Đà Lạt không có bổn phận luôn làm vừa lòng du khách

Những người dân địa phương có thấy hạnh phúc không khi Đà Lạt của họ đang thay đổi như hiện nay? Đó mới là câu hỏi quan trọng nhất.

Rừng thông biến mất. Màu trắng ảm đạm lấn lướt mảng xanh. Nhà kính trồng rau và hoa mọc lên tứ phía, xuất hiện cả trong lòng thành phố.

Các biệt thự cổ (kiến trúc kiểu Pháp lẫn Việt Nam vào những năm 1960) vắng bóng. Những dãy nhà nhấp nhô xuất hiện chi chít, không theo quy luật nào. Sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và các công trình kiến trúc bị phá vỡ.

Từ báo chí, mạng xã hội cho tới những câu chuyện phiếm ngoài đời, không khó để bắt gặp những lời ca thán, than phiền rằng Đà Lạt không còn như xưa. Bạn bè tôi cũng không ngoại lệ.

Khi Đà Lạt thay đổi, trăn trở - thậm chí là đau lòng nhất - chắc chắn phải là những con người sinh sống lâu năm ở thành phố sương mù.

Tất cả những thay đổi đó đang khiến bất cứ ai yêu Đà Lạt phải trăn trở. Thế nhưng, trăn trở - thậm chí là đau lòng nhất - chắc chắn phải là những con người sinh sống lâu năm ở thành phố sương mù.

Tôi nhớ về các cuộc gặp gỡ với người dân Đà Lạt ở mọi lứa tuổi. Họ nói với tôi về "Đà Lạt của mình" đầy cảm xúc - vui vẻ, nhớ thương và đôi khi là nỗi buồn. Với đặc thù công việc của một người nghiên cứu lịch sử, bên cạnh những tấm bản đồ, hình ảnh và tài liệu lưu trữ, tôi học được nhiều hơn cả là từ những con người ấy.

Đối với một thành phố, trước khi nói đến những tòa nhà, con đường, nhà hàng và kiến trúc, phải nhắc đến những con người sống ở nơi đây, những người luôn sẵn sàng đón tiếp và giúp du khách khám phá thêm về nơi họ sống.

Đà Lạt không có bổn phận luôn làm vừa lòng du khách-1

KHI ĐÀ LẠT OẰN MÌNH THAY ĐỔI

Năm 1927, dân số thế giới mới đạt 2 tỷ người. Năm 1999, dân số tăng lên 6 tỷ người. Thế giới đạt mức 7 tỷ người chỉ sau hơn 10 năm (năm 2011) và hơn 1/2 dân số sống ở thành thị.

Việt Nam nói chung và Đà Lạt nói riêng cũng không thể thoát khỏi dòng chảy của thời đại. Năm 1901, dân số Việt Nam có 15 triệu người và phần ít sống tại thành thị. Năm 2018, con số này tăng lên là 95 triệu dân với gần 1/3 ở thành phố.

Đà Lạt ban đầu được quy hoạch dành cho 150.000 cư dân. Năm 2010, dân số thành phố là 210.000. 8 năm sau, con số lên đến gần 300.000 người.

Một đô thị vốn dĩ được quy hoạch để chứa 150.000 dân giờ mở lòng đón nhận gấp đôi từng đấy. Mỗi năm, mảnh đất này đón lượng khách du lịch phải tính đến con số hàng triệu.

Dân số tăng nhanh và quá trình đô thị hóa diễn ra chóng mặt đang gây áp lực rất lớn đối với việc giữ gìn những giá trị kiến trúc của Đà Lạt.

Đó là chưa kể đến những hệ luỵ khác về môi trường. TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam, từng chia sẻ nhà kính trong nông nghiệp làm tăng nhiệt độ môi trường xung quanh, làm ảnh hưởng đến chất lượng đất và gây ô nhiễm nguồn nước.

Trong khi đó, nghiên cứu của TS Phạm Đức Thi và KS Nguyễn Thu Bình thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam ghi nhận nhiệt độ ở thành phố Đà Lạt đang nóng dần lên. Độ chênh nhau giữa nhiệt độ cao nhất và thấp nhất - bình quân từ 8-10 độ C trong những năm trước đây - nay đã tăng lên 12-15 độ C.

Được phôi thai phát triển thành một “thành phố vườn", không gian xanh Đà Lạt trong các thung lũng xung quanh đang bị gặm nhấm bởi nông nghiệp hóa học và thâm canh. Theo định hướng của tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2020, diện tích canh tác rau khoảng 20.000 ha, 75% diện tích ứng dụng công nghệ cao; diện tích canh tác hoa khoảng 2.800 ha, 90% diện tích ứng dụng công nghệ cao.

Khi quá trình đô thị hóa tiếp diễn, các vấn đề môi trường trở nên nghiêm trọng hơn. Khi chúng ta nói về "thành phố thông minh" biết cách tích hợp công nghệ mới, nhà ở kiên cố và bảo vệ môi trường, liệu Đà Lạt có thể phát triển dựa trên những nền tảng và bản sắc của riêng mình?

NẾU THAY ĐỔI, HÃY HỎI NGƯỜI ĐÀ LẠT TRƯỚC TIÊN

Từ xưa đến nay, lịch sử và địa lý thường đi cùng nhau trong mối quan hệ phức tạp. Sử gia H. B. George từng nói: "Lịch sử chẳng thể hiểu được nếu không có địa lý". Và nhà địa lý học Alan R. H. Baker hồi đáp rằng: "Địa lý cũng chẳng thể hiểu nổi nếu không có lịch sử".

Ngày nay, mối quan hệ giữa địa lý và lịch sử phát triển không thể tách rời trong không gian đô thị, khi mà dân số đang tăng trưởng theo cấp số nhân và quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt.

Tuy nhiên, mấy ai quan tâm đến vấn đề đó khi quản lý đô thị hiện đại. Tôi đoán họ cũng không mấy để ý đến mối quan hệ giữa thiên nhiên và nơi ở sẽ ảnh hưởng đến lối sống của chúng ta như thế nào khi lên kế hoạch quy hoạch cơ sở hạ tầng thành phố.

Trong khi nhân loại mất hàng thế kỷ định hình bản sắc qua các hoạt động làng xã, con người hiện đại chỉ tốn 100-200 năm để xây dựng các thành phố và hình thành lối sống thích nghi với đô thị. Nếu lưu hình ảnh về những nơi từng đến và vẽ lại bản đồ của những hành trình, chúng ta sẽ nhận ra không gian sống của mình bị thu hẹp rất nhiều.

Lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt vào năm 1999, với tư cách là khách du lịch. Ngay phút đặt chân đến mảnh đất này, tôi bị ấn tượng bởi vẻ yên bình của thành phố nhỏ, nơi khí hậu quanh năm ôn hòa.

Tôi vẫn nhớ cảm giác dạo bước bên bờ hồ, dưới làn sương mù sáng sớm và thưởng thức những món ăn địa phương. Tất nhiên, tôi chẳng thể quên các công trình kiến trúc xây dựng từ thời thuộc địa hay những cái gì đó rất thuộc về thập niên 60 của thế kỷ trước - những thứ tạo nên bản sắc riêng của thành phố. Quang cảnh xung quanh - thung lũng, núi rừng, bản làng hay người Cơ ho Srê - tất cả nằm trong trái tim tôi.

Thế nhưng, đằng sau những hình ảnh lãng mạn mà khách du lịch luôn tìm kiếm, ta có thể cảm nhận thấy những thay đổi của một thành phố đang phát triển toàn diện thông qua sự quy hoạch của các khách sạn - resort hiện đại, những khu phức hợp lớn, những đường bay quốc tế, và gần đây nhất là quá trình đô thị hoá của khu trung tâm Hòa Bình.

Tất cả đều đang diễn ra với tốc độ rất nhanh.

Không thể bắt Đà Lạt chỉ cứ mãi đứng yên và không phát triển. Thế nhưng, cách Đà Lạt đang “phát triển" như hiện nay rõ ràng có quá nhiều vấn đề, và cả nỗi lo.

Trung tâm thành phố đông đúc hơn. Nhà cửa chen nhau, tranh từng kẽ hở. Nhiều cung đường vốn đại diện cho nét đẹp Đà Lạt như Nguyễn Chí Thanh, Phan Bội Châu, ấp Ánh Sáng... cũng chịu cảnh xáo trộn do quy hoạch không đồng bộ, nhà biệt lập chen chúc với nhà liên kế, biệt thự cổ nằm xen lẫn với nhà phố, quán cà phê.

Các di sản kiến trúc phải chịu áp lực đất đai rất lớn. Trong những năm gần đây, vấn đề bảo tồn các công trình này cũng tạo ra nhiều tranh luận. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng.

Một tòa nhà bị phá hủy có thể được phục dựng lại dựa trên những thông tin lưu trữ. Song, ký ức về tòa nhà ấy có thể biến mất mà không thể tái tạo và cuối cùng, linh hồn của thành phố có thể sẽ tan biến theo.

Trong bối cảnh đó, không ai khác ngoài những người dân bản địa mới chính là tâm hồn của thành phố, là mắt xích nối liền hiện tại, quá khứ và tương lai.

Khi đang có nhiều lo ngại Đà Lạt đổi thay quá nhiều thì sẽ không thể níu chân du khách, câu hỏi quan trọng nhất cần đặt ra là: Những người dân địa phương có thấy hạnh phúc không khi Đà Lạt của họ đang đô thị hoá với tốc độ và định hướng như hiện nay?

Không gì tệ hơn nếu Đà Lạt bị biến thành nơi chỉ dành cho những hoạt động du lịch và từ đó, mất chỗ cho cuộc sống thật sự.

Thành phố đáng sống là nơi cư dân cảm thấy hạnh phúc khi được ở đó, từ đấy sẽ có nhiều du khách nhiệt tình đến đây. Đó là một thành phố mà du khách luôn được người bản địa chào đón và tiếp đãi ân cần.

Thành phố đáng sống là nơi sự chuyển mình đổi mới phải luôn hài hoà với lịch sử phát triển. Thành phố đáng sống là nơi người dân bản địa phải luôn thấy hạnh phúc khi trở thành một phần không thể thiếu của những đổi thay.

Trước những thay đổi hiện nay của thành phố sương mù, chắc hẳn du khách và người Đà Lạt sẽ có rất nhiều quan điểm tương đồng. Thế nhưng, không phải vì vậy mà kỳ vọng của du khách được đem ra để làm thước đo quan trọng nhất.

Đà Lạt không có bổn phận luôn làm vừa lòng du khách.

Theo Zing


địa điểm du lịch Đà Lạt

Tin tức mới nhất