Hai cô giáo dễ thương kể chuyện chăm trẻ khiến nhiều phụ huynh phát khóc

Theo cô Mộc và Phượng, những lần cô đút cơm, các con nôn hết cả vào quần áo của cô thì đếm không thể hết. Có những buổi trưa đang ôm các con ngủ, tự nhiên thấy ướt hết cả người, hóa ra là các con "tè dầm" sang cả người cô.



Phụ huynh ơi! Vẫn còn có những cô giáo yêu nghề, mến trẻ!

Trước hàng loạt vụ bạo hành trẻ tại các trường mầm non mới xảy ra gần đây khiến không ít phụ huynh lo lắng. Mỗi lần nhìn lại đoạn clip cô giáo dùng dép đánh vào đầu học sinh hay cô hiệu trưởng dốc ngược đầu trẻ lên cửa sổ dọa vì lười ăn là trong lòng các bậc làm cha làm mẹ đều nhói lên nỗi đau, nỗi sợ hãi và băn khoăn về việc chọn trường học cho con. Những sự việc này, dù chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" của môi trường sư phạm, nhưng với nhiều giao viên, đặc biệt là những cô giáo mầm non luôn cho rằng, phần lớn các cô giáo được đào tạo bài bản trong ngành sư phạm còn nhiều lắm và còn đó rất nhiều cô giáo khác yêu trẻ nhưng yêu chính con cháu của mình.

Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Chu Hoa Mộc, công tác tại một trường mầm non ở Hà Nội và cô giáo Trần Thị Thu Phượng, công tác tại trường mầm non ở Quảng Bình chia sẻ rất buồn khi 2 vụ việc trẻ bị bạo hành xảy ra.

Theo hai cô giáo, trong quá trình công tác của mình cũng đã có những lúc nóng nảy khi chăm sóc trẻ. Tuy nhiên với tình yêu thương trẻ và kiến thức được đào tạo khi ngồi trên ghế giảng đường đã cho hai cô bản lĩnh để vượt qua.
 

 

Cô Mộc kể, khi chăm trẻ vừa cô là cô giáo, là mẹ và cũng là chị. Có rất nhiều vấn đề vụn vặt, có đôi lúc trẻ sẽ làm cô buồn bực. “Có khi là con cắn bạn, đánh nhau với bạn, tranh giành đồ chơi. Có khi là con không chịu học bài, hoạt động cùng các bạn mà chỉ thích làm theo ý mình, cũng có khi là con không chịu ăn, mải chơi, mải nói chuyện làm đổ đồ ăn”, cô Mộc nói.

Còn cô Phượng chia sẻ, nghề giáo viên mầm non của cô “vui thì nhiều lắm mà buồn cũng không có ít đâu!”.

“Em còn nhớ rất rõ ngày đó, ngày em lần đầu tiên đứng lớp với vai trò chủ nhiệm, phụ trách chủ nhiệm nhóm lớp 2 tuổi. Ngày đầu tiên đi học của các con, dù đã lường trước được việc các con sẽ khóc rất nhiều, sẽ la hét rất nhiều, nhưng thật sự khi đối diện với tình huống lúc đó, em cực kì hoang mang. Vừa mới dỗ xong cháu này, cháu kia đã khóc um sùm lên, dỗ được cháu kia, cháu khác lại khóc nấc. Cứ như thế, cô phải tất bật theo 25 cháu suốt cả ngày.

Trong khi đó bên ngoài, nhiều giọt nước mắt phụ huynh rơi xuống vì nghe giọng con khóc khàn đặc. Khi em ra gặp phụ huynh để khuyên họ về, để nói rằng giao con cho cô giáo thì hãy yên tâm, để giải thích rằng trẻ mới đến trường cháu nào cũng sẽ như vậy, để chắc chắn rằng chỉ vài hôm nữa các con sẽ ngoan. Vậy mà thấy phụ huynh khóc vì xót con, em cũng bật khóc luôn vì thương con và thương luôn chính mình”, cô Phượng tâm sự.

Bé ốm là cô mất ngủ

Theo cô Mộc và Phượng, những lần cô đút cơm, các con nôn hết cả vào quần áo của cô thì đếm không thể hết. Có những buổi trưa đang ôm các con ngủ, tự nhiên thấy ướt hết cả người, hóa ra là các con "tè dầm" sang cả người cô. Có những hôm các con bị ốm, bị sốt mà gia đình bận việc nên vẫn phải gửi cháu ở trường, đó là những hôm cô thức nguyên buổi trưa để canh giờ cho con uống thuốc, để theo dõi xem con có bị sao không, đã hạ sốt chưa?...

Khi được hỏi về một kỉ niệm nhớ nhất trong nghề, cô Mộc kể đó là trường hợp con đánh và cắn bạn học. “Việc đó làm ảnh hưởng đến chính tinh thần và thể xác của bạn bị cắn. Em nhớ và sợ nhất trường hợp đó! Khi con cắn bạn cùng lớp, đầu tiên thì em nhắc nhở, muốn con đi xin lỗi bạn, hứa sẽ không làm vậy nữa. Có vấn đề gì cứ gọi và mách cô, cô sẽ cùng giải quyết và tháo nút cùng các con.

Thế nhưng những lần sau việc con cắn bạn học vẫn tiếp diễn, vẫn đi cắn rồi có hành vi đánh bạn học khác. Khi đó em làm cứng rắn hơn, không là ở xin lỗi nữa mà là cho con đứng khoanh tay và tự suy nghĩ về việc làm của mình”, cô Mộc nói.

Còn cô Phượng, cô hạnh phúc nhất chính là được thấy các con lớn lên từng ngày, tăng cân từng tháng và mở rộng vốn hiểu biết sau mỗi chủ đề. Ngoài ra, được các phụ huynh ghi nhận công sức và cảm thông trong công việc.

Cô Phượng nói: “Em may mắn khi được phụ huynh tin tưởng và cảm thông. Mỗi khi được phụ huynh gọi điện hỏi thăm, được phụ huynh thông báo cháu nay về nhà ngoan hẳn, cháu nay tăng cân, cháu nay biết giúp đỡ mẹ, cháu đòi gọi điện gặp cô những ngày nghỉ. Những lúc đó, cảm thấy như cả thế giới chẳng còn điều gì hạnh phúc hơn nữa!”.

Theo chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Quang việc trẻ mầm non bị bạo hành xuất phát từ áp lực của giáo viên do phía nhà trường, phụ huynh và chính các cháu trong lớp gây nên. Ngoài ra, do trình độ, kĩ năng chăm sóc trẻ của giáo viên, việc theo dõi sát quản lý của người đứng đầu nhà trường không có.

“Các trường công lập hiện nay không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và dạy dỗ trẻ mầm non, chính vì vậy các trường tư thục được mở ra để đáp ứng nhu cầu đó. Tuy nhiên, do chạy theo lợi nhuận mà hiện nay nhiều trường tuyển chọn người không có chuyên môn, không được đào tạo bàn bản đã “giúp” gia tăng việc cô giáo có hành vi bạo hành trẻ. Do một lúc chăm sóc quá nhiều cháu khiến giáo viên áp lực. Tôi ví dụ cho cháu ăn thì một giáo viên đảm nhận tới mười mấy cháu sao chịu nổi”, ông Quang nói.

Cuối cùng, theo ông Quang, phụ huynh phải là người luôn theo dõi sát, cùng chia sẻ với giáo viên, hỏi han việc học, sinh hoạt của con ở trường để tránh việc bạo hành có thể xảy ra.

Cùng ngắm một số hình ảnh của 2 cô giáo xinh đẹp cùng các bé:


Cô Phượng hiện đang là giáo viên dạy mầm non một trường tại Quảng Bình.




Theo cô Mộc, hạnh phúc của cô là được các phụ huynh ghi nhận công sức và cảm thông trong công việc.

 

>> Hình ảnh 3 đứa trẻ bị trói chân tay, bịt miệng tại trường mầm non gây phẫn nộ

>> Hai cô giáo mầm non đánh trẻ bị cho thôi việc

Luận Nguyễn
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/giai-tri/showbizplus/hai-co-giao-de-thuong-ke-chuyen-cham-tre-khien-nhieu-phu-huynh-phat-khoc-n-111959.html

Hai cô giáo xinh đẹp chuyện chăm trẻ mầm non

Tin tức mới nhất