'Hoãn cưới không ai muốn, nhưng khách dự trong lo âu thì đâu còn vui'

Thời điểm dịch bệnh bùng phát, việc mời khách đến dự lễ cưới khiến ngày vui trở nên bớt ý nghĩa vì ai cũng có tâm lý lo sợ, dè chừng.

Theo dự kiến, đám cưới của Anh Thư (Hà Nội) sẽ được tổ chức vào ngày 14/3. Tuy nhiên ngay khi có thông tin ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội, sau đó là liên tiếp nhiều trường hợp mới được ghi nhận, hai bên gia đình họp bàn và thống nhất hoãn tiệc cưới dù thiệp mời đã phát hết.

“Tiệc đãi khách phải hoãn thì chẳng gia đình nào muốn, ai cũng tiếc và có chút buồn. Nhưng dịch bệnh là lý do bất khả kháng, mình không thể chỉ lo cho mỗi việc nhà mình mà còn phải lo cho sức khỏe của những người thân, bạn bè đến tham dự. Mình thấy hoãn trong thời điểm này là đúng đắn”.

Hoãn cưới không ai muốn, nhưng khách dự trong lo âu thì đâu còn vui-1
Hoa hậu Ngọc Hân dự định tổ chức lễ cưới vào tháng 3 nhưng sau đó quyết định lùi ngày để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người.

Anh Thư cho biết thêm, khách sạn nơi tổ chức rất tạo điều kiện cho các gia đình muốn hoãn, dời ngày cưới khi không tính thêm phí hay bắt đền bù bất cứ khoản nào.

Hai bên gia đình vẫn tiến hành làm các thủ tục như ăn hỏi, đón dâu và đăng ký kết hôn theo đúng lịch, tuy nhiên chỉ có đại diện gia đình góp mặt.

Tiệc cưới sẽ được hoãn đến khi nào dịch bệnh hết. Khách mời cũng rất đồng thuận và thông cảm.

“Đúng là rất khó cho khách nếu buộc phải tham gia. Trong tình hình dịch covid-19 bùng phát mà chưa được kiểm soát tốt thì ai cũng có tâm lý muốn hạn chế ra đường, nhất là tụ tập những nơi đông người. Đám cưới nên là ngày vui, bắt khách đến dự trong lo âu đã bớt phần ý nghĩa”.

Đặt trường hợp mình là khách được mời, Anh Thư cho hay đối với họ hàng và những người thân thiết nhất không thể từ chối, cô cũng sẽ đem theo tâm lý lo lắng mà không thể thoải mái như ngày thường.

Còn nếu không phải những người quá thân thì thời điểm này cô chỉ chọn gửi tiền mừng mà không đến dự để hạn chế việc tiếp xúc đông người.

Không chỉ Anh Thư mà nhiều đám cưới khác cũng phải hủy, hoãn lại do tình hình dịch bệnh căng thẳng. Đa số ý kiến cho rằng, việc hủy tiệc cưới là điều không ai muốn nhưng nếu vẫn tổ chức sẽ rất khó xử cho khách đến dự bởi từ chối cũng ngại mà đi ăn cưới lại phải mang tâm lý sợ hãi. Dù vậy, vẫn nhiều đám cưới vẫn diễn ra trong sự không thoải mái của cả chủ, khách.

Đi cưới về phải thấp thỏm lo âu

Chia sẻ về câu chuyện của mình, Nguyễn Tiến (30 tuổi, TP. HCM) kể ngày 15/3 anh có dự đám cưới của một người bạn.

Đi đám cưới vì tình nghĩa bạn bè chí cốt song Nguyễn Tiến lại phải thấp thỏm lo âu ngay khi về nhà. Trên địa bàn thành phố và cả nước, mỗi ngày đều ghi nhận thêm ca nhiễm mới, anh không biết trong số những khách mình gặp tại buổi tiệc hôm đó liệu có ai nhiễm virus hay không.

Không chỉ Nguyễn Tiến mà những khách được mời hôm đó cũng rơi vào tình cảnh lo lắng tương tự, không ít người từ chối góp mặt.

Gia đình người bạn kia đoán trước vì dịch bệnh nên khả năng một nửa số khách sẽ không đi và báo cho nhà hàng huỷ 25 bàn. Phía đơn vị tổ chức cũng thông cảm và tạo điều kiện, song do quy định bắt buộc phải đặt ít nhất 30 bàn, cuối cùng tiệc cưới vẫn thừa đến 5 bàn cỗ.

"Tôi chỉ hy vọng ai đã đặt cỗ và dự định tổ chức bất cứ loại tiệc tùng nào vào thời điểm này xin hãy cân nhắc và ngừng lại. Nên nghĩ cho mình và cả cộng đồng. Những người khách mời như tôi, đi dự đám cưới vì tình, vì nể, nhưng bây giờ lại phải thấp thỏm lo âu".

Hoãn cưới không ai muốn, nhưng khách dự trong lo âu thì đâu còn vui-2
Đám cưới mùa dịch khiến khách mời e ngại, lo lắng.

Thanh Hằng (27 tuổi, Hà Nam) tâm sự vì tổ chức đám cưới trong thời điểm dịch bùng phát nên cô bị nhiều người phàn nàn. 9X cho hay trước đám cưới khoảng một tuần cô đã khuyên bố mẹ nên hoãn tổ chức tiệc cưới nhưng không được đồng ý.

"Khi hai bên gia đình đi xem ngày, được phán chỉ cưới đầu năm mới hợp tuổi, nếu không tổ chức được thì phải chờ tới tận 2 năm nữa", cô kể.

Phần vì chủ quan, phần vì đã đặt cỗ rồi nên huỷ sẽ mất cọc, tiếc tiền nên bố mẹ Hằng vẫn giữ nguyên quyết định.

"Đám cưới mà tôi không dám mời bạn bè ở cơ quan đến dự. Những người biết tôi vừa tổ chức tiệc cưới xong thì kỳ thị, thì thầm to nhỏ vì cho rằng đó là việc làm sai giữa mùa dịch bệnh.

Gia đình tôi tổ chức 40 bàn tiệc. Đến ngày cưới chỉ có khoảng 30 bàn là lấp đầy, thừa đến hơn 10 bàn. Mọi người đến chúc mừng thì đeo khẩu trang, ăn uống thì gấp gáp, vội vàng cho có lệ", Hằng kể.

Hai người vì mọi người

Bị đặt vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi bạn học cũ ngay xóm bên mời cưới, Nguyễn Dung (Nghệ An) không khỏi khó xử. Cô là giáo viên cấp 2 nên đợt này được nghỉ tránh dịch, không thể viện lý do bận bịu để chối từ.

Dù quê cô chưa có ca nhiễm nào nhưng thời gian gần đây, có không ít người làm ăn, học tập tại thành phố lớn liên tục đi về. Chính quyền cũng nhắc nhở mọi người khai báo y tế khi ở xa về làng, cần cẩn thận, tránh tụ tập đông người.

“Sau khi cân nhắc kỹ, mình quyết định không đến dự. Không thể đi cũng thấy có lỗi với bạn nhưng mình nghĩ việc thực hiện quy định là trách nhiệm.

Một số người bảo ‘Đã có ca nhiễm nào đâu mà phải lo’, ‘Ngồi ăn cỗ một tí lây làm sao được’. Nhưng mình cho rằng nhiều khi dịch bệnh lây lan chỉ vì một phút chủ quan như thế”.

Hoãn cưới không ai muốn, nhưng khách dự trong lo âu thì đâu còn vui-3
Nhiều cặp vợ chồng quyết định hoãn đám cưới vì an toàn của mình và cộng đồng đều được ủng hộ nhiệt tình.

Những ngày dịch bệnh bùng phát, Phan Hòa (nhân viên văn phòng) cũng nghe được nhiều tin hoãn cưới từ đồng nghiệp cho đến hàng xóm. Ngay cả trong cuộc điện thoại về hỏi thăm gia đình cô cũng được mẹ kể: “May quá tháng trước cậu Sơn đám cưới xong rồi, tuần sau có đám cưới nhà ông Hào trong xóm nhưng chắc hoãn thôi, ai mà dám đi”.

Một chị đồng nghiệp của Hòa đã phát thiệp khắp cơ quan, gần sát ngày cũng đành ngậm ngùi đăng lên trang cá nhân, gọi điện cho từng người cáo lỗi bởi liên tục có thông báo ca nhiễm mới. Tiệc cưới bị hủy và dự kiến sẽ không tổ chức lại nữa.

“Nghe kể chi phí bỏ ra cũng khá lớn để thuê tổ chức, hủy ngang cũng là bất đắc dĩ. Nhưng chị đồng nghiệp nói ghi trên thiệp mời người ta đến chung vui, mà trong tình hình này thì vui sao được.

Không thể đặt gánh nặng tâm lý lên khách mời, ‘hai người vì mọi người’ cũng là điều nên làm. Có thể anh chị ấy sẽ không tổ chức tiệc cưới nữa mà để dành tiền làm lễ kỷ niệm ngày cưới sau này, như vậy cũng sẽ rất vui mà lại an toàn”.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/hoan-cuoi-khong-ai-muon-nhung-khach-du-trong-lo-au-thi-dau-con-vui-post1061034.html

COVID-19 Virus Corona Đám cưới

Tin tức mới nhất