Cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp – sai lầm vẫn mắc phải mà bạn không biết

Việc cúng ông Công ông Táo dưới bếp là không đúng với phong tục cũng như các quy tắc thờ cúng từ nhiều đời nay của dân tộc.



Ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch) là ngày Táo quân về trời để báo cáo công việc đã xảy ra dưới trần gian trong vòng một năm qua. Bởi vậy, vào ngày này các gia đình đều thành tâm chuẩn bị lễ vật tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Tuy nhiên, hiện nay do phong tục mỗi nơi mỗi khác và có nhiều tranh luận khác nhau về vấn đề chuẩn bị lễ vật để ông Công, ông Táo về trời. Đơn giản nhất đó chính là việc nên dùng cá chép sống (cá thật) hay cá chép giấy để làm lễ tiễn ông Công, ông Táo…

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia phong thủy Hoàng Anh Hùng (Hà Nội) về những việc cần làm và những lễ vật cần chuẩn bị cho ngày cúng ông Công, ông Táo.

Theo chuyên gia phong thủy Hoàng Anh Hùng, ngày 23 tháng chạp là ngày ông Công, ông Táo hay còn gọi là lễ quan thổ công, táo công lên tâu Ngọc Hoàng về tình hình dưới hạ giới trong vòng một năm qua.

Cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp – sai lầm vẫn mắc phải mà bạn không biết-1
 Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.

Thông thường trong ngày này, các gia đình sẽ kết hợp làm lễ “quan soái” hay còn gọi là sửa bát hương. Riêng đối với lễ “quan soái” thì cần phải làm trước khi làm lễ ông Công, ông Táo. Có nghĩa là phải làm sạch (lau bát hương, để lại 3 chân hương đẹp nhất lau sạch sẽ rồi cắm lại vào bát hương).

“Nên nhớ rằng, lễ quan soái một năm chỉ có 1 ngày đó là ngày 23 tháng Chạp, chứ không phải này nào cũng làm được việc này”, chuyên gia phong thủy Hùng cho biết.

Sai lầm khi cúng ông Táo ở trong bếp (?!)

Cũng theo quan niệm của dân gian, Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể.

Đến trưa 30 Tết thì ông Táo lại có mặt ở hạ giới để tiếp tục công việc.

Liên quan đến phong tục này, một số ý kiến gần đây cho rằng, các gia đình thường cúng ông Công, ông Táo trên bàn thờ gia tiên, nhưng thực tế đây là hai vị thần khác nhau.

Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc trong gia đình. Lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, việc mọi người gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng.

Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia nghiên cứu tâm linh Nguyễn Văn Dương cho rằng, việc đưa ra ý kiến hướng dẫn cúng ông Táo như vậy là không đúng với phong tục cũng như các quy tắc thờ cúng từ nhiều đời nay của dân tộc.

"Thực tế là đúng ông Công là thần cai quản đất đai trong nhà còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc nhưng tất cả các vị này đều phải được thờ phụng ở trên bàn thờ chính của gia đình.

Không có ai đi đặt bát hương hay bàn thờ ở dưới bếp để thờ cúng các vị thần linh như ông Táo cả. Nói cúng ông Táo ở dưới bếp mới đúng như vậy là không hiểu văn hóa, tín ngưỡng, quan niệm dân gian từ nhiều đời nay của dân tộc Việt Nam", ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, trên bàn thờ các gia đình luôn có 3 bát hương và bát hương chính giữa bao giờ cũng đều dành để thờ các vị thờ thổ công, long mạch, táo quân, tiền chủ những vị cai quản mảnh đất mình cư ngụ, cầu giúp gia đình ăn ở yên ổn.

Cùng với đó, hai bát hai bên mới là thờ các vị trong gia tiên, tiền tổ.

"Phải khẳng định thêm rằng, bếp không phải là chỗ để thờ cúng, bởi nơi đó là nơi đun nấu có nhiều uế tạp còn chỗ thờ cúng phải sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.

Mọi người nên giữ đúng truyền thống và nét đẹp trong cúng Táo quân ngày 23 tháng Chạp của cha ông ta đã truyền lại từ nhiều đời", ông Dương nhấn mạnh.

Cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp – sai lầm vẫn mắc phải mà bạn không biết-2
 Các cụ xưa nay vẫn dặn dò con cháu dù có bận rộn tới mấy thì đúng ngày 23 tháng Chạp vẫn nên dành thời gian để làm lễ cúng ông Công ông Táo.

Còn chuyên gia Nguyễn Vĩnh Kiên cũng cho hay, nếu nói nên cúng ông Táo ở dưới bếp mới đúng thì cũng nên chuyển bàn thờ thần tài ở góc nhà xuống bếp để thờ.

"Tôi không hiểu ai lại khuyên người ta đưa ông Táo xuống bếp cúng. Điều đó là vô cùng sai lầm, đi ngược lại quy tắc thờ cúng mà cha ông ta vẫn thường làm vào mỗi dịp 23 tháng Chạp.

Cá nhân tôi cho rằng, nếu ai đó khuyên nên cúng ông Táo xuống bếp thì giả sử người đó cũng thờ bàn thờ thần tài ở góc nhà cũng nên chuyển xuống bếp.

Bởi, theo truyền thuyết, thì ông thần tài là một người chết ở xó bếp sau đó gia đình đó, thờ cúng gặp nhiều may mắn nên thờ và lâu dần thành thần tài", ông Kiên bày tỏ.

Nên cúng cá chép giấy hay cá chép thật?

Trao đổi với chúng tôi, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho rằng, trong ngày 23 này, người dân có thể dùng cá chép thật hoặc cá chép giấy để cúng đều được.

Theo GS Thịnh, với các gia đình có điều kiện thì nên dùng cá chép thật để làm lễ và sau đó thả phóng sinh.

"Cá chép thật sau khi làm lễ được thả phóng sinh mang rất nhiều ý nghĩa. Ngoài việc để đưa ông Táo bay về trời theo quan niệm của dân gian thì tục lệ phóng sinh này còn mang tư tưởng của Phật giáo liên quan đến vấn đề môi trường rất sâu sắc", GS Thịnh nói.

Cùng với đó, theo GS Thịnh, việc sử dụng cá chép thật còn mang ý nghĩa tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.

"Ở nhiều nơi, người ta nuôi cá chép phục vụ cho ngày 23 tháng Chạp thu về nguồn lợi rất lớn, tạo nhiều công ăn, việc làm nên việc dùng cá chép thật cũng mang ý nghĩa xã hội lớn", GS Thịnh chia sẻ.

Có phải cúng trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp?

Theo chuyên gia Nguyễn Vĩnh Kiên, cúng ông Công, ông Táo là một ngày lễ quan trọng trong năm của người Việt.

Các cụ xưa nay vẫn dặn dò con cháu dù có bận rộn tới mấy thì đúng ngày 23 tháng Chạp vẫn nên dành thời gian để làm lễ cúng ông Công ông Táo.

Và nhất định lễ cúng phải được cử hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Tuỳ theo điều kiện thời gian mà có thể cúng ông vào trưa hoặc tối ngày 22 tháng Chạp, cùng lắm là cúng ngày 23 tháng Chạp.

"Chúng ta vẫn có thể cúng sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, thậm chí, do điều kiện thời gian, hoàn cảnh có thể cúng vào chiều, tối cũng không sao.

Nhưng ở đây, muốn khuyên mọi người nên chọn thời điểm tốt nhất để cúng lễ này. Theo quan niệm dân gian từ 11 giờ - 13 giờ là giờ Ngọ và đây thời điểm các thần quy tụ để chuẩn bị về trời.

Nên thời điểm đẹp nhất vẫn là tối ngày 22 và sáng ngày 23 tháng Chạp", ông Kiên nói.

Lễ vật cúng Táo Quân gồm: Mũ ông công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn.

Riêng đối với gia đình có trẻ con, người ta còn cúng Táo Quân một con gà luộc.

Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ.

*Thông tin trong bài chỉ mang tính chất

Theo Khỏe & Đẹp


thờ cúng Ông Công ông Táo Phong tục Tết tín ngưỡng bàn thờ phong thủy

Tin tức mới nhất