Cú sốc ngày Tết của cô dâu mới

Hà vốn là cô gái thành phố, từ bé tới lớn chưa từng phải “chu đáo” với ai. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi khi cô lập gia đình, ăn cái Tết đầu tiên ở quê chồng.

Hồi mới quen nhau, dù là “tiểu thư” phố cổ nhưng Hà vẫn say Duy, chàng trai nhà quê “như điếu đổ”. Trong mắt Hà, dù Duy sinh ra ở miền núi nhưng anh thực sự thông minh, có trí tiến thủ, hơn hẳn những anh trai phố đang theo đuổi cô.

Hai người cưới nhau, vượt qua những lời “doạ dẫm” về việc làm dâu quê. Hà về nhà Duy nhiều lần trong lúc yêu nhưng chuẩn bị ăn cái Tết đầu tiên ở nhà chồng, một huyện miền núi yên bình, Hà vẫn thấy háo hức. 

Mẹ cô thì lo lắng, dặn Hà đủ điều vì sợ cô gái phố sẽ không chịu nổi. 

Hà sắm sửa đủ thứ, cô muốn cái Tết đầu tiên ấy cũng phải là sự ấn tượng đẹp đẽ bên “nhà nội” về mình.

Sau chuyến xe kéo dài 4 giờ đồng hồ, Hà và chồng đặt chân tới quê. Nhà Duy nằm cuối xóm, phía sau là bãi sông xanh mướt hoa màu. 

Về tới đầu làng, Hà bắt đầu thấy bất tiện khi bị nhiều ánh mắt “săm soi”. Các bà cô đi làm đồng nhìn Hà lạ lẫm, người thì cười, người lại bịt mồm thì thầm với nhau. Duy bảo có lẽ do cái váy dài tới gót chân Hà mặc. Về tới nhà, Hà ngỡ ngàng khi cả “họ” đang ngồi đợi. 

Mẹ chồng cô đon đả nói các bác, các chú sang chơi, đợi cháu dâu từ sáng. Hà chào một lượt thì bất ngờ bị mắng rất to “ơ, con này hỗn, tao là vai ông mà mày chào anh là sao”. Hà sững lại, người vừa to tiếng có khuôn mặt “búng ra sữa”. Duy nhanh mồm chạy lại “đỡ”: “Vợ cháu chưa biết, ông trẻ thông cảm”. Nói rồi Duy nháy mắt với Hà, hiểu ý, cô cúi đầu “dạ cháu xin lỗi ông trẻ”. Lúc này, mẹ chồng Hà mới dám mở lời, nói đỡ vài câu. 

Chưa kịp hoàng hồn, mẹ chồng Hà kéo tay bảo cô xuống bếp, phải làm cỗ cho các cụ, bác ăn kẻo tối. Hà đi theo mẹ, căn bếp bé tí nằm sát nhà chính khói bốc nghi ngút. Một đống thịt thà, rau cỏ bày trên chiếc mâm. Mẹ chồng bảo Hà đi nhóm lửa, bà sẽ vo gạo. Hà bị “sốc”, đây là lần đầu tiên cô nấu ăn bằng bếp củi. 

Cú sốc ngày Tết của cô dâu mới-1
(Ảnh minh họa)

Những thanh củi ẩm mãi không cháy, khói cay nồng khiến Hà không thở được. Mẹ chồng thấy thế thì thở dài, bảo “thôi, con đi thái thịt, vo gạo cho mẹ”.

Sân giếng đầy nước, lại trơn khiến Hà mấy lần suýt ngã, cái váy ren dài tới gót chân lúc này trở nên “kệch cỡm” khiến cô khó chịu, phải “vắn” lên cao tới gần đầu gối. Nhìn cái đùi lợn to múp, Hà chưa biết phải làm sao. Cô gọi Duy giúp, ai ngờ Duy chưa kịp đứng dậy thì bị chặn lại: “Thằng này, đàn ông thì ngôi yên, bếp núc là của phụ nữ”. Duy nghe xong thì không dám ra nữa. 

Hà bất lực, kỳ cạch chặt, thái toát cả mồ hôi. Mẹ chồng cô ngó ra lại thở dài: “Con không biết làm gì à?”. Bà đứng dậy, giằng lấy con dao và bảo Hà đi rửa rau. Hà nhìn mẹ chồng, bàn tay mảnh khảnh mà chặt xương “ngọt lịm”. Cô tự hỏi, phụ nữ ở quê sao lại mạnh mẽ và vất vả tới vậy? 

Bữa cơm cũng xong, Hà như thói quen ngồi sát vào chồng. Lần này, cô bị một phen đỏ mặt. Người ông trẻ lúc đầu lại mắng: “Duy, mày có dạy vợ không? Đây là mâm các cụ, các bác, phụ nữ phải sang bên kia chứ”. Duy thúc tay vào Hà, ý nhắc cô đứng dậy. 

Hà ái ngại, đứng ra hiên nhà thì mẹ chồng vẫy, bà bảo nhà có khách, phụ nữ sẽ ăn riêng cùng trẻ con chứ không được ngồi chung mâm “các cụ”. Hoá ra là vậy, Hà lẩm bẩm. 

Ăn xong, đàn ông say tuý luý, kéo nhau lên ghế uống trà. Mẹ chồng bảo Hà lên dọn. Nhìn chồng bát đĩa cao ngất, Hà hoảng thực sự. Cô hỏi mẹ “xử lý thế nào”, mẹ chồng cười nhẹ, bảo cô đợi. 

Bà đun nước, pha với nước lạnh rồi hai mẹ con cùng rửa. Bà nói ở quê chưa dùng dầu rửa bát, vì thế với bát có mỡ phải rửa bằng nước ấm mới sạch. Hai mẹ con lầm lũi rửa đống bát đĩa trong ánh điện yếu ớt hắt ra từ căn bếp. 

Mẹ chồng quay ra hỏi Hà: “Thế nào? Cô gái thành phố, con có thấy sai lầm khi lấy chồng nhà quê chưa?”. Hà không trả lời, cô hỏi lại mẹ: “Mẹ đã bao giờ cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi với những nghi lễ và cách sinh hoạt này chưa?”.

Mẹ chồng cô trầm ngâm, bà kể về tuổi trẻ, kể về những năm tháng làm dâu, làm mẹ, làm vợ. Có cảm giác bà cũng thấy bản thân mình thiệt thòi. Thế nhưng, bà chẳng hề sợ hãi hay mệt mỏi. 

Bà cười nhẹ với Hà: “Mẹ biết chúng ta khác nhau, mẹ quen với cuộc sống này và mẹ thấy rất bình yên. Xét cho cùng, phụ nữ thành phố hay ở quê đều vất vả con ạ. Mẹ có thể làm việc con đang thấy ngày này qua ngày khác. Con nghĩ mẹ giỏi lắm đúng không? Chẳng phải đâu, vì nếu cho mẹ làm những việc mà con đang làm ở thành phố, mẹ sẽ thấy khó khăn hệt như con lúc này”.

Hà nghe xong thì thấy nhẹ nhõm, dù cô vẫn chưa hết “sốc” vì những gì đã xảy ra nhưng trong lỏng cảm thấy thật bình yên.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

Xem link gốc Ẩn link gốc https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cu-soc-ngay-tet-cua-co-dau-moi-172240209180408231.htm

gia đình Tết Nguyên Đán hôn nhân vợ chồng

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao