'Hiệp sĩ' Thanh Tùng và thanh gươm lịch sử với nhạc Việt

(2sao) – Như một hiệp sĩ dũng mãnh đa tình, ông mang theo gươm giáo là những nốt nhạc sắc bén giúp nhạc Việt thoát khỏi bóng cổ thụ bolero, nhạc xưa để hiện đại hóa.

Nhạc Việt trước và sau 1975 vốn in hằn dấu chân của bolero (còn gọi là nhạc vàng, nhạc sến) và nhạc xưa. Dẫu cho những “tướng mãnh” cao cấp nhất của thể loại vàng ròng này đã “tu tiên” ở miền đất khác thì tấm lưới rộng lớn của nó vẫn giăng kín khắp phương trời Việt Nam.



Khán giả Việt như những con chiên ngoan đạo, vẫn đắm say trong bolero và nhạc xưa, xem đó như món chính trong bữa cơm thường nhật. Khi nào ngấy quá thì họ đổi vị sang nhạc ngoại như nhạc Nga, nhạc Âu Mỹ.

Bolero hay lắm chứ! Sâu lắm chứ! Bình dân thì bình dân, nhưng cũng phải từng trải mới thấm được, nên nuôi dưỡng ý thơ trong tấm lòng người ta lắm!

Nhưng một đứa trẻ cần được lớn lên, không thể bắt nó ăn bột mãi mà không cho nó ăn cơm. Bolero hay, đẹp, nhưng sầu quá, “nghèo” quá, “khổ” quá, mùi mẫn quá, cải lương quá. Nó như áo dài, áo gấm, hợp nhiều hơn với những người đứng tuổi, cần sâu lắng, cần suy tư.

Thế còn giới trẻ khi ấy thì sao? Họ không thể mặc mãi áo dài, áo gấm đi học, đi chơi, đi tỏ tình với nhau, hay đi hoạt động tập thể được. Họ cần có quần jean, áo phông để mặc. Họ cần buộc mái tóc xõa dài của họ lên để năng động với tuổi trẻ, với thanh xuân mộng mơ, với sức sống hừng hực của họ.

Nếu cứ bắt giới trẻ nghe mãi cái sầu, cái buồn, cái mùi của bolero, họ sẽ đánh mất sức sống đang lên của mình, mà nặng trĩu hàng tấn ưu tư trong tuổi đời non nớt, để thành những ông cụ non, bà cụ non ủ rũ bên hiên cửa.

Không! Không thể như thế được! Cả một thế hệ không thể vùi sâu trong u buồn như thế! Họ cần được đánh thức tâm hồn tuổi thanh xuân của họ. Nhạc Việt cần phải được đổi thay!



Và thế là, chàng dũng sĩ Thanh Tùng cưỡi bạch mã là những ca từ giản dị, cầm theo gươm giáo là những nốt nhạc nhẹ nhàng phi đến phá tan thành trì vững chắc của bolero và nhạc xưa, giải phóng âm nhạc cho giới trẻ, mang cái tươi mới, trẻ trung đến cho họ. 

Nếu ví người nghệ sĩ ấy với William Shakespeare, Dante Alighieri, Leonardo Da Vinci của thời Phục Hưng thì hơi quá lời. Nhưng không thể phủ nhận rằng, Thanh Tùng cùng với Dương Thụ, Phú Quang, Bảo Chấn… là những chàng hiệp sĩ tốt bụng, tài hoa đã mở ra một thời kì mới cho nhạc nhẹ Việt Nam sau 1980.



Không đao to búa lớn, không tuyên ngôn nghệ thuật, không hùng hục như “trâu húc mả”, Thanh Tùng đến một cách nhẹ nhàng, bình dị như chính những ca khúc của ông, thổi một cơn gió heo may nhẹ mát vào nhạc Việt, làm bay lên khoảng trời xanh mướt những nhánh bồ công anh tươi mới, trong sáng, tràn ngập sức sống. 

Đây không phải định hướng, chỉ đạo, mà là nhân duyên ắt phải đến, tự nhiên như suối chảy, giống như trăng đến rằm trăng phải tròn mà thôi.



Cũng thật may mắn cho người hiệp sĩ ấy, khi cuộc cách mạng tình cờ của ông lại được sự phò trợ đắc lực từ những giọng ca tuyệt vời như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Hà Trần, là lớp nghệ sĩ mới mà “đại tướng” Trịnh Công Sơn từng nói “là tương lai của nhạc Việt”.

Họ, những diva, divo của nhạc Việt, khi ấy còn rất trẻ, mang trong mình thẩm mỹ âm nhạc mới, giọng hát mới, kĩ thuật mới, và quan trọng nhất là sức sống, tâm hồn, lối cảm nhận mới của một thể hệ mới đã tìm đến nhạc Thanh Tùng. 



Để rồi, như diều gặp gió, họ đã chung tay cùng nhau thổi bừng lên sắc xuân mới cho nhạc nhẹ Việt, với những ca khúc năng động, trẻ trung, thoát khỏi bóng “bà mẹ già” bolero và “ông cố nội” nhạc xưa.

Cứ nghe thử bản song ca Trái tim không ngủ yên qua phần song ca của Bằng Kiều và Mỹ Linh, sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng với các bản song ca bolero khác như Phút cuối, Tôi vẫn nhớ, Sầu thím thiệp hồng, Ở hai đầu nỗi nhớ. Giai điệu pop hóa và nhẹ nhàng, trẻ trung hơn rất nhiều, phần khối khí cũng hiện đại hơn với nhiều loại nhạc cụ mới, hòa thanh mới. Quan trọng hơn cả, hai ca sĩ thể hiện nó giản dị hơn, không luyến láy, không mùi mẫn, không nặng nề í ới như ca sĩ bolero, nhưng vẫn đầy kĩ thuật, cảm xúc. Cái hay đến từ chính cái nhẹ nhàng, hát mà như thì thầm ấy. Đó mới là cái cần có ở nhạc pop Việt thời gian này để theo kịp thế giới.

Tác giả chỉ nói đơn giản “Rồi một ngày vắng em, trái tim không ngủ yên” chứ không ỉ ôi ra thành “Rồi một ngày vắng em, hàng hoa sứ cũng buồn, cánh nhạn trắng bay đi, hai đồi thông xa cách…” như bolero. Bởi vậy, câu hát dễ chạm vào trái tim giới trẻ hơn, khiến họ đồng cảm hơn, phù hợp với lứa tuổi, tư duy của họ hơn.

Trái tim không ngủ yên, cái buồn chỉ điểm xuyết chút ít thôi, vừa đủ để khiến người ta khóc nếu hợp lòng. Còn lại là cái nâng nâng, bay bay như một bản ballad nhạc phim, ru người nghe vào không gian của ánh sáng, của nến đêm, của giấc mơ tuổi hồng.

Đến Lối cũ ta về, Chuyện tình của biển, chất ballad hiện đại tiếp tục được phát huy, với những ca từ giản dị, không cầu kì, nhưng vẫn chau chuốt. Đặc biệt, thế hệ sinh viên, học sinh 8x, 9x đời đầu rất thích nghe Lối cũ ta về vì nó bắt nhịp đúng tâm hồn của họ, với những con ngõ dài thơm mùi hoa cỏ, trải rợp bóng mát hàng cây khi những đôi trẻ đạp xe đèo nhau trên phố giữa trưa hè oi ả.

Dù sáng tác những ca khúc buồn đến quặn đau như Một mình, Thanh Tùng cũng không bao giờ để cái sến, cái bi lụy xâm chiếm lấy mình. Ca từ tự sự như bộc bạch chuyện đời, không cần mượn mây mượn gió, hoa mĩ như bolero, mà vẫn khiến khán giả phải rưng rức. Ca sĩ cũng không được phép hát ỉ ôi, lê thê, phải hát thật “nói”, mà vẫn cảm xúc, vẫn lấy đi nước mắt người nghe. Đó là điều mà Hồng Nhung đã làm được.



Rồi ở những ca khúc như Mưa ngâu, Lời tỏ tình mùa xuân, cái hồn nhiên, trong sáng, vui đùa của tuổi học trò được thả sức bay bổng. Hay là thiếu nữ tinh khôi, trẻ trung trong Giọt sương trên mí mắt, Hát với chú ve con. Đó mới là tuổi trẻ của Thanh Tùng, của thế hệ mới, chứ không phải tuổi trẻ sầu não, u buồn trong Nỗi buồn hoa phượng đỏ của bolero.

Ba chị em Tam Ca Áo Trắng khi ấy nhưng những cô học trò tinh khôi hát nhạc Thanh Tùng để thể hiện tâm hồn, tuổi trẻ của mình.

Ngoài ra, Thanh Tùng còn viết một số ca khúc cho cộng đồng như Ngôi sao cô đơn, để cổ vũ tinh thần, tiếp thêm niềm tin cho mọi người vào cuộc đời tươi đẹp. Những tinh thần, ý niệm tích cực này, vô cùng hiếm thấy ở bolero. 

“Em hãy nhìn vào cuộc đời, trong một đời có những cuộc đời Em hãy nhìn vào lòng người, trong mỗi người có cả mọi người, có em và có tôi... Tôi mong em, mong em hãy mang cho đời, tiếng hát trái tim, Và tôi mong em, mong em hãy yêu con người bằng tình yêu của em... Rồi một ngày một ngày cuộc sống mới, ghé bước chân dưới hiên nhà em, Rôì một ngày mặt trời hạnh phúc, rót trên môi chiếc hôn đầu tiên Là tình yêu... đó em! Vì cuộc đời mà em hãy hát, hát tiếng yêu thương cho mọi người, Vì mọi người mà em hãy hát, những tiếng hát tin yêu cuộc đời…!”

Giới trẻ khi ấy, là những 8x, 9x đời đầu, như hữu xạ tự nhiên hương, cảm nhận được sự đồng điệu của nhạc Thanh Tùng với lòng mình, mà tự vươn dậy, thoát khỏi bóng bolero để yêu lấy ông một cách đắm say. Hầu như ca khúc nào của Thanh Tùng cũng in đậm trong lòng khán giả như một phần kí ức của họ về tuổi thanh xuân.

Phiêu lãng, rong chơi như một lữ khách trên cánh đồng mênh mông của tình yêu, nghệ thuật, Thanh Tùng đã đến lúc phải nói lời tạm biệt khán giả để về với cát bụi vô thường, để hội ngộ với các bậc đàn anh như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Văn Cao, nhưng di sản của người hiệp sĩ ấy sẽ còn mãi, nâng đỡ nhiều thế hệ ca sĩ sau này.

Và chúng ta sẽ không quên cuộc cách mạng của Thanh Tùng, nhẹ nhàng, dịu dàng nhưng thay đổi lịch sử nhạc Việt. Càng hiểu sâu, chúng ta sẽ càng khâm phục hơn cái giản dị, mộc mạc của người nghệ sĩ tài hoa này và đó cũng là lý do vì sao sự ra đi của ông lại để lại nhiều tiếc nuối trong làng văn nghệ và giới nghệ sỹ đến vậy. Phải rất rất lâu nữa, liệu không biết có một vị nhạc sỹ nào gây được nhiều cảm hứng đối với một thế hệ như ông hay không.

Đức Long
Theo Vietnamnet


Tin tức mới nhất