Đau lòng bố mẹ là thủ phạm khiến con bị bệnh tiểu đường

Lối sống ít vận động, ăn nhiều chất béo, tăng cân quá mức ở trẻ nhỏ khiến nhiều trẻ bị bệnh tiểu đường dù mới chỉ học tiểu học.

Tiểu đường tuyp 2 ở bệnh nhi béo phì

Học lớp 4 nhưng cháu Dương Hải Anh trú tại Quan Hoa, Cầu Giấy nặng 60kg, cao 1,37cm. Lúc sinh ra Hải Anh đã nặng 4,3 kg. Nhờ cân nặng và ăn tốt nên Hải Anh tăng cân rất nhanh. Khi học lớp 3, cháu đã nặng gần 60kg.

Bố mẹ của bé Hải Anh cho biết từ khi sinh ra cho đến bây giờ, chưa bao giờ Hải Anh kém ăn nên cân nặng của cháu tăng rất tốt.

Gần đây, thấy con thường mệt mỏi, đi tiểu nhiều và sụt cân. Bố mẹ Hải Anh tưởng con bị ốm nên đi truyền dịch, nước hoa quả với hi vọng con bớt mệt mỏi.

Tuy nhiên, triệu chứng mệt mỏi kéo dài, khi cho cháu đi khám thử đường huyết bác sĩ phát hiện đường huyết của cháu quá cao và cháu được xác định bị tiểu đường tuyp 2.

Bố mẹ của Hải Anh khá choáng váng vì con của họ còn nhỏ đã mắc phải bệnh mãn tính của người cao tuổi.

Trường hợp của bé Bùi Minh Thy – Tân Mai, Hà Nội cũng tương tự. Minh Thy 10 tuổi nhưng nặng 50kg. Cháu đi khám dinh dưỡng được khuyến cáo giảm béo để giảm mắc các bệnh chuyển hóa.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa

Bố mẹ Minh Thy cho biết họ cố cho con ăn giảm đi nhưng cháu đói càng hay ăn vặt, kẹo bánh hơn. Gần đây, cháu có biểu hiện háo nước và hay đi tiểu.

Có đêm cháu đi tới 6- 7 lần. Bố mẹ cháu đưa con đi khám bác sĩ cho biết cháu bị tiểu đường tuyp 2. Bà ngoại của Minh Thy cũng đang điều trị bệnh này.

Bác sĩ khuyên mẹ của Minh Thy cần tầm soát tiểu đường vì có thể chị cũng mắc bệnh này vì bệnh có tính di truyền và khi sinh bé Thy nặng 4kg. Đây là yếu tố cảnh báo có thể bị tiểu đường ở nhiều chị em phụ nữ.

Cần thay đổi lối sống

Giáo sư Tạ Văn Bình – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội Tiết trung ương cho biết bệnh tiểu đường tuyp 2 đang trẻ hóa, đặc biệt bệnh đã xuất hiện ở trẻ em.

Đứa trẻ nhỏ tuổi nhất được giáo sư Bình điều trị tiểu đường là 7 tuổi. Hiện nay trẻ từ 10 – 13 tuổi bị tiểu đường tuyp 2 tăng đáng kể.

Trước đây, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuyp 2 phải từ 40-45 tuổi trở lên. Nay, bệnh nhi ở độ tuổi từ 11-15 đã mắc, chủ yếu sống tại các thành phố lớn.

Giáo sư Bình cho biết bệnh tiểu đường tuyp 2 gia tăng ở trẻ do lối sống, sinh hoạt của trẻ nhỏ.

Nhiều bậc cha mẹ thương con quá, cố gắng "vỗ béo" cho con từ trong thai kỳ mà không hiểu có thể gây ra các rối loạn chuyển hóa cho con trong đó có tiểu đường.

Tiểu đường tuyp 2 ở trẻ được xác định nguyên nhân do thừa cân và béo phì. Thời gian học tập của các cháu quá nhiều. Còn thừa thời gian nào là các cháu lại chơi game, xem ti vi…, không vận động thể dục thể thao.

Ngoài ra, các thức ăn thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhanh quá nhiều, đây cũng là những nguyên nhân hàng đầu gia tăng tỷ lệ béo phì và dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuyp 2.

Theo thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh tiểu đường ở Việt Nam tăng quá nhanh, đặc biệt tuyp 2.

Theo điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương từ năm 2002-2012 bệnh nhân tiểu đường tuyp 2 ở độ tuổi từ 30-40 tăng 200%.

Trong khi đó, Tổ chức y tế thế giới lo ngại về căn bệnh này chưa phát hiện ở ngoài cộng đồng rất cao, khoảng 63%.

Bệnh tiểu đường thường không có triệu chứng, bệnh tiến triển âm thầm trong cơ thể, chỉ khi xuất hiện những triệu chứng về lâm sàng như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân.

Bệnh tiểu đường tuyp 2 có thể tiến triển âm thầm trong cơ thể từ 5-10 năm, thậm chí 12 năm sau mới phát bệnh.

Giáo sư Bình khuyến cáo, đối với những trẻ béo phì, cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đặc biệt thử lượng đường huyết trong máu để phát hiện bệnh sớm bệnh cho trẻ.

Để phòng chống được bệnh tiểu đường tuyp 2 và trẻ nhỏ cũng như người lớn phải có lối sống lành mạnh như sinh hoạt hợp lý và gia tăng vận động thể lực.

Theo Infonet


Tin tức mới nhất