Mr. Đàm, Lệ Quyên ký lên tranh đấu giá: Văn hóa và pháp lý đều sai

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên ký tên mình lên bức tranh đã đấu giá thành công thì về mặt văn hoá và pháp lý, cả 2 ca sĩ này đều sai.

Sáng 14/10, thông tin và hình ảnh việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên ký tên lên bức tranh của hoạ sĩ Hứa Thanh Bình – đây là vật phẩm được bán đấu giá nhằm hỗ trợ Lê Bình và Mai Phương chữa ung thư từ trước đó bỗng gây xôn xao. Cuộc đấu giá này có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng Hồng Nhung, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê, Lệ Quyên, Quang Linh, Dương Triệu Vũ, Bảo Anh...

Trong tổng số tiền thu được từ vật phẩm đấu giá gồm 835 triệu đồng thì có 200 triệu đồng là từ một nhà hảo tâm, nhờ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên đứng ra đấu giá hộ, và đó chính là bức tranh của hoạ sĩ Hứa Thanh Bình.

Sau cuộc đấu giá, hình ảnh ca sĩ Lệ Quyên và Đàm Vĩnh Hưng ký vào bức tranh được lan rộng. Nhiều ký kiến chỉ trích nặng nề 2 ca sĩ bởi dư luận cho rằng họ không tôn trọng tác phẩm nghệ thuật.

Mr. Đàm, Lệ Quyên ký lên tranh đấu giá: Văn hóa và pháp lý đều sai-1
Hình ảnh ký tên vào tác phẩm của hoạ sĩ nổi tiếng của Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên bị dư luận chỉ trích nặng nề.

Chia sẻ với VietNamNet, nhà điêu khắc - hoạ sĩ Phạm Sinh cho rằng, sự việc xảy ra cần có độ lùi để nhìn nhận thấu đáo vấn đề. Mục đích của bán tranh là tích cực, người mua có thiện chí, và muốn thể hiện dấu ẩn của mình. Tuy nhiên, cách bộc lộ lại khác biệt với quan niệm của phần đông về tác phẩm nghệ thuật.

Về mặt pháp lý, khi họ đã mua bức tranh đó, họ có toàn quyền định đoạt với tác phẩm đó. Nhưng để có văn hoá hơn, đơn vị tổ chức có thể trao chứng nhận ghi danh 2 ca sĩ đó đã đấu giá thành công, đính kèm sau bức tranh, cũng là cách thể hiện sự sở hữu.

Hoặc hành động có thể tạm chấp nhận là 2 ca sĩ có thể ký chữ vô cùng nhỏ dưới chữ ký của tác giả. Nó sẽ không huỷ hoại bố cục bức tranh, bức tranh không bị lem nhem”, hoạ sĩ Phạm Sinh chia sẻ.

Trong khi đó, hoạ sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, hành động tự ký vào tranh, lại ký to thực sự là hành động “vô văn hoá”. Nhưng ông cũng cho rằng, có thể bản thân các ca sĩ đó vô tâm, vô tình chứ không có ý thể hiện gì.

Tôi nghĩ đó là hành động vô tình, không để ý gì. Chứ về pháp lý, kể cả đấu giá thành công, thì việc ký vào tác phẩm là đã làm thay đổi nguyên bản bức tranh. Làm như vậy là tham gia vào tác phẩm.

Khi sở hữu bức tranh, người sở hữu có thể mang về treo đâu cũng được, có thể cho tặng, ký tên vào là vi phạm luật bản quyền. Nói chung, cả văn hoá và pháp lý, hành động của 2 ca sĩ này đều sai”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương cho hay.

VietNamNet cũng đã liên lạc với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, tuy nhiên anh không có phản hồi.


Theo Vietnamnet

 


Lệ Quyên Đàm Vĩnh Hưng

Tin tức mới nhất