Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y học European Journal of Clinical Nutrition đã kiểm tra các tác động lên hormone giới tính của hai kiểu ăn kiêng được nhiều người ứng dụng gần đây là nhịn ăn gián đoạn và ăn hạn chế calo.

Kiểu ăn kiêng thời thượng có làm quý ông yếu đi?-1
Một số nghiên cứu nhỏ khiến quý ông lo ngại rằng kiểu ăn kiêng "nhịn ăn gián đoạn" sẽ gây suy giảm ham muốn tình dục và khối lượng cơ - Ảnh AI: Anh Thư

Nhịn ăn gián đoạn (TRE) là một kiểu ăn kiêng được nhiều người theo đuổi vài năm gần đây, sau những bằng chứng khoa học cho thấy nó có thể cải thiện mạnh mẽ khả năng chuyển hóa, giúp giảm cân, đẩy lùi tiểu đường.

Kiểu ăn kiêng này đòi hỏi bạn "gom" tất cả các bữa trong ngày vào một khung giờ nhất định: Ví dụ nếu ăn 10-14, bạn cần bắt đầu bữa sáng và kết thúc bữa tối trong vòng 10 giờ, có thể ăn thoải mái trong 10 giờ đó nhưng hoàn toàn không ăn gì trong 14 giờ còn lại trong ngày.

Trong khi đó, ăn hạn chế calo đơn giản hơn là cố gây thâm hụt calo - tức nạp vào ít hơn năng lượng sử dụng trong ngày - để giảm cân dần.

Mặc dù TRE ra hiệu quả hơn trong việc giúp giảm cân, giảm các triệu chứng chuyển hóa mà không phải kiêng khem quá khổ cực, nhưng có những thông tin cho rằng kiểu ăn kiêng này có thể tác động tiêu cực lên hormone giới tính.

Ví dụ, một số nghiên cứu quy mô nhỏ về nam giới khẳng định TRE có thể làm giảm testosterone từ đó giảm khối lượng cơ và ham muốn tình dục ở quý ông.

Trong khi đó, một số bằng chứng yếu khác nêu ra lo ngại rằng TRE có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nồng độ estrogen, khiến quý cô bị rối loạn kinh nguyệt và ảnh hưởng khả năng sinh sản.

Tuy nhiên, tác động của TRE lên hormone giới tính phần lớn chưa được biết rõ do thiếu tài liệu và các mối lo ngại trên cũng chỉ được đưa ra bởi các nghiên cứu dạng quan sát ở quy mô nhỏ, thời gian ngắn.

Trong nghiên cứu hiện tại, các nhà khoa học từ Đại học Illinois ở Chicago (Mỹ) đã đánh giá tác động của TRE lên hormone sinh sản ở nam giới và phụ nữ tiền và sau mãn kinh, so sánh với việc ăn kiêng hạn chế calo trong vòng 12 tháng.

Các đối tượng TRE ăn uống tự do trong khoảng thời gian từ 12 đến 20 giờ tối và sau đó nhịn ăn, chỉ sử dụng đồ uống không chứa năng lượng cho đến trưa ngày hôm sau trong 6 tháng đầu tiên.

Sáu tháng tiếp theo, họ ăn thoải mái hơn một chút trong khung giờ 10 giờ sáng đến 20 giờ tối.

Nhóm đối chứng ăn hạn chế calo bằng cách giảm lượng năng lượng tiêu thụ xuống 25% mỗi ngày trong 6 tháng đầu tiên, ăn theo một chế độ vừa phải hơn vào 6 tháng tiếp theo.

Họ được yêu cầu duy trì tập thể dục thường xuyên, duy trì thói quen ăn uống và kiểm tra cân nặng.

Mẫu máu lúc đói được thu thập; nhiều lần để đánh giá mức lưu hành của tổng testosterone, dehydroepiandrosterone (DHEA), progesterone, estrogen và một số hormone khác liên quan đến giới tính.

Kết quả cho thấy việc nhịn ăn gián đoạn hầu như không gây khác biệt gì lên mức hormone giới tính so với kiểu ăn hạn chế calo thông thường sau 12 tháng theo dõi.

Ở một số người, những thay đổi nhỏ về hormone giới tính có thể đã xảy ra trong những tháng đầu can thiệp, nhưng dần dần trở lại mức cơ bản khi trọng lượng cơ thể ổn định theo thời gian.

Theo Người Lao Động