3 năm sau thanh tra, thêm loạt biệt thự, homestay vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn

Từ năm 2020 đến nay, hàng loạt công trình kiên cố, homestay mọc lên hai bên tuyến đường bê tông dẫn lên đồi Dõng Chum (xóm Ban Tiện, thôn Phú Ninh, xã Minh Phú), điểm sạt lở vùi lấp 13 ô tô ở Sóc Sơn, Hà Nội.

Gần một tuần sau vụ sạt lở đất, đá vùi lấp 13 ô tô, chính quyền huyện Sóc Sơn đã cho máy móc xới tung tuyến đường bê tông lên đồi Dõng Chum, xóm Ban Tiện (thôn Phú Ninh, xã Minh Phú).

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây, khu vực 13 ô tô bị đất, đá vùi lấp chỉ là lối mòn để người dân vào rừng chăm sóc cây. Nằm cạnh lối mòn này là một căn nhà nhỏ, làm bằng đá ong, được xây dựng hơn 20 năm trước.

3 năm sau thanh tra, thêm loạt biệt thự, homestay vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn-1
Công trình kiên cố được xây dựng bên tuyến đường lên đồi Dõng Chum, xóm Ban Tiện. (Ảnh: Quang Phong)

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, đặc biệt là trong năm 2021 và năm 2022, các công trình kiên cố và homestay đua nhau mọc lên hai bên con đường cụt dẫn lên đồi Dõng Chum.

Những công trình này làm bằng bê tông, cốt thép cao 1-2 tầng. Nhiều nhà ốp kính khang trang như biệt thự nhà vườn. Dưới chân nhà là bể bơi rộng hàng trăm mét vuông.

Cùng với các công trình kiên cố mọc lên, năm 2021, tuyến đường đất, đá dẫn lên đồi Dõng Chum cũng được bê tông hóa, dài khoảng 600m kết nối với liên thôn của xóm Ban Tiện.

Theo ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, đây là đường dân tự ý làm để đi lên các homestay. Do vậy, chính quyền huyện phải điều máy móc vào phá bỏ.

Chia sẻ với VietNamNet, nhiều người dân cho biết, xóm Ban Tiện (thôn Phú Ninh) hình thành từ năm 1988, khi nhà nước có chính sách đưa dân lên đây để trồng rừng. Thời điểm đó, xóm có hơn 20 hộ gia đình từ xã Tân Hưng (Sóc Sơn) lên khai hoang, trồng rừng.

3 năm sau thanh tra, thêm loạt biệt thự, homestay vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn-2
Các lô đất ở xóm Ban Tiện được phân từng lô, xây bờ rào xung quanh.

Sinh sống ở xóm Ban Tiện đã 35 năm, ông Ng.V.T. cho biết, khu vực gia đình ông sinh sống là đất thổ cư. Phía đối diện căn nhà của ông trước đây là những cánh rừng rộng bạt ngàn chạy thẳng lên đồi Dõng Chum.

Đứng dưới chân đồi Dõng Chum, bà Tr.Th.M. (vợ ông T.) tiếc nuối những cánh rừng phòng hộ xanh tít tắp bị chặt phá để bê tông hóa trong mấy năm gần đây.

Bà M. băn khoăn không rõ khu vực hai bên đường mới mở chạy lên đồi Dõng Chum là đất ở, đất vườn hay đất rừng phòng hộ mà những năm gần đây hàng loạt cây xanh bị chặt hạ để làm nhà.

Các mảnh đất chạy thẳng lên đồi bị chia năm, xẻ bảy, xây dựng tường rào bảo vệ.

Theo bà H.Th.V., (người dân xóm Ban Tiện) việc đất, đá ở đỉnh đồi Dõng Chum bị sạt lở là hiện tượng thiên tai chưa từng xảy ra ở đây.

“Có thể là do rừng cây bị chặt, cùng với việc các công trình kiên cố mọc lên làm thay đổi dòng chảy của nước nên mới dẫn lũ quét vùi nhiều ô tô như vậy”, bà V. nói. Bà lo ngại hiện tượng này sẽ thường xuyên xảy ra khi mưa lớn dài ngày ở Sóc Sơn.

3 năm sau thanh tra, thêm loạt biệt thự, homestay vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn-3
Không có cây cối, nhiều lô đất ở xóm Ban Tiện bị xói mòn.

Trước thông tin huyện Sóc Sơn đang điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, bà H.Th.V. cũng như các hộ dân ở thôn Ban Tiện mong muốn chính sách này sớm hoàn thành.

“Điều chỉnh quy hoạch giúp những người sinh sống hơn 30 năm ở xóm Ban Tiện ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần phải làm cẩn trọng, tránh hợp thức hóa sai phạm cho những trường hợp lấn chiếm đất rừng phòng hộ làm công trình kiên cố”, bà V. nói.

Theo ông Nguyễn Huy Du, Chủ tịch UBND xã Minh Phú, chính quyền xã ghi nhận nhiều trường hợp chuyển nhượng đất cho người dân không sinh sống trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Tuy nhiên, ông Du cho rằng, phải căn cứ vào hồ sơ mới rõ việc chuyển nhượng này là đúng hay sai.

3 năm sau thanh tra, thêm loạt biệt thự, homestay vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn-4
Nhiều công trình kiên cố 2 bên tuyến đường 600m lên đỉnh đồi Dõng Chum.

Vị Chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết, cơ quan chức năng đã lập hồ sơ các công trình vi phạm nằm bên đường dẫn lên đồi Dõng Chum.

“Để cưỡng chế những công trình này, xã và huyện đang cho rà soát các văn bản để xác định nguồn gốc đất. Đây là vấn đề phức tạp, anh em đang phải đối chiếu các văn bản ở từng thời điểm”, ông Du nói.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc các công trình kiên cố, homestay ở xóm Ban Tiện có vi phạm đất rừng hay không, ông Phạm Quang Ngọc Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn nói: “Chắc chắn là có vi phạm, vì nằm trong quy hoạch đất rừng. Tuy nhiên, khu vực này cũng có một phần đất ở. Hiện nay huyện Sóc Sơn đang cho rà soát để phân định ranh giới đất ở và đất rừng”.

Được biết, từ tháng 3/2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng Sóc Sơn trong đó, nêu rõ hàng ngàn trường hợp vi phạm đất rừng.

Chỉ riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí, cũng như khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/loat-biet-thu-homestay-moc-quanh-diem-sat-lo-vui-lap-o-to-o-soc-son-2175969.html

rừng phòng hộ thanh tra Sóc Sơn

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao