Chàng trai từng đỗ ĐH top đầu nhưng trượt dốc, sống 4 năm trong quán game giờ ra sao?

Bất lực khi không thể thay đổi được điểm số trên trường, Jin Aibing chìm vào các trò chơi để quên đi hiện thực.

Từ một học sinh ưu tú, sau khi bước chân vào giảng đường ĐH đã trở thành con người buông thả. Không có tiền thuê nhà, anh đã sống 4 năm trong quán game và ngồi đến 20.000 giờ bên máy tính để chìm vào thế giới ảo nhằm quên đi thực tại.

Trước áp lực thi cử, nhiều cha mẹ vẫn thường nói với con rằng cố gắng thi đỗ, chỉ cần vào trường top đầu, tương lai sẽ tươi sáng hơn. Điều này khiến cho nhiều học sinh coi cột mốc đỗ đại học như một thành công vĩ đại. 

Ngủ quên trên chiến thắng, nhiều sinh viên ĐH quên đi mục đích của mình, đi lệch hướng rồi khó tìm được con đường quay trở lại. Câu chuyện của người đàn ông dưới đây là ví dụ.

Nỗ lực đỗ đại học top đầu để nhận được tiền thưởng 

Vào năm 2004, nhiều trường trung học phổ thông ở Trung Quốc có chính sách trao thưởng 30.000 NDT cho những học sinh được nhận vào trường đại học trọng điểm. 

Trường trung học của Jin Aibing cũng không ngoại lệ. Để có được số tiền này giúp đỡ bố mẹ, cậu bé đã từ bỏ chuyên ngành hóa học mình mong muốn để đăng ký vào ngành máy tính ở trường đại học trọng điểm.

Giống như tất cả các học sinh khác, Jin phải học ngày đêm. Năm 2004, Jin Aibing tham gia kỳ thi và đỗ vào ĐH Cát Lâm với số điểm 647. 

Đại học là môi trường để bạn rèn luyện tính tự giác. Hiếm ai nhắc bạn phải dậy ghi bài khi đang ngủ gục trên bàn. Bạn đi muộn cũng chẳng có ai khiển trách, chỉ đơn giản là không thể điểm danh. 

Jin Aibing cho rằng môi trường đại học thực sự đáng mơ ước. Tuy nhiên, chính sự thoải mái khiến chàng trai này trở nên buông thả.

Không có ai nhắc nhở, Jin dần nuông chiều bản thân với những thói quen như ngủ nướng, đi học muộn. Chàng sinh viên năm nhất chơi game cả đêm và trốn học vào ngày hôm sau khi không thể dậy đi học. 

Cuộc sống buông thả này kéo dài trong suốt 1 năm. Jin dần rơi vào trạng thái trống rỗng và bối rối. Trước đây, Jin Aibing chỉ có một mục tiêu duy nhất là cố gắng hết sức để thi đỗ vào trường đại học. 

Đến khi thực hiện được mục tiêu, cậu lại không tìm thấy ý nghĩa của việc học. Jin cũng không có dự định và mong muốn gì cho tương lai ngoài ước muốn được chơi game. 

Chìm vào những trò chơi để quên đi thực tại  

Ngày nào, cậu cũng ngồi hàng giờ trước máy tính. Trong một lần, Jin may mắn phá đảo một một loại game. Để duy trì kỷ lục của mình, chàng trai đã phải chơi trò chơi này 16 giờ mỗi ngày.

Dường như Jin Aibing chơi thâu đêm suốt sáng, buồn ngủ thì nằm ngay tại bàn và quay trở lại trò chơi khi đã tỉnh giấc.

Vào cuối năm 2, do không đủ điều kiện thi quá nhiều môn, nhà trường đã gửi thư về cho gia đình báo cáo tình hình cụ thể. Sợ gia đình thất vọng và không biết giải thích thế nào, Jin đã khai sai địa chỉ để nhà trường gửi bảng điểm đến một nơi khác. 

Khi thấy nhà trường đưa ra những báo động, Jin Aibing đăng ký để học lại các môn đã nợ. Tuy nhiên, do thức đêm quá nhiều và chìm đắm trong các trò chơi, khả năng tư duy của anh bị giảm sút, học không vào. 

Chàng trai từng đỗ ĐH top đầu nhưng trượt dốc, sống 4 năm trong quán game giờ ra sao?-1
Jin Aibing dần cảm thấy bất lực khi không thể thay đổi được điểm số trên trường

Cảm thấy không còn hy vọng nào nữa, Jin suy sụp và tiếp tục lao vào những trò chơi trực tuyến để trốn tránh hiện thực. Thực tế, Jin Aibing biết việc của mình làm là sai. Tuy nhiên, "vũng bùn" quá lớn, cậu không thể bước ra khỏi nó. 

Năm 2008, các bạn cùng lớp tốt nghiệp và được nhận bằng. Tuy nhiên, chàng trai này tay trắng vì trượt quá nhiều môn. Chính vì không có bằng cấp, cậu không tìm được việc. 

Ra trường và không còn được bố mẹ hỗ trợ tiền ăn, ở, Jin Aibing rỗng túi. Cậu phải trả lại phòng trọ, kéo vali ra quán game và sống ở đây 4 năm. Để có tiền trang trải cuộc sống, Jin bán các đồ vật trong game và giúp người khác lên hạng ở một số trò chơi.

Bằng cách này anh ta có được 1.500 NDT/tháng (khoảng 4,9 triệu đồng). Sau khi trả hết chi phí, số tiền còn lại đủ để cậu ăn mì gói cả tháng.

Theo thời gian, người đàn ông này ngày càng chìm đắm trong thế giới ảo. Niềm vui và sự phấn khích của trò chơi khiến người Jin thoát ly cuộc sống thực. 

Khi bố gọi điện, Jin Aibing luôn nói dối rằng đã tìm được việc và đang có cuộc sống tốt ở thành phố. Lo lắng một ngày, bạn bè và người thân sẽ biết về tình hình hiện tại của mình. Jin đã chủ động đổi số điện thoại và cắt đứt liên lạc. 

Kể từ đó, người đàn ông này sống trong quán game suốt 4 năm. Trừ khi đi ăn và đi WC, Jin không bao giờ rời khỏi chiếc máy tính.

Thậm chí khi ngủ, anh ta cũng gục đầu trên chiếc máy tính. Cậu mặc chiếc áo khoác màu nâu quanh năm, 6 tháng cắt tóc một lần và chỉ tắm 1 lần/tháng. 

Chàng trai từng đỗ ĐH top đầu nhưng trượt dốc, sống 4 năm trong quán game giờ ra sao?-2
Anh chìm vào các trò chơi để quên đi hiện thực

Làm lại cuộc đời

Vào năm 2013, một phóng viên biết về câu chuyện của Jin Aibing. Được sự đồng ý, người này đã chia sẻ lại. Vào ngày thứ 2, sau khi câu chuyện của người đàn ông này được đăng tải, gia đình của Jin Aibing đã đến quán game để đón con. 

Jin Aibing cho biết anh ta đã mơ về khoảnh khắc này trong hơn 1.000 ngày đêm. Không phải không muốn về nhà, điều anh ta lo sợ là bị bố mẹ trách mắng và thất vọng về những gì bản thân đã làm. 

Tuy nhiên, khi về đến nhà, mọi sự trách móc mà Jin Aibing tưởng tượng không đến. Thay vào đó, bố mẹ chào đón anh ta bằng những cái ôm cùng câu nói "Dẫu có chuyện gì cũng phải trở về". 

Lúc này, Jin trút bỏ được mọi lo lắng. 3 tháng sau đó, người đàn ông đã cầm hồ sơ đi xin việc ở khắp nơi. Không có bằng đại học, anh ta đã chuẩn bị tâm lý sẽ làm công việc nặng nhọc nhất. Jin cũng ghi rõ trong sơ yếu lý lịch của mình "không tốt nghiệp đại học Cát Lâm vì trốn học chơi game". 

Chàng trai từng đỗ ĐH top đầu nhưng trượt dốc, sống 4 năm trong quán game giờ ra sao?-3
Jin Aibing trân trọng công việc hiện tại bởi đó là cách duy nhất để làm lại cuộc đời

Câu chuyện của Jin Aibing không phải trường hợp hiếm gặp. Ai cũng muốn con em mình trúng tuyển vào đại học top đầu. Tuy nhiên không ai bảo các em rằng khi vào đại học phải học như thế nào, làm thế như thế nào để đối mặt với sự khác biệt quá lớn giữa môi trường học tập phổ thông và môi trường đại học.

Chính sự buông thả ở môi trường đại học khiến dẫu đỗ đại học top đầu song nhiều sinh viên vẫn có một tương lai không tốt đẹp.  

Theo Phụ Nữ Việt Nam 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/chang-trai-tung-do-dh-top-dau-nhung-truot-doc-song-4-nam-trong-quan-game-gio-ra-sao-202306131445453.htm?fbclid=IwAR0BVrSdKP6ut1uNHxpNAmrmtk9DvH6sS-CHPvmRvio1rHbu7x2IHZe6n8Q

hiện tượng mạng xã hội đại học

Tin tức mới nhất