Cách cúng giao thừa ngoài trời, trong nhà để đón tài lộc năm Kỷ Hợi

Trong tâm thức người Việt, đêm giao thừa là thời khắc vô cùng đặc biệt, tiễn năm cũ đi và đón năm mới đến. Trong khoảng khắc đó, người dân thường chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời, cúng trong nhà để nghênh đón tài lộc, cầu bình an.

Cách cúng giao thừa ngoài trời, trong nhà để đón tài lộc năm Kỷ Hợi-1
Đúng 12h đêm, các gia đình thường làm mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài trời để nghênh đón các vị thần linh.

Dưới đây là những lưu ý của các chuyên gia văn hóa, phong thủy về thời gian, địa điểm và cách chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa đón năm mới Kỷ Hợi.

Thời điểm hợp lý nhất để cúng Giao thừa

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), cúng giao thừa hay còn gọi là cúng trừ tịch có ý nghĩa đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới.

Người dân nên tiến hành vào giờ chính Tý, tức đúng 12 giờ đêm hôm 30 tháng Chạp, để tiễn đưa những vị thần năm cũ và nghênh đón những vị thần mới.

Các gia đình cần chuẩn bị 2 mâm cỗ cúng

Theo phong tục truyền thống, người Việt tin rằng giao thừa là thời khắc mà các vị quan Hành khiển sẽ bàn giao công việc cai trị trong năm.

Có 12 vị hành khiển và 12 phán quan (phán quan là vị thần giúp việc cho các vị hành khiển). Vì thế, mâm cúng giao thừa ngoài trời được ví như một buổi tiệc để tiễn đưa các vị quan hành khiển và phán quan năm cũ và nghênh đón vị thần mới.

Còn mâm cúng giao thừa trong nhà là thể hiện sự hiếu thảo, biết ơn đến ông bà tổ tiên, mời ông bà về sum họp với con cháu trong thời khắc linh thiêng đón năm mới.

Những lễ vật không thể thiếu trong mâm cỗ đêm giao thừa

Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời gồm các lễ vật: hương (3 cây), hoa tươi, đèn nến, trầu cau, quần áo, mũ thần linh và mâm lễ mặn với thủ lợn luộc hoặc gà trống luộc, xôi, bánh chưng… Tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà.

Cách cúng giao thừa ngoài trời, trong nhà để đón tài lộc năm Kỷ Hợi-2
Những món ăn thường có trong mâm cỗ cúng giao thừa trong nhà.

Mâm lễ cúng giao thừa trong nhà gồm các món ăn mặn ngày Tết như bánh chưng, giò - chả, xôi gấc, thịt gà, các món ăn mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình và hương, hoa, đèn nến, trầu cau, bánh kẹo, mứt tết, rượu/ bia và các loại đồ uống khác.

Năm Hợi có được cúng thịt lợn?

Một số người quan niệm năm con gì thì cúng con đấy, như năm Dậu cúng gà, năm Sửu cúng trâu... Một số nơi lại quan niệm, năm con gì thì kiêng cúng con đấy. Ví dụ năm Hợi kiêng cúng thịt lợn, năm Dậu kiêng cúng gà vì sợ phạm húy, không đem lại may mắn.

Theo TS Lê Xuân Phương - chuyên gia phong thủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nhân và doanh nghiệp Đông Nam Á - người dân kiêng kỵ như vậy là không có cơ sở khoa học.

Ông cho rằng mỗi vùng có cách bày tỏ tấm lòng thành kính với các vị thần linh một cách khác nhau. Có nơi cúng giao thừa bằng gà, bằng thịt lợn hay bằng cá. Miễn sao người dân thấy món ăn nào đã ăn quen và đi vào tiềm thức của mọi người thì sẽ chế biến món đó một cách công phu, để dâng cúng thần linh, tổ tiên.

Chuyên gia phong thủy này cho rằng, quan trọng nhất trong mâm cúng giao thừa là phải có rượu, tức là có hương vị.

Cần cúng giao thừa ngoài trời trước

Theo nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết, khi năm mới sang, bao giờ cũng phải khấn ngoài trời, khấn Phật và các quan trước, xin trời Phật phù hộ, cầu dân an quốc thái, cầu cho sức khỏe gia đình bình an, sau đó mới lễ trong nhà.

Sau khi chuẩn bị xong mâm cỗ, gia chủ sẽ kính bày lễ lên bàn, đốt đèn nến, thắp hương thơm và thành kính cầu khấn (đọc văn khấn).

Khi cúng giao thừa trong nhà, tất cả các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ.

Trước khi khấn Tổ tiên để mời tiền nhân về ăn Tết cùng với con cháu hậu thế, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết.

Sau khi tiến hành xong nghi thức cúng giao thừa, các thành viên trong gia đình sẽ tiến hành nghi lễ chúc tết, hoặc đi lễ chùa cầu bình an, may mắn trong năm mới.

Các chuyên gia cũng lưu ý, mọi việc tiến hành đều mang tính lễ nghi, tránh có sự mê tín dị đoan, mê muội. Quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành kính của các thành viên trong gia đình.

Theo Lao Động


Tết Nguyên Đán

Tin tức mới nhất