Chủ hãng xe nức tiếng Hà thành tiết lộ về đám cưới đặc biệt

Đến tuổi lập gia đình, ông Tuất được mai mối, kết hôn với cô gái cùng phố. Ngày cưới, nhà gái chuẩn bị rất nhiều nữ trang, vàng bạc làm của hồi môn cho cô dâu.

ĐÔng Phạm Xuân Tuất - chủ hãng xích lô Phúc Long nức tiếng một thời ở Hà thành

Trong căn nhà xuống cấp, rêu phủ đầy tường ở quận Ba Đình (Hà Nội), chúng tôi gặp ông Phạm Xuân Tuất (SN 1934) - chủ hãng xe xích lô Phúc Long đình đám một thời ở Hà thành. Trải qua những biến cố và thăng trầm trong cuộc sống, giọng ông Tuất chất chứa đầy ưu tư về ký ức vàng son của gia đình.

Chủ hãng xe nức tiếng Hà thành tiết lộ về đám cưới đặc biệt-1
Ông Phạm Xuân Tuất - chủ hãng xích lô Phúc Long nức tiếng một thời ở Hà thành.

Theo ông, những năm 1930 của thế kỷ trước, phố Phùng Hưng (Hà Nội) thường là nơi tập trung đông các cửa hàng sản xuất và nhập khẩu đồ cơ khí từ Pháp.

Ông nội của ông Tuất xuất thân từ làng rèn Vân Canh (Hoài Đức) ra thuê nhà, mở cửa hàng nông cụ, dao, cuốc và các vật dụng sinh hoạt tại số nhà 173 Phùng Hưng.

Chủ hãng xe nức tiếng Hà thành tiết lộ về đám cưới đặc biệt-2
Phố Phùng Hưng (Hà Nội) ngày nay.

Sau này, đến thời cụ Phạm Xuân Tục - cha ông Tuất tiếp quản, cửa tiệm càng ăn nên làm ra. Có vốn, cha ông Tuất mạnh dạn đầu tư mở một hãng thầu khoán, chuyên xây dựng nhà cửa, làm cửa hoa, cửa sắt lấy tên là Phúc Long.

Điểm độc đáo của cửa hoa, cửa sắt do xưởng cơ khí nhà ông Tuất chế tạo là toàn bộ sản phẩm không có mối hàn mà các thanh sắt nối với nhau bằng mộng và tán rất khéo.

Những cánh cửa làm theo cách thủ công này khá đẹp và có độ bền cao. Nhiều biệt thự, khu nhà người Pháp dùng cửa do Phúc Long sản xuất và vẫn còn tồn tại đến bây giờ. Tiêu biểu là cửa rạp Đại Nam (phố Huế)...

"Mặc dù không biết chữ nhưng cha tôi có mối quan hệ làm ăn với người nước ngoài rất tốt. Phụ việc cho cụ lúc nào cũng có 2 thư ký, thông dịch bên cạnh", người đàn ông sinh năm 1934 nói.

Năm 14 tuổi, các em còn nhỏ nên ông Tuất sớm tiếp cận với nghề gia truyền, phụ công việc giúp bố.

Năm 1948, ông bắt đầu nghiên cứu và chế tạo thành công chiếc xích lô phiên bản Việt Nam và trở thành chủ của hãng xích lô nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc.

Cơ sở sản xuất được đặt ở Phùng Hưng còn gia đình ông Tuất sống trong căn biệt thự trên phố Kim Mã ngày nay.

"Khi ấy, khu vực Kim Mã ít người sinh sống, cả trục đường dài chỉ có 3 biệt thự lớn, trong đó có biệt thự Phúc Long nhà tôi nằm trên khu đất rộng hơn 500 mét vuông", ông Tuất nhớ lại.

Ông miêu tả, xung quanh căn biệt thự là vườn tược rộng rãi. Ngoài sản xuất cơ khí, gia đình ông xây mấy gian nhà cho thuê.

Chủ hãng xe nức tiếng Hà thành tiết lộ về đám cưới đặc biệt-3
Bên trong căn nhà nơi ông Tuất sinh sống.

Kinh tế dư dả, thu nhập từ xưởng sản xuất xích lô và công cụ lao động mang lại cho gia đình ông Tuất cuộc sống sung túc, đủ đầy. Tuy nhiên, cha ông Tuất vẫn sống đạm bạc, ăn uống đơn giản. 11 người con, ông đều khuyến khích học nghề từ sớm. 

Bởi vậy, dẫu giàu có nhưng anh em ông Tuất ai cũng chịu khó, không ỷ thế đồng tiền, coi khinh người nghèo. Cụ Tục thường nhắc nhở các con giữ nếp sống thanh bạch, giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó.

Kể về chuyện hôn nhân, ông Tuất cho biết mình lấy cô gái gần nhà từ năm 17 tuổi. Cuộc hôn nhân của vợ chồng ông xuất phát từ sự sắp đặt của người lớn, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Đến hôm cưới họ mới chính thức biết mặt nhau. Thế nhưng suốt mấy chục năm chung sống, tình cảm của họ luôn đong đầy.

So về hoàn cảnh, hai gia đình thuộc hàng môn đăng hộ đối, giàu có ở đất Hà thành. Đám cưới, nhà gái chuẩn bị nhiều nữ trang, vàng bạc làm của hồi môn cho con.

"Đám cưới tôi tổ chức theo phong tục cổ. Ngày ăn hỏi có 9 khay lễ vật bao gồm lợn quay, bánh phu thê, bánh cốm, chè, rượu, thuốc lá, xôi gà, nữ trang... Các khay được buộc vải đỏ, dùng đòn gánh khiêng. Dàn phu khuân lễ mặc quần áo đỏ, đội nón. Chú rể diện áo vest lịch sự, cô dâu mặc áo dài hoa, quần trắng. 

Lễ hỏi xong, một tuần sau là cưới. Nhà tôi ăn ba hôm, gồm ngày dựng rạp, cưới chính và dỡ rạp. Khi đón dâu, có cụ già đi trước cầm cây hương. Sau đó, hai vợ chồng phải quỳ lạy ba lần mới xong nghi lễ", ông nhớ lại.

Chủ hãng xe nức tiếng Hà thành tiết lộ về đám cưới đặc biệt-4
Sức khỏe yếu, ông Tuất nói con trai út đưa phóng viên đi thăm ngôi nhà của gia đình.

Ông Tuất cho biết thêm, do gia đình buôn bán, kinh doanh, quan hệ làm ăn rộng rãi vì vậy ngày cưới có nhiều quan khách đến tham dự.

"Hôm đó, tất cả các ông chủ mua xe xích lô nhà tôi đều có mặt đông đủ. Đặc biệt, chủ hãng bảo hiểm xe hơi Nguyễn Quốc Kì, anh em ông Đức Âm - chủ rạp Đại Nam đến từ khá sớm để uống rượu mừng" - ông Tuất vui vẻ kể lại.

Gia cảnh khốn khó của con trai ông chủ hãng xe lớn nhất Hà thành

Sau năm 1954, ông Tuất dừng việc sản xuất xích lô, đầu tư 3 ô tô chạy bằng than, thuê tài xế để chở khách và mở ga ra sửa chữa ô tô. “Giai đoạn đó người dân đi trên tuyến đường Sơn Tây - Phùng đều biết đến ô tô khách Phúc Long của gia đình tôi. Vì khi đó, người làm ô tô vận tải khá ít.

Trong đó có 2 ô tô 30 chỗ chuyên chở dân hàng chợ, buôn bán và 1 ô tô 4 chỗ chạy giống như taxi bây giờ”, ông Tuất nhớ lại.

Bước vào thời kỳ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ông bán hết ô tô và chuyển sang làm thợ cơ khí sản xuất nồi hơi, hàn tiện, máy nghiền nông sản, khoáng sản trong hợp tác xã, góp phần tái thiết thủ đô. Đến năm 1977, ông xin nghỉ, tự mua máy tiện về sản xuất phụ tùng xe trâu, xe bò, nuôi vợ con.

Những năm đầu thập niên 80 thế kỷ XX, trải qua nhiều biến cố lớn trong cuộc sống, kinh tế gia đình ông Tuất bắt đầu sa sút. Cha ông Tuất chia đất đai cho các con sinh sống. Biệt thự xưa kia giờ thu hẹp lại, hiện nhà ông chỉ còn giữ lại căn nhà chính làm nơi thờ tự.

Chủ hãng xe nức tiếng Hà thành tiết lộ về đám cưới đặc biệt-5
Căn nhà cũ kỹ - dấu tích còn sót lại của biệt thự Phúc Long năm xưa.

Ngay trước cửa ra vào, ông để một bộ máy tiện cũ được che chắn cẩn thận. Mặc dù nhiều người đến hỏi mua nhưng ông đều từ chối vì muốn giữ làm kỷ niệm.

Chủ hãng xe nức tiếng Hà thành tiết lộ về đám cưới đặc biệt-6
Ông Phạm Xuân Bách - con trai út ông Tuất bên chiếc máy tiện trước cửa nhà.

Từng là chủ hãng xe lớn, giàu có nhưng cuối đời ông Tuất sống trong cảnh thanh bần, giản dị. Vợ chồng ông sinh được ba người con.

Người con trai út Phạm Xuân Bách (SN 1963) ở cùng ông, không may mắc căn bệnh suy thận giai đoạn cuối, cách một ngày phải chạy thận nhân tạo, mất khả năng lao động. Ông Tuất kể, con trai út lập gia đình muộn, bởi vậy hai đứa cháu nội của ông vẫn đang lứa tuổi học sinh.

Tiếp lời bố, con trai ông Tuất thở dài ngao ngán nói: "Mọi gánh nặng kinh tế, nuôi hai con ăn học đều dựa vào đồng lương làm thuê của vợ. Tôi bệnh tật, nhỡ có làm sao cũng không tiếc nhưng chỉ thương hai đứa trẻ còn nhỏ dại quá".

Theo Vietnamnet 


Vàng son nhung gấm đại gia

Tin tức mới nhất