngửi mùi thơm này. Từ khi lấy nhau, mỗi sáng cô ấy đều pha cho tôi một cốc cà phê đen đậm đặc và một cốc sữa nóng uống kèm.

Nhớ lần đầu tôi hỏi vợ, vì sao không pha lẫn sữa và cà phê cho dễ uống. Cô ấy bảo, uống như thế này mới thấm được hết hương vị của cà phê và của sữa. Nếu trộn lẫn thì đã không còn là nguyên chất nữa.

Dần dần, tôi có thói quen buổi sáng thức dậy vì mùi cà phê thơm phức bay khắp nhà và bắt đầu mỗi ngày bằng một cốc cà phê đắng ngắt, sau đó là một cốc sữa thơm ngậy.

Năm 2013, tôi được thăng chức thành giám đốc và phụ trách khu vực phía Bắc. Công việc khiến tôi phải đi tiếp khách và công tác nhiều hơn, chủ yếu là vào họp trong văn phòng phía Nam. Mỗi lần tôi đi, vợ tôi đều sắp xếp đồ đạc cho tôi và bỏ vào trong va ly một chiếc ảnh gia đình. Tôi biết điều vợ lo lắng, cũng đã tự dặn lòng không được làm điều gì tổn thương tới vợ con. Nhưng trong những cuộc vui có men say ấy, tôi cũng đã một lần lỡ bước.

Cám dỗ là cái gì đó rất khó nói. Rõ ràng bản thân không hề thích cô gái đó, nhưng khi cô ta mời mọc, tôi chẳng ngại ngần cùng đi vào khách sạn, cùng lên giường. Sáng sớm tỉnh dậy, tôi lặng lẽ lấy tiền, đặt trên bàn rồi bỏ đi trước khi cô ta tỉnh. Tôi cũng có chút hối hận, nhưng trong bụng thì nghĩ vợ tôi không biết được chuyện này, còn tôi thì sẽ quên nhanh chóng.

cà phê
Tôi biết điều vợ lo lắng, cũng đã tự dặn lòng không được làm điều gì tổn thương tới vợ con. (Ảnh minh họa)

Ngày hôm đó ở văn phòng phía Nam, tôi uống 3 ly cà phê do cô lễ tân pha và lần nào tôi cũng phải đổ đi. Cô lễ tân sợ hãi hỏi tôi có cần pha ly cà phê thứ 4 không, tôi đoán cô này cho rằng tôi khá khó tính nên bảo cô ta không cần nữa. Tôi không tìm thấy cái hương vị đắng ngắt giống cốc cà phê vợ đã pha.

Buổi tối trở về khách sạn, tôi gọi điện cho vợ, hỏi thăm vợ đang làm gì nhưng vợ tôi không bắt máy. Cả đêm gọi 5 cuộc, đều không được. Tôi lo lắng gọi cho mẹ tôi dò xem vợ có sang bên đó không thì thấy mẹ bảo không sang.

Có lẽ vì bản thân làm sai chuyện nên có tật giật mình. Tôi nằm trên giường mà cứ nơm nớp sợ hãi có phải vợ biết chuyện gì nên giận dỗi không nghe điện thoại? Sáng hôm sau vừa mở mắt ra thì vợ gọi đến. Tôi vồ lấy máy, ấn nút nghe ngay lập tức. Trong điện thoại, giọng vợ tôi nghèn nghẹn khàn khàn hỏi tôi hôm qua có việc gì mà gọi nhiều vậy? Sau khi hỏi han một lúc, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Hóa ra vợ tôi bị ốm, ngủ mê man trong khi điện thoại thì đã tắt chuông nên không biết tôi đã gọi. Chưa khi nào tôi thấy vợ bị ốm lại mừng như lúc này.

Hai ngày sau, công tác xong tôi trở về nhà, dự định ngày hôm sau sẽ đưa vợ con đi chơi cho thoải mái và cũng bù đắp lại chuyện kia. 11 giờ đêm, từ sân bay tôi bắt taxi đi thẳng về nhà, mở cửa ra nhưng phòng ngủ không có ai. Chăn gối gấp gọn gàng chứng minh một điều rằng suốt cả đêm vợ tôi không ngủ. Tôi đi khắp nhà vừa tìm vừa gọi cũng không có tiếng đáp. Gọi điện thoại thì máy không liên lạc được. Tôi không hiểu nửa đêm cô ấy đi đâu?

cốc cà phê
Khi lấy hũ cà phê, tôi nhìn thấy một tờ giấy nhỏ được chặn bên dưới. Là chữ vợ tôi viết.
(Ảnh minh họa)


Ngồi chờ mãi đến sáng hôm sau, vẫn không thấy vợ trở về. Gọi cho mẹ đẻ và mẹ vợ thì ai cũng bảo không biết. Gọi lên công ty cô ấy thì được biết cô ấy xin nghỉ phép nửa tháng. Trong lòng vừa giận vừa băn khoăn không hiểu vợ đi đâu. Tôi quyết định pha một ly cà phê cho tỉnh táo.

Vừa vào bếp, tôi đã thấy hai chiếc cốc tôi thường dùng ở trên bàn, trước máy pha cà phê. Khi lấy hũ đựng cà phê, tôi nhìn thấy một tờ giấy nhỏ được chặn bên dưới. Là chữ vợ tôi viết.

Trong thư, cô ấy nói về nhà mẹ đẻ một thời gian, khi nào hết mệt mỏi sẽ trở lại, còn nếu không hết, cô ấy sẽ ly hôn và đi xa. Cô ấy còn nói cho tôi biết, sở dĩ cô ấy ép tôi mỗi ngày uống một ly cà phê đắng và một ly sữa ngọt, không cho tôi uống chung một lúc là để tôi nhớ cái đắng ngắt của cà phê và cái ngọt đến ngấy của sữa, giống như cuộc sống hôn nhân không bao giờ hoàn hảo vừa vặn. Chỉ cần thêm một thìa sữa vào, là cà phê không còn nguyên chất nữa. Tình cảm gia đình cũng vậy, chỉ cần một lần sai lầm là không bao giờ còn được bền vững thuần túy.

Bức thư có những chỗ bị nhòe mực, có thể cô ấy đã khóc khi viết nó. Liệu có phải vợ tôi đã biết chuyện kia? Cô ấy đang cảnh cáo tôi phải không? Cái đêm cô ấy ốm, có thực cô ấy ốm không? Tôi lật lại nhật ký cuộc gọi, phát hiện ra một cuộc gọi của vợ tôi vào ngày hôm đó, cuộc trò chuyện dài 3 phút 6 giây. Tôi nhớ rõ mình không hề nghe cú điện thoại này. Tôi có cảm giác mình đã đoán ra tất cả, nhưng không biết phải xử lý như thế nào? Tôi nên về nhà mẹ vợ xin lỗi và đón cô ấy về, hay cứ để vợ tôi yên tĩnh một thời gian?

Theo Trí thức trẻ


Tin tức mới nhất