Hà Nội: Lý do giết chết con trai 12 tuổi của bà mẹ "hổ dữ" khiến người nghe uất giận

Hổ dữ không ăn thịt con, nhưng người mẹ ấy lại ra tay cướp đi mạng sống của con trai mình. Để rồi, người mẹ ấy phải đối mặt với án tù oan nghiệt, để lại con gái nhỏ bơ vơ. Tất cả bi kịch ấy cũng vì túng quẫn.

“Tôi đã cố gắng kiềm chế không để rơi nước mắt khi nghe bà ấy thuật lại hành vi giết chính con ruột của mình”, luật sư Nguyễn Anh Thơm (người được chỉ định bào chữa cho bị can Nguyễn Thị Sự) kể lại.

Tháng 12/2015, cái tin chị Nguyễn Thị Sự (sinh năm 1972, thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) giết chết con trai ruột đã làm những người dân nơi đây phải bàng hoàng. Đứa trẻ 12 tuổi chăm ngoan, học giỏi đã phải chết tức tưởi dưới bàn tay của mẹ khiến ai cũng xót thương…

Quá túng quẫn người mẹ giết con trai ruột, con gái bơ vơ không nơi nương tựa
Bé Thúy chuẩn bị được gửi vào làng trẻ SOS sau khi mẹ đi tù (Ảnh An Nhiên).


Giết con để chấm dứt túng quẫn…

Cuộc đời chị Sự rất truân chuyên. Sau khi ly hôn với người chồng đầu tiên, chị Nguyễn Thị Sự nuôi đứa con trai chung của hai vợ chồng. Năm 1999, đứa trẻ qua đời vì tai nạn giao thông khi mới 9 tuổi. Chị Sự tiếp tục chung sống như vợ chồng với một người đàn ông khác rồi sinh hai con là Nguyễn Chiến Thắng (sinh năm 2008) và Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 2004). Hai đứa trẻ chẳng được mang họ bố vì người đàn ông ấy đã có vợ con ở Hà Nội. Việc qua lại với chị Sự chỉ nhằm mục đích kiếm đứa con trai để nối dõi tông đường.

Sau khi người đàn ông ấy qua đời vì bệnh ung thư gan, chị Sự lại yêu thương một người đàn ông đã có vợ con khác. Chị bị đánh ghen. Rồi chị am mê cờ bạc, lô đề dẫn đến lún sâu vào nợ nần. Ruộng đất bố mẹ cho, chị phải mang đi gán nợ nhưng không đủ. Số tiền vay nặng lãi cứ ngày một lớn dần.

Cuộc sống túng quẫn khiến người mẹ ấy nảy sinh ý định giết chết hai con rồi tự tử. Chấm dứt cuộc sống bị dồn nợ nần liên tục.

Chiều 15/1/2015, Thắng bị đau bụng nên không đi học được. Buổi trưa sau khi hai mẹ con ăn xong, Thắng đi ngủ. Khi Thắng tỉnh dậy, chị Sự nói với con về hoàn cảnh gia đình, về việc chị nợ nần không có tiền trả, sắp bị người ta đến lấy nhà nên không biết ở đâu, chỉ còn cách cả 3 mẹ con cùng chết. “Thôi con đi xuống trước với bố, mẹ và em sẽ xuống sau. Hôm nay mẹ làm gì có lỗi với con thì con hãy tha thứ cho mẹ…".

Nghe mẹ nói thế, Thắng không biết nói gì, chỉ ôm mẹ khóc. Khi đứa con đáng thương ấy đang khóc thì chị Sự đã dùng tay đánh 2 phát vào gáy của con. Thắng kêu lên: "Mẹ ơi con đau lắm...". Chị Sự đã tiếp tục túm tóc con đập đầu xuống phản gỗ, rồi lấy chăn bịt vào mặt Thắng khoảng 15 phút làm cháu tắt thở, tím tái mặt mũi…

Nhìn đồng hồ gần cuối giờ chiều, Chị Sự đi đón bé Thúy về nhà. Khi về đến nhà, Thúy nhìn thấy anh nằm bất động trên phản gỗ liền hỏi mẹ : "Anh bị làm sao đấy”. Chị Sự bảo: "Anh ốm để anh nghỉ...". May mắn là Thúy đi học về, nhà có vài bé hàng xóm sang chơi nên chị Sự không thực hiện được ý định giết chết con gái.

Sau đó, Thắng được bác ruột đưa đi cấp cứu. Nhìn các vết thương của bé, bác sỹ nghi ngờ lời của chị Sự: “Cháu chết do đi học bị ngã”. Sau khi bác sỹ báo công an đến, chị Sự bị bắt và cúi đầu nhận tội. Đám tang của con, người mẹ ấy không được dự.

Hối hận muộn màng

“Trong cuộc đời hành nghề luật sư hơn 10 năm qua, tôi chưa bao giờ vừa nghe bị can khai mà thấy rớm nước mắt như khi nghe câu chuyện này. Thương đứa trẻ phải chết tức tưởi bao nhiêu lại lo cho đứa bé còn lại còn bơ vơ, côi cút bấy nhiêu”- luật sư Nguyễn Anh Thơm kể lại.

Quá túng quẫn người mẹ giết con trai ruột, con gái bơ vơ không nơi nương tựa
Sau khi gây ra lỗi lầm, người mẹ mới biết lo cho tương lai của con gái nhỏ.


Những ngày hè tháng 5, chúng tôi đã cùng ông Thơm về huyện Sóc Sơn thăm bé Thúy. “Thằng cu vừa hiền lành, ngoan ngoãn lại học giỏi, ở đây không ai là không thương nó”, nhiều người dân thôn Dược Hạ nói với chúng tôi. Sau khi mẹ đi tù, Thúy được đưa về ở với ông Nguyễn Văn Quân (anh trai bà Sự). Ngôi nhà chị Sự trở nên hoang phế, chỉ có bàn thờ của đứa trẻ đáng thương.

“Nuôi nó thì dễ nhưng để nó thành người khó lắm”, ông Quân nói. Vì suy nghĩ ấy, ông đã nhờ người xin cho Thúy vào làng trẻ SOS. Khi gặp luật sư, bà Sự đã nhờ ông Thơm nhắn về gia đình đừng gửi Thúy vào làng trẻ SOS. “Em xin lỗi vì những gì đã xảy ra. Nhờ anh chị cố gắng nuôi dạy cháu Thúy cho tới khi em ra tù chứ đừng gửi cháu vào trại trẻ mồ côi”, chị Sự viết thư nhắn về gia đình.

Giờ đây, khi đang ngồi trong phòng tạm giam chờ ngày ra tòa xét xử, những khi kể lại sự việc giết con, chị Sự thường khóc. Biết gia đình muốn gửi con vào làng trẻ SOS, chị Sự lại nhờ luật Sư Thơm tìm người nhận nuôi con mình. “Chị ấy cứ mong nếu ai nhận Thúy làm con để lo cho nó thì tốt quá…”, ông Thơm kể.

Giá như người mẹ ấy biết thương con ngay từ đầu, thì bé Thúy đâu phải chịu cảnh côi cút. Giá như người mẹ ấy hiểu được rằng trẻ con không có lỗi gì trước cuộc sống bế tắc do mình gây ra, thì giờ đây chị đâu phải ở trong tù với nỗi hối hận muộn màng…

 Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao