Cồn Cỏ - nàng công chúa ngủ quên giữa biển cả

Cồn Cỏ là một huyện đảo mới thành lập của tỉnh Quảng Trị, trước kia đây là đảo quân sự - vị trí chiến lược trong cuộc chiến giành thống nhất từ hai bờ vĩ tuyến 17.




Sau chuyến xe khách gần 12 tiếng tới Quảng Trị, từ cảng Cửa Việt, chúng tôi bắt tàu ra đảo. Trời Quảng Trị tháng 5 đón chúng tôi bằng cái nắng gay gắt, trời trong không một gợn mây và biển xanh rất đỗi dịu dàng. Hành trình du lịch khám phá của chúng tôi bắt đầu từ cảng Cửa Việt.


Do mới thành lập chưa lâu, chưa có nhiều công ty khai thác tàu cao tốc sử dụng ra Cồn Cỏ. Chúng tôi điểm danh đoàn, lên tàu cao tốc Cồn Cỏ 1. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã đặt chân lên đảo.


Theo lịch sử đảo, Cồn Cỏ được hình thành từ nham thạch núi lửa. Chính vì vậy, đá có màu đen tuyền rất đặc trưng .


Nổi bật giữa màu đen của đá là làn nước trong và xanh mát lạnh. Nhưng bãi biển cát trắng không có trên đảo, nên nếu tới đây, bạn sẽ không thấy các bãi tắm như các khu du lịch đảo như Cô Tô, Lý Sơn.


Sau khi làm quen với người dân đảo, tôi được họ dẫn đi lặn ngắm san hô. Do chưa phát triển du lịch, các hoạt động như lặn biển chưa có dụng cụ hỗ trợ, vậy nên tốt nhất là lặn ở mực nước nông. Hy vọng trong tương lai, du lịch sẽ vươn tới hòn đảo nhỏ này và du khách khi tới đây sẽ được tận mắt ngắm những rặng san hô cùng thế giới dưới mặt biển tuyệt đẹp.


Vị trí và bản đồ trên đảo Cồn Cỏ.


Chiều hoàng hôn trên đảo .


Ngày thứ 2 trên đảo, tôi ghé thăm cột cờ - điểm đánh dấu mốc chủ quyền thiêng liêng của dải đất chữ S.


Toàn cảnh Cồn Cỏ nhìn từ ngọn hải đăng. Đây là một điểm phải tham quan trên đảo. Từ đây bạn có thể thấy toàn cảnh đảo với rừng xanh, biển xanh.


Điều kiện trên Cồn Cỏ còn rất khó khăn, chưa có điện, dịch vụ, dân cư thưa thớt. Bạn sẽ bắt gặp bộ đội đi tuần nhiều hơn gặp người dân đảo. Có ở đây mới thấy sự hy sinh thầm lặng của các anh vì Tổ quốc, vì bình yên nơi đất liền và gìn giữ từng mảnh đất máu thịt Việt Nam.


Trên đảo có hơn 70% là rừng, vậy nên hành trình khám phá rừng nguyên sinh rất thú vị. Nếu tới Cồn Cỏ, bạn không thể bỏ qua bốn gốc bàng vuông cổ thụ mà mỗi gốc một người ôm không hết.


Hoa phong ba - loài hoa đặc trưng của Cồn Cỏ. Loài hoa này cũng được dùng để đặt tên cho ngôi trường kiên cố đầu tiên trên đảo: trường mầm non - tiểu học Hoa Phong Ba. Đoàn chúng tôi trở về đất liền sau một tuần vì biển động do bão, ai nấy cũng vừa mừng vừa bịn rịn chia tay những con người vừa gặp mà ngỡ như bạn bè thân quen đã lâu. Hẹn Cồn Cỏ ngày trở lại.
 


Theo Zing


Quảng Trị du lịch khám phá địa điểm du lịch

Tin tức mới nhất