Kim tự tháp Khufu ở Giza, Ai cập, là kỳ quan lâu đời nhất trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Đây cũng là kỳ quan duy nhất phần lớn còn nguyên vẹn.
Nói đến kim tự tháp, nhiều người nghĩ ngay đến Ai Cập với nhiều di tích nổi tiếng mê hoặc lòng người. Tuy nhiên, ít người biết rằng có một đất nước châu Phi có nhiều kim tự tháp hơn Ai Cập.
Theo thống kê, số lượng kim tự tháp ở Sudan nhiều gấp đôi số lượng ở Ai Cập. Có khoảng hơn 250 kim tự tháp xây dựng ở Sudan trong khi đó con số này ở Ai Cập khoảng 120.
Những kim tự tháp nằm trên nhiều bãi cát sa mạc gần thành phố cổ Meroë, minh chứng cho một chương lịch sử châu Phi ít người biết đến.
Sudan từng là quê hương của Vương quốc Kush, đối thủ của đế chế Ai Cập. Thành phố Meroë trở thành thủ đô của Kush, đây cũng là nơi chôn cất hơn 30 vị vua trong các kim tự tháp.
Trong khoảng thời gian 200 năm, khoảng 3000 năm trước Công nguyên, các pharaoh Ai Cập đã đưa quân đội về phía nam dọc theo sông Nile để tìm kiếm vàng, đá granit làm tượng, lông đà điểu và tìm thêm nô lệ.
Họ tiến hành xây dựng những pháo đài kiên cố, nhiều ngôi đền để đánh dấu, chứng tỏ sự thống trị của mình.
Khu vực bị chinh phục là nơi sinh sống của người Nubia, những cư dân đầu tiên ở thung lũng trung tâm sông Nile, miền bắc Sudan và miền nam Ai Cập ngày nay.
Khi đế chế Ai Cập sụp đổ vào năm 1070 trước Công nguyên, triều đại Nubia, do Alara lãnh đạo đã đi đầu trong quá trình phục hưng văn hóa, trong đó có việc xây dựng các kim tự tháp của riêng họ.
Các kim tự tháp Nubia khác với các kim tự tháp Ai Cập, kích thước của chúng nhỏ hơn, các mặt kim tự tháp dốc hơn.
Phần lớn các kim tự tháp trong tình trạng hư hỏng do sự phá hủy của kẻ đào mộ và săn kho báu những năm 1800. Chỉ có một số rất ít trong tình trạng hoàn hảo nhưng nhiều cái chỉ còn là đống gạch vụn.
Màu sắc kim tự tháp khá đặc trưng do hàm lượng sắt trong đá cao.
Mặc dù ít nổi tiếng hơn so với nhóm các kim tự tháp ở Giza ở Ai Cập, khu phức hợp tại Meroë ở Sudan rất đáng chú ý. Các kim tự tháp chủ yếu là lăng mộ của hoàng gia, đã được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO, nhưng không nhiều kim tự tháp mở cửa đón khách thăm quan.
Theo Infonet