14 người thiệt mạng, 13 nạn nhân mất tích do mưa lũ

Đến 16h chiều 21/7, đợt mưa đã làm 14 người chết và 13 người mất tích, trong đó Yên Bái là địa phương có thương vong về người cao nhất.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết lũ trên các sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An) đang lên. Sông Bưởi ở Kim Tân ở mức dưới báo động (BĐ) 2, sông Mã (Lý Nhân) dưới BĐ1 và sông Cả (Nam Đàn) trên mức BĐ1. 

Đêm nay và sáng mai (22/7), lũ sông Bưởi và sông Mã (Thanh Hóa) sẽ lên nhanh, lũ sông Cả (Nghệ An) tiếp tục lên. Mực nước trên sông Mã dưới BĐ3, sông Cả dưới BĐ2 và sông Bưởi dưới BĐ3.


Mưa lũ gây sạt lở đất, ách tắc các tuyến giao thông ở Yên Bái. Ảnh: Báo Yên Bái.

Bên cạnh đó, cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An; ngập lụt tại vùng trũng thấp vẫn tiếp tục diễn ra. 

Vùng núi các địa phương như Thanh Hoá, Nghệ An cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại vùng trũng thấp.

Theo báo cáo của BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 16h chiều 21/7, đợt mưa đã làm 14 người chết (Yên Bái: 8, Thanh Hoá: 2, Hoà Bình: 1, Phú Thọ: 2, Lào Cai: 1) và 13 người mất tích (Yên Bái: 9, Thanh Hoá: 2, Phú Thọ: 1 và Sơn La: 1)

Mưa lũ gây sạt lở, ách tắc giao thông. Hàng loạt tuyến giao thông ở Yên Bái bị ngập sâu, trong đó quốc lộ 32, 32C, 37; tỉnh lộ 174, 175, 175B, 163, 166, 172, 175 có nhiều điểm bị ngập sâu và sạt lở ta luy, giao thông bị ách tắc. Ngoài ra, 29 xã thuộc 5 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái bị cô lập hoàn toàn.


Mưa lớn gây tổn thất nặng nề về người và tài sản với nhiều địa phương. Ảnh: Đình Sơn.

Chiều cùng ngày, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa (PCTT&TKCN) ra công điện gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn.

Ban PCTT&TKCN tỉnh phát lệnh báo động I trên sông Mã, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo cấp báo động. Rà soát kiểm tra và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn. Thông báo cho vùng ngoại đê biết để chủ động sơ tán. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống.

Tại huyện Quan Hóa, mưa kéo dài khiến Thủy điện Trung Sơn xả lũ vào sáng 21/7, 16 hộ phải di dời. Trên tuyến quốc lộ 15C, con đường độc đạo từ huyện Quan Hóa đi Mường Lát, một khối lượng lớn đất đá đổ xuống đường gây ách tắc, nhiều phương tiện không thể di chuyển.


Tỉnh Thanh Hoá có nhiều điểm sụt lở nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Dương.

Trước đó, vào đêm 19/7, một trận lũ quét xảy ra tại bản Hắc, xã Trí Nang, khiến 3 ngôi nhà, 4 người trong một gia đình bị cuốn trôi. Hai thi thể đã được tìm thấy.

Hôm nay, 21/7, huyện Lang Chánh tiếp tục huy động hơn 200 người thuộc các lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm, các ban, ngành, cán bộ địa phương tích cực tổ chức tìm kiếm 2 nạn nhân còn mất tích. Tuy nhiên, thời tiết trên địa bàn mưa to khiến công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn và chưa có kết quả.

 

Theo Zing


Yên Bái Dự Báo Thời Tiết mưa lớn ngập lụt

Tin tức mới nhất