Các dấu hiệu nhận biết và cách phòng đột quỵ giữa thời tiết lạnh sâu

Để phòng tránh đột quỵ trong mùa lạnh nhất là những ngày có rét đậm, rét hại, người có bệnh lý huyết áp cần kiểm soát tốt huyết áp, theo dõi các chỉ số huyết áp thường xuyên, uống thuốc huyết áp theo chỉ định, kiểm soát mỡ máu...

Những ngày này thời tiết luôn dưới 10 độ C, thời tiết giảm sâu nhất từ đầu mùa đông đến nay. Thời tiết lạnh sâu cũng là nguyên nhân khiến số bệnh nhân đột quỵ gia tăng.

Theo thống kê từ đầu tháng 10/2021 đến nay, tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận gần 60 trường hợp đột quỵ não với các mức độ khác nhau.

Đáng chú ý là các bệnh nhân này không được phát hiện sớm, vào viện khi đã quá 'giờ vàng' (4,5 giờ kể từ khi khởi phát bệnh) nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn, để lại di chứng nặng nề và nguy cơ tử vong cao.

Các dấu hiệu nhận biết và cách phòng đột quỵ giữa thời tiết lạnh sâu-1
Bệnh nhân nữ N.T.L, 75 tuổi, trú tại thành phố Cao Bằng vào viện trong tình trạng hôn mê

Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhân nữ N.T.L, 75 tuổi, trú tại thành phố Cao Bằng vào viện ngày 20/2 trong tình trạng hôn mê. Người nhà cho biết, khoảng 6h sáng phát hiện hôn mê, chưa được xử trí gì và được đưa đi cấp cứu.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não do tăng huyết áp. Hiện nay bệnh nhân tiếp tục được thở máy, chăm sóc, điều trị tích cực.

Tình trạng gia tăng bệnh nhận đột quỵ không chỉ ở các bệnh viện vùng cao, ngay tại Bệnh viện Quân y 103 (tại Hà Đông, Hà Nội) TS. Đặng Phúc Đức, Phó Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 cũng cho biết thời gian gần đây khi thời tiết lạnh sâu, số bệnh nhân đột quỵ nặng vào viện Quân y 103 điều trị đang có xu hướng gia tăng.

Trung bình mỗi ngày, Khoa Đột quỵ tiếp nhận khoảng 5 trường hợp nhập viện, đa số diễn tiến nặng. Tuổi trung bình của các bệnh nhân khoảng trên dưới 66 tuổi, tỷ lệ nam giới cao hơn nữ (có thể liên quan đến lối sống thiếu khoa học như thuốc lá, bia rượu,… của nhiều nam giới).

Lý giải tình trạng người cao tuổi dễ mắc bệnh đột quỵ khi thời tiết lạnh sâu, TS. Trần Quang Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho rằng, phần lớn những bệnh nhân này đã có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường.

Khi gặp thời tiết lạnh cơ thể người cao tuổi không thích nghi kịp khiến huyết áp tăng vọt, dẫn đến đột quỵ. Đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường, mùa lạnh thường ăn nhiều hơn khiến đường huyết tăng cao, gây biến chứng. Có người bị đột quỵ tái đi tái lại nhiều lần.

Ngoài ra, trời lạnh làm mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp làm lưu lượng máu đến não kém. Khi mạch máu co lại dễ làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Đối với những người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong cao hoặc để lại các biến chứng vô cùng nặng nề.

Đặc biệt với các bệnh nhân có bệnh lý về huyết áp hay tim mạch, khi có những dấu hiệu méo miệng, lưỡi tê cứng, khó nói hoặc không nói được, nhìn mờ thì gia đình cần gọi xe cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Các bác sĩ cảnh báo, đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới và để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe trong những ngày thời tiết lạnh là chìa khóa vàng để phòng tránh đột quỵ.

Thời gian từ khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng. Đây được gọi là 'thời gian vàng' quyết định sự sống của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não.

Thời gian vàng trong đột quỵ não là 3 đến 4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ, người bệnh được đưa đến cơ sở y tế càng sớm thì tỉ lệ tử vong và di chứng nặng sẽ càng giảm.

Để phòng tránh đột quỵ trong mùa lạnh nhất là những ngày có rét đậm, rét hại, người có bệnh lý huyết áp cần kiểm soát tốt huyết áp, theo dõi các chỉ số huyết áp thường xuyên, uống thuốc huyết áp theo chỉ định, kiểm soát mỡ máu.

Đồng thời cần giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời lạnh, không nên dậy tập thể dục quá sớm; không dùng các chất kích thích như thuốc lá rượu bia, ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Những người trung niên, cao tuổi nên khám sức khỏe định kỳ để được tư vấn dự phòng đột quỵ. Khi thấy người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ, người nhà cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất có đủ phương tiện, kỹ thuật, chuyên môn để cấp cứu, điều trị kịp thời.

Theo Infonet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/troi-lanh-sau-nhung-ai-de-bi-dot-quy-cach-nao-phong-ngua-405088.html

đột quỵ

Tin tức mới nhất