Góc khuất day dứt phía sau kỷ lục Olympic của "Nữ thần TQ"

Wu Minxia đã được ca ngợi là “Nữ thần” sau khi lập kỷ lục chưa từng có tại Olympic. Nhưng đằng sau ánh hào quang đó là nhiều góc khuất chẳng mấy người thấu hiểu.

Góc khuất day dứt phía sau kỷ lục Olympic của "Nữ thần TQ"

Khởi đầu của chặng đường "thấm đau vì những mũi gai"

Với tấm HCV vừa giành được tại Rio, Wu Minxia đã đi vào lịch sử Olympic khi trở thành nữ VĐV đầu tiên trên thế giới giành Vàng ở 4 kỳ Olympic liên tiếp.

Điều đó càng khiến những NHM tại Trung Quốc có thêm lý do để đặt cho Wu biệt danh "Nữ thần", bởi vốn dĩ cô đã sở hữu một vóc dáng thon thả, làn da trắng và gương mặt thanh tú.

Nhưng đằng sau ánh hào quang trên đỉnh thế giới, Wu Minxia đã trải qua không ít đắng cay cả về thể xác lẫn tinh thần.

Wu Minxia sinh 1985 tại Thượng Hải trong một gia đình trung lưu. Thuở bé, cô từng khiến phụ huynh phải đau đầu vì thói hay "nghịch nước". Dù nắng hay mưa, cô chỉ có niềm đam mê lớn nhất là được chạy chân trần, đầu trần rồi tung tăng hết vũng này đến bãi nọ.

Góc khuất day dứt phía sau kỷ lục Olympic của Nữ thần TQ - Ảnh 1.
Thuở thơ ấu của Wu Minxia
.

Đến mùa xuân 1991, trường Thể thao Thượng Hải có đợt tuyển VĐV năng khiếu và Wu Minxia đã xin ứng thí cùng 100 bạn khác. Đến lúc xếp hàng, các HLV thấy Wu có chiều cao nhỉnh hơn các bạn, lại có khuôn mặt khả ái nên đã tuyển chọn.

Wu Minxia được tiêm một mũi vắc-xin sau đó, nhưng chẳng hiểu có phải do thuốc bị phản ứng hay không mà mỗi khi bơi, da của cô lại sạm đen lại. Lúc đó, cha mẹ của Wu Minxia đã rất lo lắng vì nghĩ con mình bị mắc căn bệnh nào đó.

Nhưng rồi Wu vẫn được gửi lên tập luyện ở trường Thể thao Thượng Hải. Bốn năm sau, nhờ có sự tiến bộ nhanh chóng nên cô gái được đôn lên huấn luyện trở thành VĐV chuyên nghiệp.

Tới năm 1998, Min Wu Xia đã được lựa chọn vào đội tuyển lặn quốc gia Trung Quốc ở tuổi 13. Nhưng để có được điều đó, Wu phải trải qua quá trình tập luyện vô cùng hà khắc mà chẳng mấy khi được về thăm gia đình.

Góc khuất day dứt phía sau kỷ lục Olympic của Nữ thần TQ - Ảnh 3.
Wu Minxia từng trải qua nhiều cay đắng.


Mới chỉ là một đứa trẻ, nhưng những bài tập như hành xác, rồi hàng tá chấn thương khiến cô bị sưng tấy, đau đớn là chuyện cơm bữa, chưa kể tới những lần bị HLV mắng chửi, thậm chí cho "ăn đòn"…

Sau này, khi đã trở thành VĐV hàng đầu thế giới và giành được tới 4 tấm HCV, những vết thương năm xưa thi thoảng lại tái phát, khiến cô phải chịu đau đớn hàng tháng trời, và tất nhiên, những vết sẹo lớn hằn sâu trên cơ thể là điều không thể tránh khỏi.

Năm 2013, sau kỷ lục giành 4 HCV ở 3 kỳ Olympic liên tiếp, Wu Minxia từng tuyên bố giải nghệ ở tuổi 26 bởi cô dính phải quá nhiều chấn thương và cảm thấy mệt mỏi, muốn buông xuôi tất cả.

Góc khuất day dứt phía sau kỷ lục Olympic của Nữ thần TQ - Ảnh 4.
Những vết sẹo để lại do chấn thương.


Nhưng bằng sức mạnh và niềm đam mê, Wu đã nén đau để tập luyện trở lại với mục tiêu giành HCV Olympic Rio 2016, và nỗ lực bằng thép của cô đã được đền đáp.

Ông bà qua đời 1 năm không biết, mẹ bị ung thư 8 năm không hay

Wu Minxia từng tâm sự rằng: "Nếu bạn là một người phụ nữ bình thường, có lẽ bạn sẽ không thể hiểu được nỗi đau mà chúng tôi đã phải trải qua".

Nhưng chính cô cũng từng thú nhận rằng, nỗi đau về thể xác vẫn chẳng thấm vào đâu so với sự day dứt về tinh thần.

Tại kỳ Olympic năm 2012, để giữ sự tập trung tuyệt đối cho Wu, cha mẹ cô đã giấu chuyện ông bà nội đã qua đời cách đó hơn một năm. Thậm chí, bố của Wu Minxia còn giấu biệt việc mẹ cô bị ung thư vú ròng rã suốt 8 năm qua.

Góc khuất day dứt phía sau kỷ lục Olympic của Nữ thần TQ - Ảnh 5.
Wu Minxia (phải) cùng một đồng đội.

Mãi về sau, Minxia chỉ hay tin ông bà mất và mẹ bị ung thư sau khi đoạt HCV đầu tiên tại London ở nội dung nhảy cầu 3m đôi.

Đón nhận thông tin bàng hoàng, Wu Minxia chỉ còn biết đau đớn đến tê tái bởi cô không thể gặp mặt ông bà trước khi họ vĩnh viễn ra đi, cũng chẳng thể có được một ngày được chăm sóc người mẹ đang sống chung với căn bệnh ung thư quái ác.

Nhưng lần này, nỗi đau và sự dằn vặt không còn làm Wu Minxia muốn buông xuôi nữa. Ngược lại, nó càng tiếp thêm cho cô sức mạnh, để giành thêm tấm HCV thứ 2 tại Thế vận hội London ở nội dung nhảy cầu 3m đơn.

Sau kỳ Thế vận hội này, bản thân ông Wu Jueming - cha của Wu Minxia cũng tiết lộ về nỗi dằn vặt của mình:

"Con gái tôi có gọi điện về nhà sau khi mẹ tôi mới qua đời. Nhưng tôi đã phải nén đi nỗi đau để nói với con gái rằng mọi chuyển vẫn ổn để con bé có thể yên tâm tập luyện. Dù biết nói dối là có lỗi nhưng chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác".

Thậm chí, ông Wu Jueming còn nghẹn ngào nói: Con gái tôi không thường xuyên gọi điện về nhà bởi nó phải tập luyện đâu có thời gian. Từ lâu chúng tôi đã biết rằng con gái mình bây giờ đã không còn thuộc về gia đình nữa".

Về sau, một tờ báo của Mỹ đã gọi câu chuyện của Wu Minxia là hệ quả bởi hệ thống đào tạo khắc nghiệt của Trung Quốc, và đó cũng là hệ quả của căn bệnh thành tích vốn là "vấn nạn" của nền Thể thao nước này.

Với Wu Minxia, cô đã có tất cả những danh hiệu hay nói đúng hơn là cô đã quá quen với việc ngự trị trên đỉnh cao danh vọng, thứ mà bất kỳ VĐV nào cũng ao ước.

Tất nhiên, điều đó phải đánh đổi bằng máu, nước mắt, bằng tuổi thơ và cả thời son trẻ của mình, còn cả những nỗi day dứt, đau đớn, dằn vặt mà chẳng biết đến bao giờ mới có thể nguôi ngoai.

- Tại Olympic 2008, nữ VĐV cử tạ Cao Lei của nước chủ nhà Trung Quốc bước lên bục nhận HCV với những giọt nước mắt, không phải vì hạnh phúc và vì nỗi đau khi vừa nhận tin mẹ mất trước đó hơn hai tháng nhưng mọi người đã giấu cô.

Sau khi nhận huy chương, cô gái này đã lập tức bắt xe về quê ở Hồ Bắc để chịu tang mẹ.

- Tại Olympic 2012, có thông tin còn cho rằng Trung Quốc đã thông qua giới truyền thông nước nhà gửi lời chúc mừng rất nhanh đến từng VĐV đoạt HCV tại London nhưng lại không hề đả động lời nào đến những người đoạt HCB hoặc HCĐ.


Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất