Đừng phung phí tuổi trẻ

Đọc dòng tin hàng trăm bạn trẻ đổ xô ra phố đi bộ Nguyễn Huệ xem… 2 cô gái gây chiến, tôi vừa bực vừa xót, vừa có chút lo lắng liệu trong đám đông ấy có cháu tôi hay con em của những người bạn mà tôi đã quen hay không.

Một sự kiện bất thường và nhảm nhí hơn tất cả những bất thường và nhảm nhí, một lần nữa làm chúng ta phải đặt câu hỏi: các em đang hành động vì điều gì? Các em đang đối xử với tuổi trẻ và thời gian sống của các em như thế nào?

Đừng phung phí tuổi trẻ
Cô gái gây náo loạn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP HCM (Ảnh facebook)

Những ngày này đây và có thể là giờ này đây, không ít các em khác bằng tuổi của các em đang có mặt ở các vùng sâu vùng xa để giúp bà con đồng bào trong chiến dịch Mùa hè Xanh. Không ít các em sinh viên các trường Y đang về vùng xa giúp đồng bào khám chữa bệnh, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Và không xa xôi, một bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên Y khoa đang đến một số con hẻm, một số khu vực sống cạnh các bờ kênh ở Sài Gòn để thực hiện chương trình sức khỏe cộng đồng. Những địa bàn này, cách nơi mà các em trai gái tham gia cái đám đông hôm trước không xa xôi gì cả.

Mười lăm năm trước, cũng trong đợt nghỉ hè, tôi đã thực hiện chuyến đi đầu đời của một phóng viên tương lai đến Tây Nguyên, với một số tiền ít ỏi đủ đi lại để chi tiêu những nhu cầu cần thiết. Tôi đã tìm đến những vùng sâu nhất, xa nhất ở Gia Lai và Lâm Đồng, sống với đồng bào, và thực hiện những ký sự đầu tiên. Tôi hành động vì kỹ năng nghề nghiệp. Tôi đối xử với tuổi trẻ của mình bằng trải nghiệm cuộc sống và tôi không để những ngày nghỉ hiếm hoi của mình thành lãng phí.

Hồi đó, chúng tôi đã sử dụng internet, dù không phổ biến như bây giờ. Tuy nhiên, nếu được phổ biến như giờ, thì tôi vẫn kiên định với những đường hướng đúng, như là các em sinh viên trường Y, các em sinh viên trong chiến dịch Mùa hè Xanh, chứ không phải như các em trên quảng trường Nguyễn Huệ của ngày qua. Chắc chắn thế.

Sự lãng phí tuổi trẻ không chỉ ở những việc làm “vô bổ” như sự kiện quãng trường Nguyễn Huệ mà còn ở ngay cả những sự kiện mà các em ngỡ như là tốt. Ví dụ, dưới cái nắng 40 độ, các em dàn hàng lại làm “giải phân cách” sống, bất chấp hiểm nguy và tiêu hao sức lực, mà không hiểu giá trị mang lại là gì, trong mùa Thi vừa qua cũng là một minh chứng. Hay hành động…ra đường cao tốc dọn rác giữa đống xe cộ lao ầm ầm cũng thế, trong khi các em hoàn toàn có thể cùng nhau vào nội đô nhặt túi nilon ở các miệng cống hay tổ chức thành một ngày trong tuần sống xanh cùng thành phố, không rải cốc nhựa túi nhựa lên bãi cỏ, giá trị cao gấp nhiều lần.

Tuổi của các em là tuổi của việc tự ý thức được hành động của mình rồi chứ không phải cái tuổi để phải đổ lỗi cho nhà trường, cho việc cha mẹ giáo dục này nọ hay bỏ mặc không chăm sóc nọ kia, hay do truyền thông phát triển này nọ. Lối sống ích kỷ, adua và bầy đàn đã thâm nhập vào một bộ phận không nhỏ giới trẻ, mà trong đó không ít các bạn là những người có ăn có học, được trang bị đầy đủ mọi tiện nghi của cuộc sống, tạo ra những hành động rất bất thường, bất ổn, làm lãng phí thời gian và tuổi trẻ của mình với những sự kiện và việc làm vô bổ.

Khi con tôi bước vào tuổi 12, tôi dạy con phải ý thức được việc mình làm. Tức là con luôn phải tự đối diện với câu hỏi: Con làm điều đó để làm gì? Điều đó ảnh hưởng tốt và xấu đến mình và người khác như thế nào trước khi quyết định việc gì đó. Chắc chắn một điều, ở tuổi của các em, không ở trường thì cũng đâu đó trong cuộc sống, đã có người nhắc cho các em hai chữ “ý thức”. Ý thức không phải là điều xa lạ. Và cũng đừng biến nó thành xa lạ. Nó chỉ là câu hỏi: “làm thế để làm gì và được gì, có giá trị gì”, thế thôi.

Hãy ý thức với tuổi trẻ của mình, thứ đẹp nhất của cuộc đời, nhưng cũng là thứ đi qua rất nhanh, các em ạ.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất